Gian nan chống chuyển giá

“Không chỉ các doanh nghiệp FDI mà đến nay có cả các doanh nghiệp nội địa cũng có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước, trong đó có vụ việc tiêu biểu là Sabeco”, TS Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) nhấn mạnh.
TS Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước phát biểu khai mạc Hội thảo
TS Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo “Chuyển giá – Những vấn đề trong công tác quản lý hiện nay” đã được Kiểm toán Nhà nước và Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) phối hợp tổ chức tại Hà Nội sáng nay, 19-7.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) nhận định, thời gian qua, KTNN đã tích cực thực hiện chức năng, nghĩa vụ của mình trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đã thu hồi hàng trăm ngàn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Trong đó có các khoản kiến nghị tăng thu từ hoạt động chuyển giá của đối tượng kiểm toán.

“Không chỉ các doanh nghiệp FDI mà đến nay có cả các doanh nghiệp nội địa cũng có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước, trong đó có vụ việc tiêu biểu là Sabeco. Dưới góc độ pháp lý, kiến nghị của KTNN truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco có thể xem như gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành”, người đứng đầu KTNN nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vẫn theo Tổng KTNN, công tác kiểm toán chống chuyển giá chưa bao giờ được đưa ra bàn thảo và triển khai thực hiện một cách chính thức, hệ thống, đầy đủ, đúng với bản chất của nó nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật. Chính vì vậy, công tác quản lý nhà nước về chuyển giá còn nhiều bất cập và hạn chế.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, các đại biểu nhất trí về việc cần sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế hiện hành.

Tại hội thảo, không chỉ trường hợp Sabeco mà hàng loạt doanh nghiệp lớn khác đã được nêu ra như những ví dụ tiêu biểu cho việc chuyển lỗ, và cả “chuyển lãi” giữa các công ty “con” nằm ở các địa bàn có chính sách ưu đãi thuế khác nhau. “Chính sách ưu đãi thuế, do đó, không nên quá rộng và quá khác biệt”, ông Hoàng Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc KPMG bình luận.

Bên cạnh đó, nhìn từ góc độ doanh nghiệp, ông Phan Vũ Hoàng, Chủ tịch Ủy ban Hội viên ACCA Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho biết: “Trong môi trường thuế quốc tế hiện nay, các chương trình hành động Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (gọi tắt là BEPS) đã được triển khai quyết liệt ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các doanh nghiệp VN muốn đầu tư ra nước ngoài và các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào VN sẽ ngày càng phải lưu ý đảm bảo tuân thủ các quy định về chuyển giá của các quốc gia khi thực hiện dự án đầu tư”.

Theo ông Hoàng, điều này đòi hỏi công sức và thời gian lớn, cũng như đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm và có chuyên môn cao. Đổi lại, chương trình hành động BEPS sẽ đem lại những lợi ích về lâu về dài, như tăng tính chuyên nghiệp và minh bạch của các cơ quan thuế quốc gia khi xử lý giao dịch; đồng thời giúp cho các tập đoàn có điều kiện thiết lập những thoả thuận trước với cơ quan thuế, đem lại lợi ích lớn cho việc lập kế hoạch của Tập đoàn.  

Tin cùng chuyên mục