Giảm giá tăng sức mua dịp cuối năm

Theo Sở Công thương TPHCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10-2017 ước đạt 79.016 tỷ đồng, tăng 1,29% so tháng trước. Ước tính 10 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 756.667 tỷ đồng, tăng 11,59% so cùng kỳ. 
Nhiều chương trình giảm giá “sốc” trong tháng 11-2017
Nhiều chương trình giảm giá “sốc” trong tháng 11-2017
Trong đó, thương nghiệp bán lẻ 10 tháng đầu năm đạt 488.112 tỷ đồng, tăng 12,46% so cùng kỳ, với các ngành có mức tăng cao như đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,6%; gỗ, vật liệu xây dựng tăng 13,3%; xăng dầu tăng 13,9%. Ngành có mức tăng trưởng khá là lương thực - thực phẩm 9,9%; hàng may mặc 13%; vật phẩm văn hóa, giáo dục 10,6%. Mức tăng trưởng bán lẻ của các ngành tương thích với thực trạng chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang tăng cao. 

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, nhận xét một trong những động lực kích thích mua sắm trong 10 tháng qua đến từ các chương trình khuyến mại đa dạng của nhiều doanh nghiệp. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 27-10, có 4.489 doanh nghiệp đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại với tổng giá trị ước tính hơn 64.559 tỷ đồng. Cụ thể, “Tháng khuyến mại” vào tháng 9 thực hiện khoảng 12.100 chương trình thuộc các ngành lương thực - thực phẩm, hóa mỹ phẩm, thực phẩm, đồ uống, điện - điện tử... với tổng giá trị khuyến mại hơn 9.411 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở Công thương còn tổ chức Hội chợ khuyến mại năm 2017, Tuần khuyến mại trực tuyến... để hỗ trợ thiết thực cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận người tiêu dùng và xây dựng uy tín thương hiệu.

Từ nay đến cuối năm 2017, Sở Công thương TPHCM sẽ tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ người dân đón Tết Mậu Tuất 2018 trên địa bàn thành phố. Trong đó, TPHCM chú trọng đẩy mạnh công tác chuẩn bị nguồn hàng, đảm bảo cung cầu hàng hóa vào tháng cuối năm và cao điểm Tết Nguyên đán; phát triển điểm bán; kiểm tra, kiểm soát, theo dõi, nắm chắc tình hình diễn biến thị trường; kết nối cung - cầu, hỗ trợ lưu thông hàng hóa… 

Để hưởng ứng và thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, ổn định thị trường, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà bán lẻ trên địa bàn TPHCM đã liên tục tổ chức nhiều hoạt động khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Trong tháng 11 này, Trung tâm Điện máy Nguyễn Kim và hệ thống siêu thị BigC cùng phối hợp triển khai chương trình hợp tác ưu đãi với tên gọi “Tháng tri ân” nhằm đem lại quyền lợi cao nhất có thể cho khách hàng. Còn Trung tâm thương mại đại siêu thị LOTTE Mart đang triển khai chuỗi khuyến mãi “Gia đình và ẩm thực”, áp dụng cho gần 1.000 mặt hàng thực phẩm đa dạng với giá giảm giá sâu đến 49%. 

Đặc biệt, hệ  thống Co.opmart khởi động Tháng tri ân khách hàng 2017 với nhiều hoạt động ý nghĩa và khuyến mãi lớn kéo dài liên tục. Cũng trong thời gian này, cùng với Co.opmart và Co.opXtra, các mô hình bán lẻ khác của Saigon Co.op gồm Co.op Food, Co.op Smile, Sense City, Sense Market, HTVCo.op và hàng trăm nhãn hàng như Vinamilk, Tường An, Phú Quý, Duy Tân, Thắng Lợi... cũng tham gia khuyến mãi, tặng điểm thưởng bất ngờ, giảm giá, tặng quà để tri ân khách hàng.

Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Marketing Liên hiệp Hợp tác xã TPHCM (Saigon Co.op), cho biết lần đầu tiên, hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra trên cả nước sẽ thí điểm, tạo hiệu ứng “Black Friday” bằng chương trình giảm giá sâu hàng loạt mặt hàng thực phẩm công nghệ, đồ dùng gia đình, thời trang, các sản phẩm thương hiệu Co.opmart và hóa phẩm. Chương trình này nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các nhãn hàng nhằm tạo hiệu ứng mới, dự kiến sẽ có hơn 50.000 sản phẩm tham gia sự kiện giảm giá đặc biệt này.

Đánh giá về khả năng tăng trưởng thị trường và mức bán lẻ trên địa bàn TPHCM, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh nhiều yếu tố thuận lợi như hiệu quả của các chương trình kích cầu tiêu dùng, sức mua đang ổn định, tình hình giá cả hàng hóa được kiểm soát tốt (đặc biệt với nhóm hàng thiết yếu), việc tổ chức tốt các kênh phân phối hàng hóa nhằm tập hợp và phân bổ luồng hàng, điều phối nguồn hàng, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa đến tay người tiêu dùng cũng góp phần làm gia tăng sức mua. Hiện trên địa bàn TPHCM đã phát triển 239 chợ, 207 siêu thị, 43 trung tâm thương mại, 1.100 cửa hàng tiện lợi, 10.602 điểm bán hàng bình ổn thị trường.
 Theo các sở ngành TPHCM, ước tính cả năm 2017, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ của thành phố sẽ đạt 920.440 tỷ đồng, tăng 10,89% so năm 2016 (vượt chỉ tiêu tăng 9,5%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa dự kiến đạt 599.690 tỷ đồng, tăng 12,24% so cùng kỳ và chiếm 65,15% trong tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ.

Tin cùng chuyên mục