Giảm cấp phát, tăng cho vay lại

Nghị định 52 (ban hành ngày 28-4) sẽ là công cụ để phân bổ nguồn lực, ưu tiên sử dụng nguồn ODA cho các địa phương khó khăn; xây dựng và nâng cao năng lực quản lý nợ của địa phương.
Tại cuộc họp báo chuyên đề về Nghị định 52/2017/NĐ-CP (về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho biết, cơ chế mới sẽ nâng cao tính chủ động của địa phương trong quản lý thực hiện dự án và góp phần quản lý hiệu quả nợ của địa phương.
Theo đó, Nghị định 52 (ban hành ngày 28-4) cũng sẽ là công cụ để phân bổ nguồn lực, ưu tiên sử dụng nguồn ODA cho các địa phương khó khăn; xây dựng và nâng cao năng lực quản lý nợ của địa phương để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo khi Việt Nam không còn tiếp cận được với nguồn vốn vay ODA và chuyển sang vay theo điều kiện thị trường. Việc cho các địa phương vay lại cũng không ở mức quá cao để địa phương không trả được nợ, mà còn phải tuân thủ hạn mức nợ của ngân sách nhà nước, dòng tiền hàng năm của địa phương…
Trong giai đoạn 2004-2015, trong tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết khoảng 45 tỷ USD. Trong tổng số vốn vay cho chương trình, dự án của địa phương, tỷ trọng vốn cấp phát còn lớn (92,2%); tỷ trọng cho vay lại còn hạn chế (7,8%).  
Tuy nhiên, từ tháng 7-2017, Việt Nam không còn được vay vốn của Ngân hàng Thế giới theo điều kiện ODA và phải chuyển sang sử dụng chủ yếu là nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay toàn bộ theo điều kiện thị trường. Bên cạnh đó, cơ chế cấp phát cũng chưa khuyến khích các địa phương phát huy tối đa tính chủ động để đạt được hiệu quả sử dụng vốn tối ưu.

Tin cùng chuyên mục