Giảm phụ thuộc tài nguyên hóa thạch

Nhu cầu điện năng của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 2 - 3 lần trong 2 thập kỷ tới. Điều này đang đặt ra thách thức lớn đối với các nhà làm chính sách của đất nước nhằm xây dựng một nguồn cung năng lượng bền vững. 
Giảm phụ thuộc tài nguyên hóa thạch ảnh 1              Điện gió bảo vệ môi trường. Ảnh: THÀNH TRÍ
Tăng hiệu quả năng lượng
Bộ Công thương dự báo, nhu cầu năng lượng của Việt Nam ngày càng lớn; đến năm 2035, tổng nhu cầu năng lượng sẽ tăng 2,5 lần so với năm 2015. Mức tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải (chiếm tỷ trọng 27,5%) dự báo gia tăng nhanh nhất (5,7%/năm), lĩnh vực công nghiệp (chiếm tỷ trọng 45,3%) có tốc độ tăng 5%/năm trong giai đoạn 2016-2035.
Hiện nguồn cung năng lượng ở Việt Nam vẫn chủ yếu phụ thuộc vào tài nguyên hóa thạch. Trong khi loại tài nguyên này ngày một cạn kiệt và quá trình khai thác, sử dụng luôn gây ô nhiễm môi trường.
Dự kiến tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp sẽ tăng lên 37,5% vào năm 2025 và 58,5% vào năm 2035. Sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến an ninh nguồn cung năng lượng và sự phụ thuộc của Việt Nam vào nhiên liệu nhập khẩu, đặc biệt là than. 
Nhiều chuyên gia cho rằng, bối cảnh hiện nay không đơn giản là sự phát triển của năng lượng tái tạo mà còn là sự dịch chuyển cả hệ thống sang một xã hội carbon thấp. Trong quy hoạch năng lượng, sự chuyển biến này bắt đầu bằng việc tăng hiệu quả năng lượng.
Việc tăng hiệu quả năng lượng thường cấp bách hơn so với việc tăng thêm công suất phát điện. Hiệu quả năng lượng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế, do đó yếu tố này có thể được cải thiện đáng kể. Điều này có thể thấy ở chỉ số đàn hồi năng lượng theo tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, tốc độ tiêu thụ năng lượng của Việt Nam tăng cao hơn so với tốc độ phát triển kinh tế 1,5 - 2 lần; trong khi ở các nước phát triển, chỉ số này đa số là 1 hoặc thậm chí dưới 1. 
Không quá phụ thuộc nhiệt điện than
Năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030. Tuy nhiên, trong Quy hoạch điện VII vẫn đề xuất phát điện từ nhiệt điện than chiếm tới 53,2%.
Theo các chuyên gia, phát triển từ nhiệt điện than sẽ không có lợi cho môi trường và kinh tế. Chứng minh cho quan điểm này, TS Hà Dương Minh, Giám đốc Trung tâm Năng lượng sạch và phát triển bền vững (Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội), cho rằng các nhà máy nhiệt điện than góp phần lớn nhất trong việc tăng nồng độ CO2 vào khí quyển, gây biến đổi khí hậu. Trong vòng 50 năm trở lại đây, nhiệt độ trung bình của Việt Nam đã tăng lên khoảng 0,5°C và mực nước biển đã tăng 20cm. Các hiện tượng khí hậu cực đoan đã tăng cả về tần số lẫn cường độ. Biến đổi khí hậu khiến thiên tai, đặc biệt là bão,  lũ lụt và hạn hán trở nên nghiêm trọng hơn. 
Cũng theo TS Hà Dương Minh, trước đây Việt Nam có đủ lượng than cung cấp tiêu thụ trong nước, nhưng nay điều này đã thay đổi. Trong năm 2016, nước ta đã bắt đầu nhập khẩu 2 triệu tấn than và lượng than nhập khẩu dự đoán còn tăng trong tương lai và có thể lên 18 - 20 triệu tấn vào năm 2020.
Giả thiết giá than ở mức 50 USD/tấn, lượng nhập khẩu này sẽ tương ứng 1 tỷ USD và con số này tăng lên 4,9 tỷ USD vào năm 2030 để phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện than. Đây là con số lớn ngay cả đối với các nước có mức thu nhập trung bình và có thể là gánh nặng đáng kể lên cán cân thương mại quốc gia.
Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đã đề xuất số lượng nhà máy nhiệt điện than có thể tăng lên 20 - 64 nhà máy vào năm 2030. Hầu hết nhà máy nhiệt điện than mới sẽ sử dụng than nhập khẩu. Sự phụ thuộc này sẽ đi kèm với việc tăng nguy cơ đối với an ninh năng lượng do ảnh hưởng của yếu tố ngoài nước.
Bên cạnh đó, các nước phụ thuộc vào than để phục vụ tăng trưởng kinh tế phải đối mặt với nguy cơ an ninh năng lượng khác, đó là bị trừng phạt thương mại. Các hiệp định thương mại quốc tế có những điều khoản chống lại việc hủy hoại môi trường; các hiệp định cho phép tạo ra các rào cản thương mại đối với sản phẩm đến từ những nước không tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường đã được thông qua. 
Có thể nói rằng, “cuộc chiến chống biến đổi khí hậu” sẽ được quyết định ở châu Á, bởi trong các nước này, Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ là 4 quốc gia chiếm đến 75% tổng số nhà máy nhiệt điện than mới sẽ được xây dựng trong 5 năm tới.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu các vùng đều xây dựng nhà máy nhiệt điện than trong thời điểm này thì chúng ta sẽ gặp nhiều rắc rối. Đây có thể là thảm họa đối với hành tinh. Việt Nam cần thiết phải có sự giám sát chặt chẽ các vấn đề môi trường, đặc biệt là giám sát các nhà máy nhiệt điện than. Bắt đầu thay thế than bằng khí tự nhiên, thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế về cắt giảm phát thải khí nhà kính; đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo, bao gồm xây dựng các cơ chế thị trường, khuyến khích các sáng kiến, chính sách và thu hút đầu tư vào năng lượng Mặt trời, năng lượng gió.
Thế giới hiện nay đã tăng thêm công suất của năng lượng tái tạo nhiều hơn so với công suất của tất cả loại nhiên liệu hóa thạch cộng lại. Cho đến cuối năm 2015, năng lượng tái tạo đã cung cấp khoảng 23,7% năng lượng toàn cầu, trong đó thủy điện cung cấp khoảng 16,6%.

Tin cùng chuyên mục