Giao rừng, có giao luôn đất?

Sáng 19-6, sau khi họp riêng và bỏ phiếu về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm 2 Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).
Vẫn còn những ý kiến khác nhau về phân loại rừng
Vẫn còn những ý kiến khác nhau về phân loại rừng

Nhấn mạnh vai trò hết sức quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, ĐB Võ Đình Tín (Đắk Nông) đề xuất nghiên cứu bổ sung nguyên tắc ưu tiên giao rừng cho ĐBDTTS.

ĐB Võ Đình Tín cũng lưu ý, liên quan đến việc phân định ranh giới tiểu khu, khoảnh, lô, dự thảo Luật quy định nguyên tắc đánh số từ Đông sang Tây vì hiện nay đang là ngược lại, như thế sẽ gây xáo trộn rất nhiều, gây khó khăn cho quản lý.

ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu) thì bày tỏ băn khoăn: Chủ rừng có phải là chủ sở hữu rừng hay không? “Quản lý rừng và quản lý đất đai có liên hệ mật thiết với nhau. Nếu Luật không làm rõ quyền của chủ rừng, thì có thể sẽ gây nhầm lẫn là chủ rừng có các quyền với đất rừng”.

Tuy vậy, báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ ĐBQH ghi nhận, cũng có ý kiến đề nghị việc quy định về giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, thu hồi rừng phải gắn liền với đất rừng, không thể tách rừng và đất rừng.

Về nội dung lập quy luật lâm nghiệp quốc gia, ĐB Dương Tấn Quân nêu vấn đề, luật đã quy định việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực về quy hoạch, nhưng rồi những ý kiến này sẽ được sử dụng như thế nào. “Nếu dân cư trong khu vực không đồng thuận với quan điểm quy hoạch thì lúc đó xử lý thế nào?”, ông nói.

Chia sẻ mối quan tâm về đồng bào dân tộc thiểu số, ĐB Mùa A Vảng (Điện Biên) nhận định: “Đúng là không có lực lượng nào bảo vệ rừng tốt hơn là người dân đang sống với rừng. Luật cần quy định rõ chính sách đầu tư trong lâm nghiệp theo hướng khuyến khích người dân bảo vệ, phát triển rừng, bổ sung chính sách đặc thù cho các khu vực trọng yếu sao cho họ sống được nhờ rừng”.

Về phòng cháy, chữa cháy rừng, ĐB Mùa A Vảng cho rằng quy định “chủ rừng phải xây dựng hệ thống kênh mương ngăn lửa, phục vụ chữa cháy rừng…” chỉ phù hợp với những chủ rừng là tổ chức có tiềm lực kinh tế, nên chỉ áp dụng cho một số loại rừng cụ thể với diện tích lớn.

Phân loại rừng cũng là một nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm cho ý kiến. Trong khi có ĐB đề nghị chỉ phân thành 2 loại rừng: rừng sản xuất (rừng kinh tế) và rừng phòng hộ (rừng bảo vệ) để phù hợp với thông lệ quốc tế, dễ dàng chứng minh xuất xứ hợp pháp của gỗ rừng… thì ĐB Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) lại cho rằng quy định phân loại rừng trong dự thảo mới chỉ dựa vào mục đích sử dụng thuần túy, chưa lồng ghép được với nhiều tiêu chí đặc thù, chưa gắn với chủ thể là cộng đồng dân cư.

“Trong khi Luật Đất đai đã có quy định về đất tâm linh, thì luật này chưa có phân loại rừng tâm linh, tín ngưỡng – vốn có ý nghĩa thiêng liêng đối với các dân tộc thiểu số, những nơi mà hiệu lực của luật tục là rất lớn”, ông Lưu Văn Đức bình luận.

Dự thảo Luật phân rừng thành 3 loại: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất.

Theo chương trình nghị sự, dự thảo Luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua ngay trước khi bế mạc kỳ họp.

Tin cùng chuyên mục