Giám sát và phản biện phải thực chất

Những ngày qua, nhiều bất cập, sai sót, thậm chí tiêu cực trong các dự án BOT, BT đã được Thanh tra Chính phủ, các cơ quan báo chí, các chuyên gia… chỉ ra.

Về phần mình, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có nhiều động thái “sửa sai” như yêu cầu các trạm thu phí BOT nhanh chóng lắp đặt hệ thống thu phí không dừng, đề nghị một số địa phương xem xét miễn, giảm phí cho người dân sinh sống trong khu vực có trạm thu phí… Đặc biệt, nhiều quan chức của Bộ Giao thông Vận tải và các bộ ngành liên quan đã lên tiếng khẳng định, sắp tới trong các dự án xã hội hóa nói chung, BOT và BT nói riêng sẽ thực hiện đấu thầu thay vì chỉ định thầu như trước kia cũng như sẽ lấy ý kiến của người dân một cách đầy đủ…

Ghi nhận nỗ lực thay đổi của Bộ Giao thông Vận tải và các bộ ngành liên quan nhưng quy định về đấu thầu hay quy định về việc lấy ý kiến người dân, ý kiến các nhà khoa học trong triển khai thực hiện các dự án quy mô lớn, có tác động sâu rộng đến đại đa số người dân… đã có từ lâu. Rất nhiều các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đã được thực hiện trên cơ sở đấu thầu và trước đó đã được đưa ra lấy ý kiến của người dân và các nhà khoa học song không ít dự án vẫn để lại nhiều tai tiếng. Dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đã được lấy ý kiến của người dân mà đại diện là chính quyền địa phương. Hay trước đó, dự án xây dựng Đại lộ Đông Tây (TPHCM) được thực hiện thông qua đấu thầu quốc tế nhưng những lùm xùm quanh dự án này cho đến nay vẫn được nhiều người nhắc đến…

Cốt lõi của vấn đề, cơ chế kiểm soát các hoạt động này còn lỏng. Trong đấu thầu, tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, “chân gỗ” góp mặt cho “đủ tụ” cho hợp lệ nhưng thực chất, ai trúng, ai trượt đã được chọn trước… không lạ đối với giới đầu tư. Mở nhiều cuộc họp để lấy ý kiến người dân, chuyên gia nhưng chỉ họp lấy lệ, tài liệu đến sát cuộc họp mới cung cấp với số lượng rất hạn chế… diễn ra khá thường xuyên. Chưa kể, họp nhiều nhưng rất ít ý kiến được lắng nghe. Câu chuyện của lãnh đạo một hiệp hội vận tải ở TPHCM là ví dụ. Khi được hỏi về những giải pháp chống xe dù, vị lãnh đạo này đã đề nghị nên lắp camera giám sát hành trình trên xe. Xe nào không vào bến đón khách theo quy định, xem lại camera, biết ngay. Đại diện Bộ Giao thông Vận tải đã rất khen ý tưởng này, thế nhưng… chỉ dừng lại ở đấy.

 Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên chương trình giảng dạy Fulbright tại TPHCM, thực ra ở nhiều nước trên thế giới, để hạn chế tiêu cực, lợi ích nhóm trong các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật nói riêng và các dự án đầu tư khác nói chung, người ta cũng chủ yếu dùng công cụ minh bạch cho người dân biết, cho người dân góp ý và tổ chức đấu thầu chọn nhà thầu thực hiện. Vấn đề, họ làm hiệu quả hơn, thực chất hơn. Không chỉ lấy ý kiến người dân chung chung mà họ còn chủ động mời các chuyên gia am hiểu ngành tham gia phản biện. Tài liệu cho các chuyên gia được cung cấp đủ và cập nhật thường xuyên. Các tiêu chí đấu thầu rõ ràng, công khai, minh bạch. Đặc biệt có sự tham gia quyết liệt và đầy đủ của các đại biểu HĐND và đại biểu Quốc hội.

Bộ Giao thông Vận tải và các bộ ngành liên quan đang đi đúng hướng khi “quyết” từ nay sẽ đấu thầu chọn nhà đầu tư BOT, BT, sẽ lấy ý kiến của người dân, nhà khoa học thực chất, hiệu quả hơn… Từ chủ trương, từ mong muốn tới thực tế luôn là những khoảng cách rất xa với rất nhiều khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên vẫn rất mong Bộ Giao thông Vận tải và các bộ ngành liên quan làm được điều này, bởi như Tiến sĩ Huỳnh Thế Du nhận xét, nếu không được giám sát và phản biện một cách thực chất, sẽ không thể ngăn chặn tiêu cực, lợi ích nhóm trong các dự án BOT, BT và trong nhiều dự án đầu tư khác nữa.

Tin cùng chuyên mục