Giảm tải quản lý với công nghệ 4.0

Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các ngành nghề, lĩnh vực nếu không kịp thời đẩy mạnh ứng dụng sự tiến bộ của khoa học và công nghệ sẽ trở nên lạc hậu và không theo kịp sự phát triển của xã hội. Trong xu thế này, ngành tài nguyên và môi trường cũng không phải ngoại lệ. 
Nhiều ý kiến cho rằng, ngành tài nguyên và môi trường cần phải tích hợp nhiều giải pháp; trong đó đặc biệt chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ.
Giảm tải quản lý với công nghệ 4.0 ảnh 1 Công nghệ quan trắc nước thải hiện đại ở các khu công nghiệp,  khu chế xuất tại TPHCM                     Ảnh: THÀNH TRÍ
Thách thức cần vượt qua

Theo Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin phía Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngành tài nguyên và môi trường đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Tính chất liên ngành được thể hiện qua việc xử lý vấn đề, đòi hỏi cần rất nhiều dữ liệu, thông tin của các lĩnh vực khác nhau. Đơn cử như để xác định lan tỏa ô nhiễm trên một con sông, ngoài việc cần dữ liệu quan trắc của lĩnh vực môi trường, chúng ta vẫn phải cần dữ liệu của lĩnh vực khác như dữ liệu khí tượng thủy văn về mực nước, lưu lượng nước, dòng chảy, dữ liệu bản đồ về địa hình khu vực ô nhiễm... Để có thể chia sẻ các dữ liệu này, đòi hỏi phải có một kiến trúc tổng thể về công nghệ thông tin. Song,  ngành tài nguyên và môi trường lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin, như công tác an toàn thông tin chưa được coi trọng; nhân lực về công nghệ thông tin thiếu về số lượng và chất lượng; việc tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu trong các bộ ngành, cơ quan quản lý còn yếu. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Thành Nhân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin phía Nam, cho biết vấn đề chia sẻ dữ liệu về tài nguyên và môi trường giữa các lĩnh vực trong ngành và với các tổ chức cá nhân ngoài ngành là vấn đề rất quan trọng. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta phải vượt qua các thách thức như muốn chia sẻ, trao đổi cần phải có dữ liệu nên giai đoạn này cần tập trung xây dựng dữ liệu một cách đồng bộ, tập trung, tránh đầu tư tản mác và dữ liệu được ưu tiên xây dựng phải là các dữ liệu thường xuyên được sử dụng, nhiều đơn vị trong và ngoài ngành có nhu cầu và phải có tính thời sự. Các dữ liệu về tài nguyên và môi trường phủ trùm trên 7 lĩnh vực quản lý (tài nguyên đất, môi trường, địa chất - khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, đo đạc - bản đồ và viễn thám) được xây dựng bằng nhiều công nghệ khác nhau, từ công tác khảo sát đến quan trắc, mô hình hóa. Một thách thức nữa mà ngành tài nguyên và môi trường TPHCM cần vượt qua đó là vấn đề nguồn nhân lực. Theo ông Lê Thành Nhân: “Khoa học - công nghệ ngày càng phát triển, đây vừa là cơ hội để chúng ta có thể áp dụng, sử dụng để thu hẹp khoảng cách phát triển công nghệ thông tin trong ngành nhưng cũng vừa là thách thức bởi chúng ta phải không ngừng nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng để có thể làm chủ được được công nghệ. Đứng trước các xu thế về công nghệ như cách mạng công nghiệp 4.0, điện toán đám mây, dịch vụ web... nhưng với đội ngũ nhân lực công nghệ như hiện nay, đó là một thách thức mà chúng ta cần phải vượt qua trên cơ sở tận dụng các cơ hội bên ngoài và nội lực của chính chúng ta”. 

Xây dựng kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin

Nhiều ý kiến cho rằng, với những khó khăn và thách thức từ hiện trạng việc ứng dụng công nghệ thông tin như hiện nay, đòi hỏi chúng ta cần xây dựng một kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin cho ngành tài nguyên và môi trường, nhằm làm nền tảng để triển khai các ứng dụng phần mềm, hệ thống và các cơ sở dữ liệu một cách hiệu quả, phù hợp với sự phát triển hiện tại. Kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin là một bức tranh về hình ảnh công nghệ thông tin của ngành trong tương lai và dựa vào bức tranh đó, dựa vào nguồn lực hiện có bức tranh đó sẽ được hình thành trong tương lai thông qua các nhiệm vụ, dự án, công trình liên quan. Mỗi một dự án độc lập (dự án này thực hiện trước dự án kia) nhưng nhờ kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin hay đúng hơn là nhờ các yêu cầu có tính nguyên tác mà các dự án triển khai vẫn có thể gắn kết được với nhau thành một bức tranh hoàn chỉnh. 

Ông Trần Văn Thạch, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết TPHCM đang đặt ra mục tiêu phát triển bền vững và hiệu quả, hướng tới đô thị thông minh. Người dân và doanh nghiệp có thể tương tác qua lại với chính quyền. Để tầm nhìn và các mục tiêu trở thành hiện thực, đi vào cuộc sống, vấn đề cần đặt ra là tạo dựng một môi trường trao đổi, chia sẻ dữ liệu, thông tin giữa các tổ chức nhà nước với doanh nghiệp và người dân. Chỉ có công khai minh bạch và có chia sẻ, trao đổi dữ liệu, nhân dân thành phố mới có thể tham gia trực tiếp vào hoạt động quản lý nhà nước, các tổ chức được tăng cường kết nối giữa các lĩnh vực. Từ đó ngành tài nguyên và môi trường thành phố nói riêng và chính quyền thành phố nói chung mới có các quyết sách hợp lý và khoa học. Các dữ liệu này rất cần không chỉ đối với ngành tài nguyên môi trường mà còn rất quan trọng đối với các ngành khác trên địa bàn TPHCM, như xây dựng, quy hoạch, quản lý đô thị, chống ngập. Cũng theo ông Trần Văn Thạch, ngày nay một quyết định hành chính đối với tài nguyên, môi trường rất cần dựa trên các nguồn thông tin có tính chất tích hợp mới đáp ứng và giải quyết được các vấn đề của kinh tế - xã hội. Nhằm liên kết, trao đổi và chia sẻ các dữ liệu chuyên ngành tài nguyên và môi trường, việc xây dựng, thiết kế kiến trúc hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu kết nối với các bộ, ngành khác và chính quyền được xem là hướng đi tất yếu hiện nay của TPHCM.

Tin cùng chuyên mục