Giáo viên không đổi mới thì thua “thầy Google“!

“Trong thời đại 4.0 hiện nay, chỉ cần gõ vài từ khóa trên Google là cho ra hàng vạn kết quả, vậy có cần các thầy cô không?... Yêu cầu giáo viên phải thay đổi phương pháp, còn không thầy cô còn thua ông thầy Google”, GS Thuyết thẳng thắn chia sẻ.

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới dự kiến sẽ triển khai từ năm học 2019-2020 với sách giáo khoa (SGK) lớp 1. Với trọng tâm hình thành, bồi dưỡng phẩm chất và năng lực dạy học, chương trình GDPT mới sẽ không thực hiện “giáo dục cào bằng”. GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới cho hay, điểm mới của chương trình tới đây là giáo viên được trao quyền chủ động tối đa.

Chuyển từ học để biết sang học để làm

Nhắc lại những điểm mới của chương trình, SGK GDPT lần này, GS Nguyễn Minh thuyết cho hay, khác với 3 lần cải cách giáo dục trước là không có chương trình tổng thể (đổi mới GDPT năm 2000 cũng chỉ có chương trình bộ môn), vì thế thiếu sự liên kết giữa các môn học, bậc học, lần đổi mới này được cho là bài bản nhất vì có chương trình tổng thể. 

Lần đổi mới này cũng có người phụ trách, có 3 điều phối viên ở cấp THCS, THPT, điều phối viên chính để kết nối tất cả các bậc học.

“Trước khi đổi mới lần này, Bộ GD-ĐT đã đánh giá 4 lần chương trình GDPT hiện hành. Không phải ngồi phòng lạnh đánh giá mà đã đến tận sở, trường, hội thảo.. .để  lấy ý kiến. Sau đó, khi bắt đầu soạn chương trình đã tiến hành dạy thử. Yêu cầu là không được lạc hậu với xu thế của thế giới, không được xa rời thực tiễn cuộc sống”, GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay.

Mục tiêu của chương trình GDPT mới là nhằm chuyển một nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực của cá nhân. 

Giáo viên không đổi mới thì thua “thầy Google“! ảnh 1  GS Nguyễn Minh Thuyết
“Chuyển từ học xong biết gì sang học xong làm được gì, tức chuyển từ học để biết sang học để làm. Học sinh phải được phát triển toàn diện”, Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới cho hay.

Chương trình đã đưa ra các chuẩn về phẩm chất, năng lực người học. Các phẩm chất chủ yếu là yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. 10 năng lực bao gồm cả năng lực cốt lõi, năng lực chung và năng lực đặc thù. 

Chương trình thực hiện phân hóa để phát huy năng lực đặc thù của mỗi một học sinh. Các em được lựa chọn môn học đúng sở trường của mình.

Cùng với đó thực hiện dạy tích hợp một số môn học để phát huy năng lực tổng hợp, vận dụng các kỹ năng của học sinh, giúp các em đẩy nhanh phát huy năng lực của mình. Đây cũng là xu hướng mà thế giới họ đã dạy từ lâu.

Chương trình trao quyền chủ động cho nhà trường, giáo viên với quan điểm là  tôn trọng sự khác biệt, “cách dạy có thể có sự khác biệt nhưng đều đi đến cái đích cuối cùng”.

Đáng chú ý, lần đầu tiên môn nghệ thuật được dạy một cách thiết thực, ví dụ dạy thiết kế thời trang, để nếu các em sau này theo học nghề có thể vận dụng được.

Ở bậc THPT là môn định hướng nghề nghiệp, học sinh chỉ học những môn nào giúp cho định hướng nghề nghiệp cho các em. Chỉ có Toán-Văn-Ngoại ngữ là 3 môn bắt buộc phải học, còn lại là các môn tự chọn.

Giáo viên được chủ động tối đa

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, chương trình mới yêu cầu phải đổi mới phương  pháp dạy học và tổ chức hoạt động của học sinh. Thầy cô phải đổi mới phương pháp dạy, đi liền với đó phải đổi mới phương pháp đánh giá, nếu vẫn giữ nguyên cách đánh giá hiện nay (thi cử) thì thầy cô không thể đổi mới phương pháp. 

“Thực tế, khảo sát hiện nay cho thấy giáo viên càng ở bậc học cao thì càng ít đổi mới phương pháp dạy, vì bị áp lực về điểm số, thi cử, bởi các kỳ thi luôn là áp lực  lớn”, GS Nguyễn Minh Thuyết thông tin.

Thực hiện chương trình mới, yêu cầu sống còn là giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy. “Trong thời đại 4.0 hiện nay, chỉ cần gõ vài từ khóa trên Google là cho ra hàng vạn kết quả, vậy có cần các thầy cô không? Cần, vì Google chỉ cung cấp thông tin, kiến thức, còn thầy cô phải là người không chỉ cung cấp kiến thức mà còn hướng dẫn các em đâu là thông tin đúng, hướng dẫn cách các em vận dụng kiến thức. Vì thế, yêu cầu giáo viên phải thay đổi phương pháp, còn không thầy cô còn thua ông thầy Google”, GS Thuyết thẳng thắn chia sẻ.

Đây cũng là quan điểm các chuyên gia giáo dục Việt Nam được lĩnh hội từ các chuyên gia giáo dục nước ngoài. Quan điểm đổi mới giáo dục cũng phải được thể hiện rõ, sẽ không phải là những yêu cầu “bao la” như trước đây, mà phải hướng cho các em học để  sau này biết làm việc, tự nuôi bản thân, sau đó giúp đỡ gia đình, qua đó gián tiếp đóng góp cho xã hội, đất nước.

“Không nên áp đặt điểm số với học sinh. Cách thi hiện nay sẽ phải thay đổi. Kỳ thi hiện nay chỉ ổn định đến năm 2020, sau đó sẽ thay đổi để thích ứng với chương trình GDPT mới”, GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định.

Bộ GD-ĐT cũng đã thông tin, từ năm 2014, việc đổi mới thi THPT quốc gia mới tiến hành để tương thích với việc triển khai chương trình, SGK GDPT mới.

Đề cập tới các khó khăn khi thực hiện chương trình GDPT mới, GS Nguyễn Minh Thuyết nhận định “khó nhất là lòng dân”. Nếu có sự đồng thuận xã hội chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện thành công, còn ngược lại rất khó có thể thực hiện được.

Khó thứ 2 là về giáo viên. Theo GS Thuyết, giáo viên không phải thụ động, không giáo viên nào là không sáng tạo, mà là do cách quản lý của chúng ta hiện nay khiến giáo viên “co lại”.

“Trong chương trình mới đã quy định rõ giáo viên được giao quyền chủ động. Tối thượng nhất là ở chương trình, còn SGK, giáo viên có thể sáng tạo dạy bài này, bài kia là quyền của họ trên cơ sở tuân thủ chương trình.

Ví dụ rõ nhất ở môn Văn. Chương trình mới chỉ quy định 6 tác phẩm bắt buộc là đỉnh cao về tư tưởng và nghệ thuật, học sinh không thể không biết. Còn hơn 100 tác phẩm gọi là bắt buộc nhưng được lựa chọn. Ví dụ tác giả Nguyễn Huy Tưởng có 2 tác phẩm “Vũ Như Tô” hoặc “Bắc Sơn”, giáo viên có thể chọn dạy tác phẩm nào cũng được nhưng phải dạy về tác giả này.

Ngoài ra, có khoảng 300 tác phẩm gợi ý lựa chọn, người viết SGK và giáo viên có thể lựa chọn hoặc chọn các tác phẩm khác mà không nhất thiết phải là các tác phẩm này.

Thậm chí, cho phép đưa vào tác phẩm đang "hot", bán chạy.. mà xã hội, học sinh quan tâm vào các giờ học ngoại khóa.

“Vai trò của giáo viên là hướng dẫn cho các em đọc sách, hiểu đúng sách đó mà không sợ sách phi SGK sẽ có “sạn”. 

Mục tiêu là để học sinh được học, được sống đúng với các em, không  phải sống “2  mặt”, ở lớp thì  là một người khác, về nhà là người khác”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói.

Tin cùng chuyên mục