Giành giật sự sống với ung thư - Bài 1: Sống trong sợ hãi!

LTS: Mỗi năm, cả nước có khoảng 126.000 người mắc ung thư và 95.000 trường hợp tử vong do căn bệnh này. Đáng báo động, nếu trước đây đa phần các loại ung thư thường xuất hiện ở người từ 50 - 70 tuổi thì hiện nay bệnh nhân ung thư đang ngày càng trẻ hóa. Trong khi đó, có tới 70% số ca ung thư ở nước ta lại phát hiện muộn (giai đoạn 3 - 4) khiến việc điều trị rất khó khăn, tỷ lệ tử vong cao.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mỗi năm quỹ bảo hiểm phải chi trả gần 5.000 tỷ đồng cho bệnh nhân ung thư. Tất nhiên, đó chỉ là chi phí “cứng”. Thực tế, bệnh nhân ung thư phải tốn kém cho rất nhiều thứ chi phí “mềm” khác như khám bệnh, thuốc men hỗ trợ, ăn ở/đi lại cho chính mình và người thân. Chưa kể, bản thân người bệnh còn đối mặt với gánh nặng về thể chất, tinh thần... 

Giành giật sự sống với ung thư - Bài 1: Sống trong sợ hãi! ảnh 1 Quá tải nghiêm trọng tại Bệnh viện Ung bướu, bệnh nhi phải nằm dưới gầm giường để điều trị. Ảnh: HOÀNG HÙNG
 Gia tăng theo cấp số nhân

Theo Tổ chức Y tế thế giới, ở Việt Nam có khoảng 95.000 ca tử vong mỗi năm do các bệnh về ung thư, đứng thứ 78/172 quốc gia được điều tra. Ung thư là một trong những nguyên nhân gây gánh nặng bệnh tật lớn nhất trong số các bệnh không nhiễm khuẩn, chỉ đứng sau bệnh tim mạch. Bác sĩ Quách Thanh Khánh, Trưởng phòng Kế hoạch Bệnh viện (BV) Ung bướu TPHCM, cho biết các loại ung thư phổ biến nhất trên nam giới ở nước ta là: ung thư phổi, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng và ung thư vòm họng.

Đối với nữ giới, thường gặp là: ung thư vú, ung thư phổi, ung thư gan, ung thư cổ tử cung và ung thư dạ dày. “Có tới hơn 70% số người bị ung thư tới BV khi đã ở giai đoạn muộn. Trong 6 tháng đầu năm 2018, chỉ riêng BV Ung bướu TPHCM đã chẩn đoán ung thư cho 11.415 bệnh nhân, trong đó có gần 2.000 bệnh nhân còn rất trẻ (từ 20 - 39 tuổi). So với cùng kỳ năm 2017 tăng gấp 2,2 lần”, bác sĩ Khánh cho hay.

Nếu như trước đây, đa phần các loại ung thư thường xuất hiện ở người 60 - 70 tuổi, thì hiện các BV chuyên khoa ung bướu đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân trẻ tuổi. Điển hình là ung thư vú được ghi nhận trẻ hơn so với thế giới 5 - 10 tuổi, nhiều phụ nữ chưa tới 40 tuổi đã mắc ung thư vú, tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua. Hay như bệnh nhân mắc ung thư dạ dày, trước đây tỷ lệ bệnh nhân dưới 40 tuổi chỉ khoảng 3% - 5% thì nay là 8% - 10%. Đối với ung thư đại tràng thì rất nhiều người ở lứa tuổi 20 - 30 đã mắc phải.

GS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cho rằng chỉ từ 5% - 10% bệnh ung thư phát sinh do rối loạn nội tiết, tổn thương có tính di truyền. Hơn 80% ung thư có liên quan đến môi trường sống, bao gồm các thói quen như hút thuốc lá, uống rượu nhiều, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thực phẩm độc hại hay ô nhiễm môi trường gây ra. Trong số nguyên nhân dẫn đến ung thư từ môi trường sống thì thực phẩm bẩn đứng hàng đầu với khoảng 35%, tiếp đến là thuốc lá chiếm 30%. 

Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, trong 15 năm qua, hầu hết các loại ung thư tại Việt Nam đều gia tăng. Nếu như năm 2000, Việt Nam chỉ có khoảng 69.000 ca mắc ung thư thì đến nay, con số này đã tăng gần gấp đôi lên đến 126.000 ca. Ước tính vào năm 2020, số mắc ung thư trên cả nước sẽ gần 200.000 ca. Riêng tại TPHCM, mỗi năm có thêm 5.000 - 6.000 ca mắc ung thư.

Theo các bác sĩ, hàng năm số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị ung thư liên tục có chiều hướng tăng. Phần lớn trẻ bị bệnh bạch cầu cấp, tiếp đó là u não, u Lympho và một số căn bệnh phức tạp khác như u nguyên bào thần kinh, võng mạc. Vì vậy, công tác điều trị ung thư cho trẻ gặp nhiều khó khăn hơn người lớn. Thực tế PV ghi nhận được tại các BV điều trị ung thư lớn luôn trong tình trạng quá tải. Tại Khoa Nhi BV Ung bướu TPHCM, bệnh nhi còn phải nằm dưới gầm giường để điều trị. Lớp trước chưa điều trị xong, lớp bệnh nhi sau lại nối tiếp tới. Nhiều trẻ đánh vần chưa sõi nhưng đã thuộc tên từng loại thuốc mà hàng ngày phải dung nạp vào cơ thể. Còn tại Khoa Nhi BV K (Hà Nội) cơ sở Tân Triều, các phòng bệnh điều trị luôn đông kín những trẻ “đầu trọc”, xanh xao vì vừa trải qua đợt xạ trị. 

Gánh nặng bệnh tật quá lớn

Với bệnh nhân ung thư, nỗi đau về thể xác đã đành, ngày ngày họ còn đối mặt với bao thứ lo toan về cuộc sống, chi phí khám chữa bệnh. Chị L.T.Th. (47 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) hàng tháng phải đưa con lên TPHCM để xạ trị. Mỗi lần xạ trị phải nằm lại cả tuần liền theo dõi. BV không đủ chỗ, chị phải chen chúc kiếm tạm phòng trọ gần BV để ở. “Sau những đợt truyền hóa chất mất 3 - 4 ngày, về lại phòng trọ nhìn con đau đớn, không ăn uống được gì, tóc lại cứ rụng dần mà không kìm được nước mắt”, chị Th. nghẹn ngào.

Rời phòng trọ của chị, chúng tôi len lỏi theo những con hẻm ngoằn ngoèo, chật chội trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh). Quanh đây có những khu nhà trọ từ 7m2 - 10m2/phòng được đóng tạm bợ, tường và sàn nhà hoen ố, bong tróc, nhưng giá không hề rẻ - 150.000 đồng/ngày. Diện tích hẹp nên hầu hết chủ nhà không cho nấu ăn. Vì thế, bữa cơm của các bệnh nhân đa phần “nhờ vả” các quán cơm bình dân ven đường. 

Các bác sĩ cho biết, do hầu hết bệnh nhân ung thư đến khám, điều trị khi đã vào giai đoạn muộn nên chi phí điều trị tăng cao. Với ung thư gan khi bệnh đã di căn, nếu điều trị bằng thuốc Glivec thì chi phí có thể phải trả đến 500 triệu đồng/năm. Nếu dùng thuốc Sorafenib hỗ trợ điều trị thì con số này là 118 triệu đồng/tháng. Đó là số tiền lớn khủng khiếp với các bệnh nhân nghèo. 
Trong khi đó, kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu ung thư (Bệnh viện K) cho thấy, trong tổng chi phí trực tiếp của đợt điều trị của người bệnh thì chi phí từ hộ gia đình chiếm đến 48%, chi phí từ Chính phủ 27%, còn chi phí từ bảo hiểm y tế chỉ chiếm 25%. Để đáp ứng chi phí chữa trị, nhiều trường hợp phải bán hết tài sản, vay tiền bạn bè, người thân mong cứu rỗi sự sống. Rất nhiều gia đình khác đã lâm vào cảnh nợ nần, kiệt quệ về kinh tế khi một thành viên trong gia đình mắc bệnh ung thư.

Tin cùng chuyên mục