Gian nan cạnh tranh xuất khẩu gạo

Theo tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2017 đang bị chậm lại (giảm 20% so với cùng kỳ năm trước).
Gian nan cạnh tranh xuất khẩu gạo

Theo tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2017 đang bị chậm lại (giảm 20% so với cùng kỳ năm trước).

Trong khi đó, thu hoạch vụ lúa đông xuân tại đồng bằng sông Cửu Long không sụt giảm như dự kiến của các nhà quản lý chuyên môn, mà lại còn cao hơn khoảng 500.000 tấn so với cùng kỳ năm 2016. Ngay trong thời điểm này, gạo tồn kho trên thế giới còn khoảng 120 triệu tấn (mức ổn định trong 3 năm nay), sản lượng gấp 3 lần thương mại gạo toàn cầu; trong nước các doanh nghiệp còn khoảng 1 triệu tấn.

Trước diễn biến bất lợi ngay từ đầu năm, xem ra bài toán đầu ra cho gạo Việt có vẻ như khó đạt ngưỡng 5 triệu tấn trong năm 2017, và càng khó khăn hơn trong tương lai vì nhiều lý do: Chất lượng gạo không ổn định, gạo Việt chưa quảng bá được thương hiệu trên thị trường thế giới; sự cạnh tranh gay gắt của các quốc gia mới tham gia xuất khẩu, thị trường truyền thống bị thu hẹp trong khi khó tìm và thâm nhập thị trường mới; nhập khẩu gạo trên thế giới có xu hướng bão hòa, các thị trường nhập khẩu gạo truyền thống đang vươn lên đảm bảo lương thực trong nước… Trong khi đó, một số hạn chế chủ quan như tư duy canh tác của nông dân chưa thay đổi; chưa có sự phối hợp tích cực, nhịp nhàng giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân...

Gạo xuất khẩu tại Đồng bằng sông Cửu Long

Không phải đến bây giờ chúng ta mới đối mặt với câu chuyện đầu ra của gạo Việt. Thực ra, vấn đề đã được các nhà hoạch định ngành, nhà khoa học nông nghiệp tiên liệu từ lâu nhưng biện pháp khả thi thì cả Nhà nước, doanh nghiệp cũng như nông dân vẫn còn như trong mớ “bòng bong” bởi có quá nhiều lý do như trên. Ngoài ra cũng phải kể đến những chiêu trò cạnh tranh xuất khẩu của các nước khác. Ví dụ, cứ cùng thời điểm ta thu hoạch lúa có tiềm năng xuất khẩu (vụ đông xuân) là Thái Lan tung chiêu bán xả gạo tồn kho. Năm 2016, Thái Lan “xả hàng” 11,4 triệu tấn và năm nay là 8 triệu tấn. Đây là đòn gây sức ép không nhỏ, đánh vào kế hoạch xuất khẩu của gạo Việt.

Đã đến lúc ta phải thay đổi nhanh chiến lược xuất khẩu, không chú trọng về lượng mà phải đặt nặng về chất. Ngành nông nghiệp và công thương phải phối hợp lựa chọn một số doanh nghiệp làm ăn tốt, hỗ trợ họ nhiều mặt như quảng bá thương hiệu trên thị trường thế giới, tạo niềm tin, thói quen tiêu dùng gạo Việt; hỗ trợ nguồn vốn, liên kết với nông dân sản xuất gạo chất lượng cao; hỗ trợ các nhà khoa học nông nghiệp không ngừng tìm tòi, phát hiện nhiều giống mới đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong xuất khẩu…

Có như thế mới có cơ may giải quyết được đầu ra của gạo Việt trong hiện tại và tương lai.

NGUYỄN MINH ÚT
(huyện Cần Đước, tỉnh Long An)

Tin cùng chuyên mục