Giám đốc Sở Công thương TPHCM Phạm Thành Kiên: Hàng hóa tết đã sẵn sàng, giá bán ổn định

  Công tác triển khai chuẩn bị hàng hóa tết tại TPHCM đang diễn ra như thế nào? TPHCM đã và đang làm gì để kiểm soát cung - cầu, ổn định giá cả thị trường? Phóng viên Báo SGGP đã phỏng vấn ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM (ảnh) để làm rõ những vấn đề nêu trên.
Giám đốc Sở Công thương TPHCM Phạm Thành Kiên: Hàng hóa tết đã sẵn sàng, giá bán ổn định
Giám đốc Sở Công thương TPHCM Phạm Thành Kiên: Hàng hóa tết đã sẵn sàng, giá bán ổn định ảnh 1

Công tác triển khai chuẩn bị hàng hóa tết tại TPHCM đang diễn ra như thế nào? TPHCM đã và đang làm gì để kiểm soát cung - cầu, ổn định giá cả thị trường? Phóng viên Báo SGGP đã phỏng vấn ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM (ảnh) để làm rõ những vấn đề nêu trên.

 Phóng viên: Ông có thể cho biết những điểm mới về công tác bình ổn thị trường Tết Bính Thân 2016 trên địa bàn TPHCM?

Ông PHẠM THÀNH KIÊN: Theo thông lệ, vào quý 4 hàng năm, TPHCM đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho đợt mua sắm cao điểm Tết Nguyên đán. Riêng công tác bình ổn thị trường (BOTT), tết năm nay các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình đã đăng ký lượng hàng tương ứng với tổng giá trị hàng dành riêng để BOTT tết là gần 6.900 tỷ đồng. Lượng hàng chuẩn bị tăng bình quân 10% so kế hoạch TP giao và tăng 40% so với kết quả thực hiện dịp Tết Ất Mùi 2015. Trong số đó, nhiều nhóm hàng bình ổn có sản lượng lớn, chi phối từ 35%-52% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm chiếm 51,7%, dầu ăn (31,3%), đường (47,4%), thực phẩm chế biến (38,9%), trứng gia cầm (44,6%), thịt gia súc (25,9%)...

Nét mới trong công tác BOTT năm Bính Thân là TPHCM đặc biệt chú trọng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Để thực hiện tốt, hiện Sở Công thương phối hợp với Sở Y tế, Sở NN-PTNT đã và đang tích cực thực hiện công tác kết nối cung cầu hàng hóa, tìm kiếm các nguồn hàng lương thực, thực phẩm an toàn, đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP từ các địa phương, tỉnh thành bạn để bổ sung cho nguồn cung còn rất khiêm tốn của TP. Song song đó, TP cũng thực hiện việc công bố địa chỉ các điểm bán thực phẩm an toàn, đạt các tiêu chuẩn chất lượng nêu trên để người tiêu dùng biết và an tâm mua sắm.

Tính đến nay, qua 3 đợt công bố, số lượng siêu thị, cửa hàng bán sản phẩm VietGAP, GlobalGAP, HACCP được nâng lên 308 điểm. Hiện chúng tôi vẫn đang tích cực kiểm tra, rà soát và hỗ trợ các DN xây dựng hệ thống phân phối đạt các điều kiện an toàn để tiếp tục công bố cho người tiêu dùng. Qua từng năm, các DN đã ngày càng lớn mạnh, thể hiện bản lĩnh của mình qua việc tự đầu tư và liên kết đầu tư, tạo ra nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới. Chính điều này đã làm nên sự khác biệt cho Chương trình BOTT năm 2015 cũng như mùa kinh doanh Tết Bính Thân 2016. 

 Việc chuẩn bị nguồn hàng và cung ứng hàng hóa tết được triển khai như thế nào? Theo ông, đâu là những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện?

 Công tác chuẩn bị nguồn hàng tết tại TPHCM chủ yếu dựa trên 3 nguồn cung chính, đó là từ các DN BOTT, từ 3 chợ đầu mối và từ các DN khác. Trong 3 nguồn hàng thì các DN BOTT đóng vai trò chủ lực (chiếm từ 30%-40% thị phần) và nguồn cung từ 3 chợ đầu mối chiếm đến 60%-70% thị phần.

Cho đến nay, nguồn cung hàng hóa cho thị trường tết đã sẵn sàng, với việc chuẩn bị và sản xuất đã đạt gần 100% kế hoạch. Hiện nay, các DN bán lẻ, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các chuỗi cửa hàng tiện lợi đang triển khai các kế hoạch phân phối hàng hóa ra thị trường như kéo dài thời gian bán hàng, mở thêm các quầy tính tiền để kịp thanh toán cho khách hàng trong những ngày cao điểm mua sắm… Ngoài ra, các DN cung ứng cũng bắt tay với nhà phân phối thực hiện các chương trình khuyến mãi lớn, với mức giảm giá từ 5%-49% đối với hàng ngàn sản phẩm nhằm kích cầu tiêu dùng. Với DN BOTT đã lên kế hoạch giảm giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu trong thời gian cận tết, tổ chức các chuyến hàng lưu động đến vùng sâu, vùng xa của TP để người dân có thể mua sắm hàng tết có chất lượng cao với giá cả ổn định…

Công tác chuẩn bị nguồn hàng tết trong suốt thời gia qua có nhiều thuận lợi do giá cả nhiều loại nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất giảm, số lượng DN tham gia Chương trình BOTT tăng lên. Đặc biệt là nguồn hỗ trợ các DN chuẩn bị hàng hóa tết rất dồi dào. Bên cạnh nguồn vốn dành cho Chương trình BOTT, Sở Công thương đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM và các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các DN được tiếp cận gói 45.000 tỷ đồng. Riêng Ngân hàng TMCP Sacombank triển khai gói vốn 1.500 tỷ đồng cho các tiểu thương vay để chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường tết.

Trong tình hình có nhiều thuận lợi, chúng tôi cũng không thể chủ quan và phải hết sức thận trọng theo dõi tiến độ thực hiện kế hoạch tết và nhanh chóng giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện chương trình.

Chọn mua bánh tại gian hàng Tết Việt trong Co.opmart. Ảnh: Cao Thăng

Ông có nhận định gì về tổng quan hàng hóa cung ứng và giá cả thị trường tết? 

Tình hình kinh tế thế giới và trong nước hiện nay, cũng như qua theo dõi quá trình thực hiện kế hoạch tết của các DN, tôi đánh giá công tác chuẩn bị và triển khai kế hoạch tết đến nay đang được thực hiện đúng tiến độ và yêu cầu. Theo đó, sức mua thị trường tết năm nay sẽ tăng hơn so với năm 2015. Nhiều khả năng thị trường tết sẽ khó có thể xảy ra biến động.

Như vậy, nguồn hàng cung ứng cho thị trường tết sẽ không thiếu. Vấn đề còn lại là Sở Công thương sẽ triển khai mạng lưới phân phối hàng tết ra sao để người dân có thể mua sắm tốt nhất? 

 Đúng như vậy. Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình BOTT, lãnh đạo TP đã xác định, song song với công tác tạo nguồn hàng có chất lượng, giá bán ổn định thì việc phát triển mạng lưới phân phối đóng vai trò rất quan trọng. Từ quan điểm này, trong những năm gần đây, chương trình đã nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc phát triển điểm bán, đưa hàng bình ổn đến với đông đảo người tiêu dùng TP.

Tính đến nay, tổng số điểm bán của 4 Chương trình BOTT là 9.200 điểm bán. Trong đó, riêng Chương trình BOTT các mặt hàng lương thực  - thực phẩm đã có hơn 3.600 điểm bán. Theo đó, các DN BOTT cũng chia làm 3 tổ bán thực hiện 339 chuyến bán hàng lưu động trong 2 tháng trước tết tại các quận ven, huyện ngoại thành, KCX-KCN. Riêng tháng cao điểm tết thực hiện trên 180 chuyến, trong đó có 40 chuyến ưu tiên phục vụ công nhân không có điều kiện về quê ăn tết. Đồng thời, tiếp tục đưa vào hoạt động thêm nhiều siêu thị Co.opmart và các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng co.op liên kết với Hội Liên hiệp phụ nữ, cửa hàng thanh niên… để phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân. Tôi cho rằng, nếu việc mở các siêu thị, cửa hàng cần có thời gian thì việc đưa hàng tết thông qua các chuyến bán hàng lưu động là biện pháp tối ưu để hàng hóa đến tay người tiêu dùng vùng ven và các huyện ngoại thành  nhanh và hiệu quả nhất .

Bên cạnh hệ thống phân phối hiện đại là các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chúng tôi còn có các chợ đầu mối, chợ bán sỉ, bán lẻ, các cửa hàng tạp hóa đã cùng vào cuộc để phân phối hàng bình ổn. 

Từ nay đến tết, các sở, ngành sẽ triển khai những biện pháp gì nhằm tránh tình trạng khan hàng, sốt giá cục bộ, đồng thời hạn chế nạn kinh doanh hàng gian, hàng giả và kém chất lượng trên thị trường?

Cùng với việc tăng cường đi thực tế, kiểm tra tại nguồn, năm nay sở đã yêu cầu các DN sản xuất và phân phối lên kế hoạch thật chi tiết, cụ thể. Đối với DN sản xuất phải đưa ra cho được số lượng hàng hóa thật cụ thể như lượng hàng do DN chủ động đầu tư sản xuất hoặc liên kết với các vệ tinh, khả năng cung ứng và chi phối thị trường… Với các DN phân phối cũng phải có kế hoạch kinh doanh đối với từng mặt hàng thiết yếu, đồng thời tiến hành đặt hàng chi tiết cho các DN sản xuất để tạo sự kết nối tốt để chủ động hơn trong quá trình cung ứng và phân phối hàng hóa.

Về giá bán, năm nay các DN đã cam kết ổn định, không tăng giá trong 2 tháng tết (tức 1 tháng trước tết và 1 tháng sau Tết Bính Thân 2016, kể từ ngày 8-1-2016 đến 8-3-2016). Ngoài ra, các DN cũng đăng ký với Sở Công thương về kế hoạch giảm giá bán hàng thiết yếu như thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm… trong những ngày cận tết để hỗ trợ người dân nghèo có thể mua sắm hàng hóa đón tết. Mặt khác, sở cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó lực lượng chính là quản lý thị trường, Thanh tra Sở Tài chính, các đội kiểm tra liên ngành.

Đối với các quận, huyện, UBND TPHCM đã chỉ đạo UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm theo dõi diễn biến tình hình thị trường để kịp thời can thiệp nếu xảy ra biến động giá. Phòng Kinh tế quận, huyện, ban quản lý các chợ, các siêu thị, trung tâm thương mại và DN tham gia Chương trình BOTT có trách nhiệm báo cáo hàng ngày về hoạt động sản xuất, kinh doanh, diễn biến thị trường về Sở Công thương để theo dõi và điều phối hàng hóa. Bên cạnh đó, Sở Công thương cùng phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin - Truyền thông để thông tin kịp thời, đầy đủ đến người tiêu dùng yên tâm mua sắm hàng hóa, tránh nghe theo các thông tin sai lệch, thiếu căn cứ dẫn đến việc mua gom tích trữ hàng hóa một cách không cần thiết.

Với sự năng động, sáng tạo của các DN cộng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TP, tôi tin rằng thị trường tết năm nay sẽ không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến. 

 Trân trọng cảm ơn ông!

THÚY HẢI (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục