Sáng với mặt trời trong chai

Sáng như một bóng đèn compact tiết kiệm điện nhưng lại không tiêu hao năng lượng điện, không góp phần làm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính – đó là những đặc tính rất đặc biệt của dự án chai mặt trời đã và đang triển khai lắp đặt cho các hộ gia đình nghèo trên địa bàn TPHCM.
Sáng với mặt trời trong chai

Sáng như một bóng đèn compact tiết kiệm điện nhưng lại không tiêu hao năng lượng điện, không góp phần làm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính – đó là những đặc tính rất đặc biệt của dự án chai mặt trời đã và đang triển khai lắp đặt cho các hộ gia đình nghèo trên địa bàn TPHCM. 

  • Từ thực tế nhân văn...

Nếu bạn lướt qua các khu dân cư nghèo trên địa bàn thành phố, ắt hẳn bạn sẽ hiểu ngay được rằng tại sao người nghèo lại phải chi phí rất lớn cho việc sử dụng điện. Điển hình như tại khu vực phường 3, 5 quận 4. Tuy chỉ cách khu trung tâm sầm uất của quận 4 chưa đầu 2km và cách trung tâm TP.HCM chưa đầy 7 phút đi xe máy nhưng đây được xem như khu ổ chuột. Từ đầu con hẻm đi vào rất tối tăm. Không gian phía trên của con hẻm bị người dân lấn ra làm mái hiên. Do đó, tại đây ban ngày cũng như ban đêm đều rất tối. Chưa hết, nhà dân ở đây cũng rất ọp ẹp. Đa phần mái nhà đều được lợp bằng tôn, chen chúc nhau trong một không gian khá chật hẹp nên phía trong căn nhà rất tối. Bất kể là ngày hay đêm họ đều phải sử dụng điện để chiếu sáng sinh hoạt. Do đó, chi phí tiền điện mà họ phải chi trả rất cao. Khoảng 1/10 thu nhập của họ (khoảng 200.000 – 400.000 đồng/tháng).

Xuất phát từ thực tế đó, ban tổ chức chương trình Giờ trái đất 2012 do Báo SGGP chủ trì đã thực hiện cải tạo hệ thống điện cho người dân tại khu vực này bằng phương pháp sử dụng chai mặt trời. Chai mặt trời là một dự án cộng đồng đem lại ánh sáng cho đối tượng các hộ nghèo tại TP.HCM bằng phương pháp rất đơn giản. Chai nước đã qua sử dụng được đổ đầy nước và thêm vào một lượng Javen theo tỉ lệ nhất định lắp đặt ở mái tôn sao cho một phần của nó tiếp xúc với mặt trời thì phần còn lại tiếp xúc với không gian sống sẽ phát sáng với độ quang phổ tương đương một bóng đèn 55-60W. Đây là nguồn năng lượng xanh bền vững thích hợp với vùng có số ngày nắng cao, dễ lắp đặt và sửa chữa với giá thành rất thấp. Và ngôi nhà đầu tiên được lắp đặt thành công chai mặt trời là tại tổ 22, khu phố 3, phường 5, quận 4, TP.HCM. Hiện nhóm thành viên dự án đã hoàn thành việc khảo sát và lắp đặt thí điểm mở rộng tại các quận 3, 7, 8, Bình Thạnh, Thủ Đức, Gò Vấp.

  • Cần nhân rộng mô hình chai mặt trời

“Chai mặt trời là dự án giới thiệu giải pháp ánh sáng với chi phí thấp, áp dụng cho các khu dân cư đông đúc có mức sống dưới mức trung bình ở Việt Nam, và đặc biệt phù hợp với các ngôi nhà mái tôn, ít hoặc không có cửa sổ nên ban ngày vẫn phải bật đèn điện. Dự án dự tính mở rộng trong một vài năm tới với mục đích giúp đỡ nhiều người dân khó khăn cắt giảm tiền điện mà họ phải bỏ ra hằng tháng, giảm nhu cầu năng lượng nội địa, góp phần làm chậm lại sự biến đổi của khí hậu,” bà Trần Ngọc Mai – phụ trách dự án Chai mặt trời của chiến dịch Một giờ trái đất khác biệt chia sẻ.

Hướng dẫn, tuyên truyền ý thức tiết kiệm điện bằng mô hình chai mặt trời

Hướng dẫn, tuyên truyền ý thức tiết kiệm điện bằng mô hình chai mặt trời

Có thể nói, Chai mặt trời là một dự án cộng đồng có mục tiêu đưa giải pháp về ánh sáng cho cộng đồng thu nhập thấp, được xây dựng từ mô hình “Ánh sáng từ chai nước” được phát kiến lần đầu tiên năm 2008 tại Brazil và ngay trong những năm tiếp theo đã được nhân rộng tại Phillipines. Việt Nam là quốc gia thứ 3 tiếp nhận sáng kiến này. Đây sẽ là lời giải có giá trị kinh tế cao đối với vấn đề năng lượng của các gia đình thu nhập thấp. Những chai mặt trời này không chỉ cung cấp ánh sáng từ nguồn sáng hoàn toàn miễn phí, giúp mỗi hộ gia đình giảm được khoảng 40% chi phí tiền điện hằng tháng, mà còn giúp giảm nguy cơ cháy nổ, giảm rác thải, giảm lượng phát thải CO2 hằng năm lên tới 7%. Đặc biệt hơn, sử dụng nguồn sáng từ chai mặt trời sẽ giúp giảm áp lực lên hệ thống điện lưới của địa phương. Những chai ánh sáng với chi phí đầu tư rất thấp này lại có tuổi thọ khá cao. Và với cách lắp đặt rất đơn giản, các hộ dân đều có thể tự thực hiện, thậm chí nhân rộng với những gia đình quen biết.

Bài dự thi của Phúc Anh


Bài dự thi xin gửi về: Trung tâm Truyền thông - Báo Sài Gòn Giải Phóng - Địa chỉ: số 450 Nguyễn Thị Minh Khai, P.5, Q.3, TPHCM. Email: ytuongtietkiemdien2012@gmail.com. Thời gian gửi bài dự thi: đến hết ngày 22-11-2012. Giải thưởng chung cuộc khi kết thúc cuộc thi: 01 giải Nhất: trị giá 25.000.000 đồng, 01 giải Nhì: trị giá 15.000.000 đồng, 01 giải Ba: trị giá 10.000.000 đồng, 10 giải Khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.

Tin cùng chuyên mục