Giám sát dự án bất động sản mới của doanh nghiệp yếu tài chính

Năm qua, dù thị trường ấm lại nhưng khách hàng chỉ mua những dự án đã thành hình, chấp nhận giá cao hơn, chứ không còn mạo hiểm mua dự án trên giấy như trước. Trước hàng trăm dự án ách tắc kéo dài nhiều năm trên địa bàn TPHCM, để lại hậu quả khó lường cho xã hội, thì nay việc rà soát lại tất cả những dự án chậm tiến độ để bảo vệ người dân là cần thiết. Đồng thời, qua đó, cần “ghi sổ đen” những doanh nghiệp thiếu năng lực, chậm bàn giao sản phẩm cho khách hàng để giám sát chặt nếu họ đầu tư mới.
Khu đất 504 Nguyễn Tất Thành, quận 4, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Khu đất 504 Nguyễn Tất Thành, quận 4, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Ngân hàng xiết nợ 
Hầu hết các dự án bất động sản đóng băng là do chủ đầu tư “tay không bắt giặc”, vừa bán dự án trên giấy cho khách hàng vừa dùng dự án thế chấp vay ngân hàng và khi thị trường đóng băng, dự án bán không hết nên hụt vốn, “treo” dự án. Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM, hiện TP còn gần 500 dự án đang đắp chiếu. Hầu hết dự án này đã bán sản phẩm cho khách hàng nhưng đồng thời cũng đã cầm cố ngân hàng. Khi thị trường đi xuống, doanh nghiệp không còn vốn để phát triển dự án bàn giao cho khách hàng nên đành đắp chiếu và đứng trước nguy cơ bị ngân hàng xiết nợ.
Thực tế năm qua có rất nhiều doanh nghiệp nợ ngân hàng hàng ngàn tỷ đồng, bị ngân hàng xiết nợ. Cụ thể, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) xiết nợ 2 chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Y tế Việt Nam và Công ty CP Đầu tư Xây dựng và khai thác công trình giao thông 584, với tổng giá trị tạm tính đến cuối tháng 7-2017 là gần 1.100 tỷ đồng. Hai chủ đầu tư này đã cầm cố 114 nền nhà liên kế, 2 block chung cư, với gần cả ngàn căn hộ tại quận Tân Phú để vay vốn ngân hàng, nhưng đã không có khả năng chi trả.
Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng đã tiến hành thu giữ tài sản để xử lý khoản nợ xấu lên tới 7.000 tỷ đồng. Tài sản bị thu giữ là cao ốc phức hợp Saigon One Tower (tên gọi trước đây là Sài Gòn M&C, tại số 34 Tôn Đức Thắng, quận 1, TPHCM). Maritime Bank cũng thông báo thu giữ tài sản thế chấp là bất động sản tọa lạc tại số 1/229 Khu biệt thự Phú Gia (Phú Mỹ Hưng) và một số lô đất tại số 1 Hà Huy Tập, phường Tân Phong, quận 7, vì doanh nghiệp không trả nợ đúng hạn. Ngoài ra, còn rất nhiều doanh nghiệp bất động sản bị ngân hàng thông báo xiết nợ. 
Ngoài ra, nhiều công ty khác cũng ở trong tình trạng nợ nần, điển hình như Công ty cổ phần Thương mại địa ốc Việt (Vietcomreal) đang nợ hơn 114 tỷ đồng tại 2 ngân hàng là Vietcombank và AB Bank với tài sản thế chấp là cổ phiếu SMB (Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung) mà doanh nghiệp này đang sở hữu. Trong năm qua, Vietcomreal cũng cầm cố quỹ đất dự án 504 Nguyễn Tất Thành, quận 4 (dự án Riva Park) cho Vietcombank, chi nhánh TPHCM.
Các công ty địa ốc khác như Công ty cổ phần Đầu tư Thủ Thiêm cũng thế chấp hàng trăm lô đất tại các dự án ở Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 cho Agribank để vay 156 tỷ đồng. Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuần Việt hiện có khoản nợ lên gần 2.250 tỷ đồng tại nhiều ngân hàng. Công ty TNHH GOTEC Việt Nam cũng đang nợ gần 300 tỷ đồng tại các ngân hàng.
Khách hàng lo lắng
Sau các sự cố dự án đóng băng, doanh nghiệp thế chấp 2 đầu khiến tranh chấp kéo dài đã khiến khách hàng ngại mua dự án hình thành trong tương lai. Bây giờ, chỉ những dự án đã thành hình hài thì khách hàng mới bỏ tiền mua, dù có mắc hơn nhưng ít rủi ro hơn. Khi mua dự án, khách hàng đã ý thức hơn về điều khoản hợp đồng, xem kỹ, thỏa thuận rõ chứ không còn cảnh “áp đặt” hợp đồng mẫu với những điều khoản an toàn cho chủ đầu tư nữa. Thậm chí, có nhà đầu tư còn nghiên cứu cả việc thế chấp, mục đích vay vốn của chủ đầu tư là thế chấp doanh thu và lợi ích hình thành trong tương lai, tài sản cố định… để xem xét năng lực của chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư sử dụng vốn vay ngân hàng với tỷ trọng lớn để thực hiện dự án thì có thể dễ dẫn đến nhiều hệ lụy là dự án có thể bị triển khai chậm, làm tiền lãi tăng cao; dòng tiền huy động vốn (từ người mua) không đạt kế hoạch do không bán được hàng, áp lực từ tiền trả lãi dễ dẫn đến vỡ nợ. Khi dự án có biểu hiện thi công cầm chừng, dừng thi công, hay quảng cáo bán hàng ồ ạt cũng là dấu hiệu rủi ro mà nhà đầu tư cần tránh.
Tuy nhiên, trước những lo lắng của nhà đầu tư, nhiều khách hàng mong muốn UBND TPHCM rà soát, thống kê những doanh nghiệp có dự án đóng băng hiện nay, xem họ bị đóng băng vì lý do gì, nếu năng lực kém thì cần đưa vào “danh sách đen”, cẩn trọng hơn trong giám sát các dự án sắp tới mà họ có thể triển khai, để cảnh báo, bảo vệ khách hàng.

Tin cùng chuyên mục