Giải trí lấn át nhân văn

Thời gian qua, không ít chương trình truyền hình dành cho đối tượng khán giả nhí lên sóng. Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy càng ngày yếu tố giải trí càng lấn át những giá trị thẩm mỹ, tính giáo dục và nhân văn mà đáng ra những chương trình giải trí dành cho thiếu nhi cần phải hướng đến.
Nhanh như chớp nhí - chương trình đang tạo hiệu hứng khá tốt
Nhanh như chớp nhí - chương trình đang tạo hiệu hứng khá tốt

Trào lưu ăn theo game show người lớn

Trong bối cảnh game show truyền hình nở rộ và ngày càng bão hòa, các game show dành cho đối tượng thiếu nhi vẫn có sức hút đáng kể. Đó là lý do các game show nhí vẫn liên tục xuất hiện đều đặn trên sóng truyền hình. Ước tính có hàng chục chương trình (gồm game show, truyền hình thực tế) dành cho trẻ em lần lượt ra đời và phát sóng trên các kênh truyền hình vào “giờ vàng” các ngày trong tuần.

Danh sách ngày càng nối dài, từ Gương mặt thân quen nhí, Người hùng tí hon, Siêu đầu bếp nhí, Siêu nhí tranh tài, Bố ơi! Mình đi đâu thế, Con biết tuốt, Con đã lớn khôn, Siêu mẫu nhí, Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí... đến Nhanh như chớp nhí, Bản lĩnh nhóc tỳ, Sếp nhí khởi nghiệp hay Model Kid Vietnam… Đó là chưa kể, khá nhiều “sân chơi” mở rộng đối tượng tham gia và thu hút không ít trẻ em tham gia như Tìm kiếm tài năng Việt, Thách thức danh hài... 

Nhìn vào bức tranh các chương trình dành cho trẻ em, dễ dàng nhận thấy một thực trạng, đó là sự “ăn theo” các game show người lớn. Cứ chương trình người lớn nào tạo nên sức hút và lượng rating cao thì y như rằng sẽ lập tức sản sinh ra một phiên bản nhí ngay sau đó, nào là Gương mặt thân quen - Gương mặt thân quen nhí, Giọng hát Việt - Giọng hát Việt nhí, Sao nối ngôi - Sao nối ngôi nhí, Tiếu lâm tứ trụ - Tiếu lâm tứ trụ nhí, Nhanh như chớp - Nhanh như chớp nhí...

Cũng giống như game show dành cho người lớn, đa phần các chương trình dành cho thiếu nhi đều xoay quanh những cuộc tranh tài về năng khiếu múa, hát, nhảy, diễn kịch... thông qua danh nghĩa tìm kiếm tài năng. Thậm chí, lĩnh vực khá nhạy cảm như tìm kiếm người mẫu dạo gần đây cũng được khai thác với chương trình truyền hình thực tế đầu tiên về người mẫu nhí mang tên Model Kid Vietnam 2019 cũng đã chính thức lên sóng vào ngày 28-7 mới đây.

Và cũng giống như vòng quay của các game show người lớn, những chương trình thiên về múa hát ở trẻ em cũng ngày càng rơi vào tình trạng ngán ngẩm thì người ta cũng bắt đầu tìm đến những “món ăn” mới nghiêng về khai thác kiến thức, trong đó điển hình có thể kể đến Bản lĩnh nhóc tỳ hay Nhanh như chớp nhí (cũng là phiên bản ăn theo thành công của Nhanh như chớp).

Sân chơi cho trẻ hay cỗ máy kiếm tiền?

Công tâm mà nói thì việc ra đời các chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi đã góp phần đáp ứng nhu cầu giải trí của các bé, giúp các bé có không gian giải trí cho riêng mình sau những giờ học căng thẳng. Vấn đề đáng nói là các chương trình dành cho thiếu nhi ngày càng bị lạm dụng, ngày càng ít đi tính giáo dục, định hướng thẩm mỹ và tính nhân văn cho các bé - lứa tuổi mà mỗi một tác động bên ngoài đều góp phần định hình nhân cách cũng như thế giới nhân sinh quan của trẻ. Việc chạy theo lợi nhuận và thương mại hóa quá đà, dùng trẻ em như một chiêu “câu khách” tăng rating (tỷ suất khán giả xem đài) để dễ thu hút tài trợ, quảng cáo càng khiến dư luận lo ngại. 

Hiện tượng các bé khi tham gia các cuộc thi hát liên tục chọn thể hiện những ca khúc về tình yêu não tình, sướt mướt là một ví dụ điển hình. Người ta không thể không đặt câu hỏi, những tâm hồn non nớt đang còn tuổi ăn tuổi lớn kia sẽ như thế nào khi suốt ngày đắm chìm trong những câu chuyện đau thương và cảm xúc vay mượn ấy? Hay như chương trình tìm kiếm người mẫu nhí Model Kid Vietnam vừa được phát sóng mới đây cũng vấp phải những phản ứng trái chiều của dư luận khi không ít thí sinh nhí ăn mặc hở, trang điểm đậm và trình diễn catwalk như người lớn. Một chương trình khác cũng gây không ít lo ngại cho không ít người là Sếp nhí khởi nghiệp.

Quả thật, với mục đích mà cuộc thi hướng đến là “tìm kiếm, nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp, khuyến khích sự tự tin, khởi dậy năng lực, giúp trẻ có những ước mơ, mục tiêu rõ ràng, có ý thức quan tâm đóng góp các giải pháp cho cộng đồng và xã hội” cùng những câu hỏi được đưa ra trong đơn đăng ký như: Sản phẩm kinh doanh của bé là gì? Câu chuyện nào/sự kiện nào khiến bé muốn trở thành nhà kinh doanh tương lai? Bé sẽ quản lý tài chính bằng cách nào? Làm sao bé cân bằng được giữa việc học và khởi nghiệp? Bé sẽ sử dụng số tiền đầu tư để làm gì?... khiến người ta không khỏi hoang mang. 

Đó là chưa kể, không ít các cuộc thi trên truyền hình hiện nay dành cho trẻ em đều có lịch trình tập luyện hết sức dày đặc, khốc liệt. Nói không quá, trẻ em đã bị cuốn vào guồng quay của người lớn, phải sống trong áp lực, cường độ tập luyện dày đặc, phải học cách đi đứng, ứng xử, nói năng, thậm chí mặc đồ khêu gợi như người lớn, nhằm mục đích càng tăng tính hấp dẫn cho chương trình càng tốt. Các bé khi đã tham gia vào một cuộc chơi nào đó là vô tình trở thành cỗ máy kiếm tiền cho nhà sản xuất. Những gì có lợi về mặt thương mại được khai thác, còn các yếu tố liên quan đến tính giáo dục chẳng những không được quan tâm mà còn bị triệt tiêu.

Có thể nói, game show “nhí” hiện không chỉ là cuộc đua của riêng các nhà sản xuất mà còn là cuộc chiến cam go, nhiều thử thách đối với những thí sinh “nhí” tham gia chương trình. Góc khuất của ngành giải trí, sức ép, sự soi mói quá mức từ người hâm mộ, sự kỳ vọng của người lớn, sự cầu toàn của bản thân, những thị phi từ trên trời rơi xuống… dễ đẩy nghệ sĩ nhí rơi vào trạng thái trầm cảm. Thế nhưng, trên thực tế không ít phụ huynh thấy con có chút năng khiếu thì lập tức “đẩy” vào hết chương trình này đến chương trình khác để được nổi tiếng sớm. Theo các chuyên gia, sức hút của hào quang và tiền bạc không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em mà về lâu dài, những ảnh hưởng đến sự trưởng thành về tâm sinh lý của trẻ là một nỗi lo có thật.

Đã đến lúc cần hạn chế những chương trình chỉ mang tính giải trí vô bổ, chạy theo thị hiếu tầm thường để câu khách nhằm khai thác thương mại, thay vào đó nên tăng cường đầu tư, dành tâm huyết và trí tuệ để cho ra đời những chương trình mang tính định hướng thẩm mỹ và giáo dục, đưa đến những thông điệp mang tính nhân văn cũng như góp phần trang bị kỹ năng sống cho các bé.

Tin cùng chuyên mục