Giao lưu “Hướng về Trường Sa thân yêu” - Không xa đâu Trường Sa ơi!

25 năm đã trôi qua nhưng những ký ức về ngày 14-3-1988 đầy bi tráng ấy vẫn còn vẹn nguyên qua lời kể của các cựu binh Trường Sa từng tham gia cuộc hải chiến tại đảo chìm Gạc Ma. Câu chuyện của các anh về Vòng tròn bất tử, về những giờ phút đối mặt với cái chết để giữ gìn biển đảo Tổ quốc chính là minh chứng thiêng liêng về tinh thần yêu nước của con dân nước Việt.
Giao lưu “Hướng về Trường Sa thân yêu” - Không xa đâu Trường Sa ơi!

25 năm đã trôi qua nhưng những ký ức về ngày 14-3-1988 đầy bi tráng ấy vẫn còn vẹn nguyên qua lời kể của các cựu binh Trường Sa từng tham gia cuộc hải chiến tại đảo chìm Gạc Ma. Câu chuyện của các anh về Vòng tròn bất tử, về những giờ phút đối mặt với cái chết để giữ gìn biển đảo Tổ quốc chính là minh chứng thiêng liêng về tinh thần yêu nước của con dân nước Việt.

Từ trái qua: Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lanh, cựu binh Lê Hữu Thảo, nguyên Chính ủy Trung đoàn 83 CBHQ Hoàng Văn Hoan, mẹ Lê Thị Muộn tham gia chương trình giao lưu.

Từ trái qua: Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lanh, cựu binh Lê Hữu Thảo, nguyên Chính ủy Trung đoàn 83 CBHQ Hoàng Văn Hoan, mẹ Lê Thị Muộn tham gia chương trình giao lưu.

  • Khúc tráng ca tháng ba

Năm 1987, hàng trăm thanh niên Đà Nẵng nô nức lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Sau khi được huấn luyện tại Đoàn M126 (Hội An), một phần trong số đó được điều động về Trung đoàn 83 Công binh Hải quân làm nhiệm vụ. Đầu năm 1988, các anh cùng đơn vị hành quân vào Quân cảng Cam Ranh, chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao. Trước ngày đi, nhiều người tranh thủ về thăm nhà, chia tay người thân, lên đường làm nhiệm vụ. Chẳng ai trong số họ nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống khi đất nước đã không còn chiến tranh. Vậy mà… Trong số 64 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ đảo chìm Gạc Ma ngày 14-3-1988, có 9 người con của thành phố Đà Nẵng anh hùng.

Chương trình giao lưu “Hướng về Trường Sa thân yêu” do Hội Cựu chiến binh, Thành đoàn, Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa thành phố Đà Nẵng (giai đoạn 1984-1987) và Đài PT-TH Đà Nẵng tổ chức nhân kỷ niệm 25 năm trận chiến trên đảo Gạc Ma với sự tham gia của mẹ Lê Thị Muộn, mẹ liệt sĩ Phan Văn Sự - người hy sinh khi bảo vệ đảo Gạc Ma. Được mời lên tham gia chương trình giao lưu, mẹ chẳng biết nói gì, cứ mân mê mãi chiếc túi ni lông nhỏ chứa những kỷ vật hiếm hoi của người con trai, thỉnh thoảng lại rút khăn tay chậm nước mắt khi nghe các đồng đội của con kể về cuộc chiến đấu 25 năm trước.

Đến lúc người dẫn chương trình đề nghị mẹ cho mọi người xem chiếc túi nhỏ của mình, mẹ Muộn mới rút ra chiếc áo lính Hải quân, chiếc áo mà đứa con trai Phan Văn Sự đã tặng mẹ trước lúc lên đường ra Trường Sa. Anh không về, mẹ sửa chiếc áo lính thành áo cộc, thường đem ra mặc, tìm chút hơi ấm còn sót lại để vơi đi nỗi nhớ con. Cả khán phòng im lặng, đây đó những tiếng thút thít, nhiều người lặng lẽ đưa tay gạt nước mắt…

Mẹ Lê Thị Muộn nâng niu kỷ vật của con trai - liệt sĩ Phan Văn Sự. Ảnh: Phi Hải

Mẹ Lê Thị Muộn nâng niu kỷ vật của con trai - liệt sĩ Phan Văn Sự. Ảnh: Phi Hải

Thời gian đã trôi xa nhưng khi nhắc đến những ngày tháng ba bi tráng ấy, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lanh (quê Quảng Bình) vẫn không nén được cảm xúc: “Tôi cũng không thể hiểu nổi vì sao lúc ấy, những chàng trai tuổi mười chín, đôi mươi, vừa mới chia tay quê hương, gia đình lên đường tòng quân như chúng tôi lại có thể tay không đương đầu với lưỡi lê, với họng súng AK của quân thù. Chắc chắn, chỉ có lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất quê hương đã tạo nên sức mạnh cho chúng tôi!”.

  • “Luôn hướng về biển đảo yêu thương!”

Đó là khẳng định của ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khi tham gia giao lưu với chương trình. Theo ông Viết, trong những năm vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng luôn dành những gì tốt nhất cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bên cạnh việc không ngừng tuyên truyền về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc thành phố Đà Nẵng, vốn đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, Đà Nẵng còn thường xuyên hỗ trợ vật chất, tinh thần cho quân và dân trên quần đảo Trường Sa. Tổng cộng, thành phố Đà Nẵng đã trao tặng tiền và hiện vật với tổng giá trị hơn 5 tỷ đồng cho huyện đảo Trường Sa; tạo điều kiện cấp đất, bố trí việc làm cho thân nhân cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa.

Giây phút gặp gỡ đầy xúc động giữa Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lanh và anh Lê Hữu Thảo. Ảnh: Phi Hải

Giây phút gặp gỡ đầy xúc động giữa Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lanh và anh Lê Hữu Thảo. Ảnh: Phi Hải

Song cuộc sống của các cựu binh Trường Sa từng tham gia cuộc hải chiến Gạc Ma hiện vẫn còn nhiều vất vả. Theo ông Nguyễn Văn Tấn, Trưởng ban liên lạc bộ đội Trường Sa (giai đoạn 1984-1987), hiện trên địa bàn thành phố có 82 cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu trên quần đảo Trường Sa trong giai đoạn 1984-1987, trong đó có 20% anh em cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Mới đây, Ban liên lạc đã huy động từ nhiều nguồn để trao 5 sổ tiết kiệm cho 5 gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất, mỗi sổ trị giá 5 triệu đồng. Ông Tấn đề nghị thành phố cần có những chính sách cụ thể để giúp anh em cựu chiến binh Trường Sa cải thiện cuộc sống.

Ghi nhận những ý kiến đề xuất của các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở Trường Sa, Phó Chủ tịch UBND TP Phùng Tấn Viết cho biết: “Chính quyền TP Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện cho những chiến sĩ từng chiến đấu ở Trường Sa có một cuộc sống ổn định. Việc này chúng tôi sẽ trực tiếp làm việc với Hội Cựu chiến binh TP để có thể nắm rõ tình hình”.

25 năm đã trôi qua nhưng tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam trong trận hải chiến Gạc Ma sẽ luôn nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam về chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc thân yêu, về truyền thống yêu nước của dân tộc ta. Trường Sa, Hoàng Sa luôn nằm trong trái tim của mỗi người Việt Nam yêu nước!

Vòng tròn bất tử đọ pháo 100 ly

Cuối năm 1987, đầu năm 1988, nhận thấy tình hình quần đảo Trường Sa ngày càng căng thẳng trước mưu đồ thôn tính biển Đông của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân gấp rút xây dựng kế hoạch CQ (chủ quyền) 88 nhằm đưa lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam ra chốt giữ các đảo, điểm đảo trên quần đảo Trường Sa. Tháng 2-1988, Trung đoàn 83 Công binh Hải quân nhận lệnh hành quân vào Cam Ranh, chuẩn bị lực lượng, nguyên vật liệu để sẵn sàng cho nhiệm vụ xây dựng các công trình chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại Trường Sa.

Ngày 13-3-1988, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 83 Công binh Hải quân và Lữ đoàn 146 đi trên 3 tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 của Lữ đoàn 125 (Quân chủng Hải quân) đã có mặt tại nhóm điểm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa. Cùng thời điểm này, tàu chiến Trung Quốc được trang bị vũ khí hạng nặng chở lính thủy đánh bộ, cũng có mặt tại khu vực này. Nhận thấy tình hình quá gấp rút, ngay trong đêm 13-3, chỉ huy các cấp đã yêu cầu lực lượng công binh tập kết vật liệu xây dựng vào đảo Gạc Ma, chuẩn bị nhiệm vụ giữ đảo. Rạng sáng 14-3, khi trời còn chưa tỏ mặt người, quân Trung Quốc, được trang bị vũ khí tận răng, bắt đầu đổ bộ chiếm đảo.

Những người lính công binh Việt Nam, tay chẳng hề có thứ vũ khí nào, ngoài những vật dụng xây dựng như cuốc chim, xẻng, xà beng… đã kiên cường đối đầu với lưỡi lê, với họng súng AK của quân Trung Quốc. Họ kết nhau thành vòng tròn, dùng bất cứ thứ gì có trong tay, để ngăn chặn kẻ thù, bảo vệ lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ biển đảo quê hương.

Không vượt qua được Vòng tròn bất tử của các chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam, quân Trung Quốc buộc phải lùi ra xa rồi gọi về tàu, yêu cầu hỏa lực mạnh bắn thẳng vào đảo. Ngay lập tức, pháo 37 ly, 100 ly từ tàu chiến Trung Quốc vãi đạn thẳng vào những người lính, tay không vũ khí, đang đứng thành vòng tròn xung quanh lá cờ Tổ quốc. Từng người, từng người ngã xuống, máu nhuộm đỏ mặt nước biển… 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh tại bãi đá Gạc Ma. Cho đến tận bây giờ, hài cốt của nhiều người vẫn còn nằm giữa lòng biển lạnh.

PHI HẢI

*****

Chương trình giao lưu “Hướng về Trường Sa thân yêu” do Hội Cựu chiến binh, Thành đoàn, Đài PT-TH Đà Nẵng (DRT) và Ban liên lạc bộ đội Trường Sa thành phố Đà Nẵng tổ chức nhân kỷ niệm 25 năm ngày diễn ra trận hải chiến trên đảo chìm Gạc Ma (Trường Sa) tại trường quay S1, Đài PT-TH Đà Nẵng. Tại buổi giao lưu, UBND TP Đà Nẵng, Bộ Chỉ huy Quân sự TP và Báo Hà Nội Mới đã trao tặng các phần quà cho thân nhân, gia đình 9 liệt sĩ người Đà Nẵng đã hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988 với tổng trị giá 63 triệu đồng.

Cùng ngày, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Quảng Phúc (Quảng Trạch, Quảng Bình) đã tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ xã Quảng Phúc, dâng hương, đặt hoa tại phần mộ Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988. Trước đó, ngày 13-3 Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Phạm Trung Đông đã dẫn đầu đoàn lãnh đạo huyện Quảng Ninh đi thăm 6 gia đình liệt sĩ có con em hy sinh tại trận chiến đấu bảo vệ Gạc Ma ngày 14-3-1988, lãnh đạo huyện Quảng Ninh cũng tặng quà cho các gia đình có liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma với mỗi phần quà 300.000 đồng. Tại Nghệ An, Hội Cựu chiến binh tỉnh phối hợp với Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tặng quà cho 8 gia đình ở Nghệ An có người thân hy sinh tại đảo Gạc Ma, mỗi phần quà trị giá 13 triệu đồng gồm tiền mặt và các đồ gia dụng. 

PH.HẢI - M.PHONG

Tin cùng chuyên mục