Chuyển trường mầm non bán công sang công lập tự chủ tài chính

Giáo viên: khó khăn, nhà trường: lo lắng

Giáo viên: khó khăn, nhà trường: lo lắng

48 trường mầm non bán công (MNBC) tại TPHCM sẽ chuyển đổi sang công lập tự chủ tài chính (CLTCTC) từ năm học 2006. Tuy nhiên, đến nay sắp bước vào năm học mới, các trường vẫn lúng túng trong việc chuyển đổi, đồng thời chưa nhận được sự chỉ đạo rõ ràng hay hỗ trợ cụ thể nào để thực hiện mô hình mới.

Trong khi đó, những khó khăn lâu nay của mô hình MNBC vẫn tồn tại chưa khắc phục: mức học phí không đủ trang trải chi phí, tình trạng nợ lương giáo viên còn dai dẳng…

  • Tự chủ nhưng không... tự thu chi

Cơ chế tự chủ tài chính (TCTC) sẽ trao quyền chủ động cho tập thể sư phạm nhà trường (hiệu trưởng là người quyết định) quyền tự chủ về tài chính, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị (mục tiêu, yêu cầu đào tạo…) và kể cả tái đầu tư.

Giáo viên: khó khăn, nhà trường: lo lắng ảnh 1

Các cháu ở Trường Mầm non bán công Tuổi Thơ 7 quận 3 trong giờ tập vẽ. Ảnh: MAI HẢI

Tuy nhiên, theo quyết định phê duyệt kế hoạch chuyển đổi các trường MNBC sang trường công lập do UBND TPHCM ban hành, các trường vẫn thực hiện mức thu học phí như cũ. Với quy định này, lãnh đạo nhiều trường cho rằng đây vẫn là “bình mới rượu cũ” khi họ vẫn chưa được tham gia quyết định “vận mệnh” của trường và đội ngũ giáo viên.

Ở quận 6 đã có 5 trường MNBC đã chuyển sang mô hình CLTCTC. Một trong những trường tiêu biểu trên địa bàn quận này - Trường Rạng Đông, ngay từ tháng 10-2005 đã thực hiện tăng mức lương cơ bản cho giáo viên từ 290 ngàn lên 350 ngàn đồng/tháng.

Vậy mà, bà Thanh Anh, Hiệu trưởng nhà trường vẫn lo lắng: “Thấy tăng lương ai cũng tưởng là khá hơn, nhưng nói thật, chúng tôi lại buồn và lo lắng. Lương tăng thì các khoản như bảo hiểm y tế, công đoàn, phụ cấp ưu đãi… cũng tăng. Mức học phí thu vào vẫn như cũ trong khi tiền điện nước cũng như nhiều chi phí khác mà trường phải gánh chịu cũng tăng từng ngày”. Để hỗ trợ cho trường, quận 6 cấp bù 60% mức lương tối thiểu, phần còn lại nhà trường phải tự bươn chải lo bù đắp.

Theo bà Thanh Anh, chờ đợi suốt 10 tháng, ngày 3-8 vừa qua, trường mới nhận được khoản cấp bù của quận. Như vậy, trường vẫn còn “nợ” giáo viên 4 tháng tăng lương vì chưa tìm được nguồn kinh phí để giải quyết.

Tương tự, Trường Mầm non Họa Mi 2 (quận 5) đã hoạt động theo cơ chế bán công 3 năm nay, hiện xây dựng xong đề án chuyển đổi qua công lập tự hoạch toán thu chi và đã trình lên quận nhưng đến nay vẫn chưa có chỉ đạo cụ thể nào về việc chuyển đổi.

Bà Tăng Lan, Hiệu trưởng trường cho biết thêm: “Năm 2006, quận 5 hỗ trợ trường 300 triệu đồng để trả lương cho giáo viên, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu vì trường đang phải trả thêm mức thâm niên cho mấy chục giáo viên”.

Quận 3 cũng đã chuyển 5 trường MNBC sang CLTCTC. Nhưng do thu không đủ chi nên quận phải cấp bù từ 25% đến 30% (hơn 1 tỷ đồng) để các trường trả lương cho giáo viên. Và bên cạnh khó khăn về vấn đề kinh phí, các trường cũng trĩu nặng nỗi lo về đội ngũ giáo viên. Hầu hết các trường phải tự ký hợp đồng với giáo viên nên quyền lợi không được đảm bảo như ở các trường công lập khác.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Trưởng phòng Giáo dục quận 3 cho biết: “Hợp đồng khoán mà lương thấp thì giáo viên có thể nghỉ bất cứ lúc nào, không giữ được giáo viên giỏi, vì thế chất lượng đào tạo khó mà đảm bảo” .

  • Cần thoát vòng luẩn quẩn

Phần lớn các hiệu trưởng trường MNBC đều cho rằng mô hình CLTCTC chỉ là cách đổi tên cho phù hợp với Luật Giáo dục mới. Trên thực tế, các trường đang và sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Với mức lương thấp như hiện nay, các trường còn bị thiếu hụt kinh phí. Nếu nhà nước tăng lương mà không cho các trường tăng học phí (theo điều kiện mỗi trường) thì chẳng khác nào “gò cương” không cho các trường phát triển.

Bà Lê Thị Điệp, Phó Trưởng phòng Giáo dục quận 4 cho rằng cấp bù chỉ là giải pháp trước mắt, chỉ giảm bớt khó khăn nhất thời chứ không thể giúp trường tự đứng vững được. Bà Điệp nêu rõ ở TPHCM có khá nhiều trường bán công đạt đẳng cấp các trường quốc tế (trường quốc tế họ thu gần 200 USD/tháng) nên việc áp đặt “mức thu học phí như cũ” thật sự không tương xứng với chất lượng giảng dạy và cơ sở vật chất vốn có của các trường.

Mở rộng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bến Thành đặt câu hỏi tại sao phải gò bó các trường (dù là TCTC) rồi lại cấp bù, trong khi khoản cấp bù này có thể giúp ngân sách nhà nước đầu tư thêm nhiều trường khác ở vùng ven để giải quyết nhu cầu học của khá đông trẻ em đang chịu cảnh thiếu trường lớp.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non Sở GD-ĐT đưa ra một hình ảnh rất cụ thể: Giáo dục như một chiếc bánh bị xẻ làm nhiều phần, nếu tăng phần này thì sẽ hụt phần kia, bù cho mầm non thì hụt đối với tiểu học, trung học…

 - TPHCM có 340 trường công lập và 48 trường bán công hệ mầm non.
- Hiện còn thiếu 200 giáo viên khối công lập, 2.000 đến 3.000 giáo viên cho các trường tư thục và nhóm trẻ gia đình.
- Các trường công lập và tư thục ở quận 8, 12, Thủ Đức, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Tân Phú chỉ giải quyết được 30% - 40% nhu cầu của phụ huynh.

Cách làm này càng khiến chất lượng giáo dục rơi vào vòng luẩn quẩn không lối ra. Khi giá cả thị trường tăng, mức lương giáo viên buộc phải tăng để trang trải cuộc sống. Tình thế buộc các trường phải sử dụng giải pháp khác như tăng sĩ số lớp học để tăng thu và điều này chắc chắn làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Một số giáo chức có kinh nghiệm còn đặt vấn đề nên cổ phần hóa nhà trường (Nhà nước vẫn nắm giữ 51% cổ phần để giữ quyền chi phối). Với chủ trương cổ phần “mạnh dạn” như vậy, nhà trường có thể chủ động trong việc trả lương cho giáo viên, mua sắm trang thiết bị, nâng cao chất lượng giảng dạy.

Ngoài ra, với vốn huy động từ cổ phần hóa một trường ở khu vực trung tâm, nhà nước có thể đầu tư xây dựng khoảng 10 trường ở ngoại thành. Đây cũng là một giải pháp giải quyết tình trạng thiếu kinh phí xây dựng trường mầm non hiện nay.

LÊ LINH

Tin cùng chuyên mục