Gian nan tìm “vàng”

Cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2017” đang diễn ra tại Trung tâm Hội nghị và Tổ chức sự kiện TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Cuộc thi chính là sân chơi nghệ thuật với nhiều thử thách về tài năng và bản lĩnh của những người trẻ đang theo đuổi niềm đam mê sân khấu nghệ thuật truyền thống.
Nguyễn Thị Luận, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, vai Võ Thị Sáu trong trích đoạn Người con gái Đất đỏ
Nguyễn Thị Luận, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, vai Võ Thị Sáu trong trích đoạn Người con gái Đất đỏ
Năm nay, 73 diễn viên trẻ, trong đó có 57 diễn viên cải lương, 16 diễn viên dân ca kịch, đến từ 20 đơn vị nghệ thuật nhà hát cải lương, dân ca kịch, cơ sở đào tạo nghệ thuật truyền thống, lần lượt thi diễn tài năng cá nhân qua các vai diễn, trích đoạn cải lương, dân ca kịch quen thuộc với công chúng mộ điệu: Đêm hội Long trì, Khí tiết Trần Bình Trọng, Đời luận anh hùng, Tìm lại cuộc đời, Người con gái Đất đỏ, Dấu ấn giao thời, Duyên kiếp, Bến nước Ngũ Bồ, Thời con gái đã xa, Kiếp tằm, Tô Hiến Thành xử án, Thái hậu Dương Vân Nga… 
Mỗi diễn viên trẻ đã nỗ lực hết mình trong ca diễn, hóa thân, nhập vai trên sân khấu, thể hiện được sức trẻ và tình yêu nghề, niềm đam mê dành cho nghệ thuật. Trong đó có những diễn viên trẻ nhận được sự chú ý từ ban giám khảo, đồng nghiệp và khán giả với phần thi khá tốt như: Nguyễn Thị Luận với vai diễn Võ Thị Sáu, Nguyễn Thanh Toàn với vai Trần Thủ Độ, Nguyễn Thị Chúc vai Lý Chiêu Hoàng, Võ Thị Huỳnh Mơ vai Nguyễn Thị Định, Trần Ngọc Nhã Thi vai công chúa An Thu… 
Sau buổi tối khai mạc 4-11, cuộc thi liên tục diễn ra vào các buổi sáng, tối và kéo dài đến hết ngày 10-11. Tối 11-11, cuộc thi sẽ có kết quả các giải vàng, bạc dành cho diễn viên xuất sắc.
Tuy nhiên, hành trình chọn những gương mặt vàng cho cuộc thi tài năng trẻ luôn không dễ dàng. Vẫn còn nhiều tiếc nuối cho những thí sinh - diễn viên trẻ chưa thể phát huy tốt nhất những vai diễn đã chọn để đầu tư dàn dựng, tham gia cuộc thi. Thực tế, có những thí sinh chưa đủ thực lực làm chủ sân khấu, trong khi nhiều diễn viên trẻ không có người chỉ dẫn giỏi tay nghề hỗ trợ, giúp phát huy hết ưu điểm, nên khi bước vào cuộc thi đã phơi bày ngay những điểm yếu trong dàn dựng, ca, diễn. 
Dõi theo suốt những buổi thi diễn của các diễn viên trẻ, thầy Xuân Hiểu - cựu giảng viên bộ môn vũ đạo Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, tâm tư: “Từng vai diễn của các em cần phải đạt được độ xúc cảm, thể hiện được tâm tư tình cảm của nhân vật, chạm được đến cảm xúc của khán giả, chứ không nên chỉ khoe kỹ thuật ca, diễn đơn thuần”. Việc lơ là với độ rung cảm với vai diễn, nhân vật thể hiện chính là điểm yếu của không ít diễn viên.
Đạo diễn - Nghệ sĩ Lê Trung Thảo tâm tư: “Năm nay Nhà hát Trần Hữu Trang có 9 em thi diễn 8 trích đoạn cải lương. Tôi muốn hướng dẫn tâm lý dự thi của các em thật thoải mái chứ không dồn ép quá sức. Mong các em tự ý thức học hỏi, rút kinh nghiệm qua cuộc thi là chính, chứ đừng đặt nặng vấn đề giải thưởng. Lên sân khấu, các em cứ cố gắng làm hết sức mình là được. Cuộc thi chính là cơ hội học nghề quý báu dành cho diễn viên trẻ”.
Hiện nay, nghệ sĩ trẻ, diễn viên trẻ sân khấu truyền thống không thiếu, song, chất lượng và tài năng vốn là điều được quan tâm hàng đầu, lại chưa song hành. Việc đào tạo, rèn nghề, dưỡng nuôi nghề như thế nào là một hành trình dài, luôn đòi hỏi các nghệ sĩ, diễn viên trẻ phải nỗ lực học hỏi. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề trăn trở về chất lượng đội ngũ nghệ sĩ trẻ kế thừa. Vậy nên, cuộc thi được tổ chức 3 năm một lần chính là dịp để các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp nhìn lại, có đánh giá tổng quan về đội ngũ kế thừa lĩnh vực sân khấu truyền thống. Và sau cuộc thi, hy vọng những huy chương vàng, bạc sẽ tiếp tục có những hoạt động nghề nghiệp tích cực, góp phần gìn giữ và phát huy nghệ thuật sân khấu dân tộc trong xu thế đất nước đổi mới và hội nhập.

Tin cùng chuyên mục