Đào tạo tiếng Anh trong các trường đại học

Chưa có giải pháp căn cơ

Chưa có giải pháp căn cơ

Khả năng sử dụng tiếng Anh là một trong những điều kiện đầu tiên của một nước đang phát triển như Việt Nam để có thể hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trình độ tiếng Anh của đa số sinh viên (SV) tốt nghiệp đại học (ĐH) ở nước ta hiện chưa đáp ứng được những đòi hỏi của thị trường lao động.

  • Đầu vào quá chênh lệch?
Chưa có giải pháp căn cơ ảnh 1

Giờ học Anh văn tại Trường ĐH Mở bán công.    Ảnh: MAI HẢI

Kết quả làm bài kỳ thi kiểm tra tiếng Anh của các SV ở một trường ĐH tại TPHCM bộc lộ sự chênh lệch rõ rệt. Có SV làm đúng 65 câu, nhưng có SV chỉ làm được… 3 câu.

Điều này cho thấy trình độ tiếng Anh của SV năm thứ nhất không đồng đều. Có những SV trước khi vào ĐH đã học 7 năm tiếng Anh ở bậc phổ thông, nhưng có nhiều SV chỉ học 3 năm (vùng nông thôn), thậm chí không học năm nào (vùng sâu, vùng xa).

Nhiều SV trình độ giỏi có thể xin miễn học môn tiếng Anh, nhưng cũng có nhiều SV trình độ chỉ là con số không, nhưng tất cả được bố trí học chung một chương trình, cùng một thời lượng kiểu “cá mè một lứa” với sỉ số áp đảo trên 50.

Cạnh đó, nguyên nhân chủ yếu của sự kém hiệu quả trong việc giảng dạy tiếng Anh là do yếu kém ở khâu kiểm tra và công nhận trình độ. Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TPHCM, cho rằng: hệ thống chứng chỉ quốc gia về tiếng Anh A, B, C dường như chỉ làm theo kinh nghiệm, không có cơ sở khoa học và chưa được công nhận một cách thống nhất.

Các cơ sở đào tạo vừa tổ chức giảng dạy, vừa có quyền đánh giá và công nhận trình độ ngoại ngữ cho SV mình theo những tiêu chí riêng tự xây dựng.

Hiện các trường ĐH tuy đã có những chương trình liên kết với các tổ chức khảo thí nước ngoài và áp dụng những chuẩn trình độ của họ cho SV mình nhưng vẫn chưa thích hợp cho đối tượng SV Việt Nam.

  • Chương trình đơn điệu

Chương trình tiếng Anh ở các trường ĐH hiện khá đơn điệu và trùng lặp. Tiếng Anh chỉ được xem là một môn học bình thường mà chưa được xem là một phương tiện để SV có thể sử dụng trong học tập và làm việc.

SV chỉ được hướng đến chú trọng ngữ pháp, câu chữ, đọc hiểu, chứ chưa đầu tư cho phần nghe, nói. Dù đã học tiếng Anh ở các bậc học dưới, nhưng khi vào ĐH SV lại học trở lại tiếng Anh căn bản.

Sự lặp lại này gây nhàm chán đối với những SV đã có hiểu biết nhất định và gây đuối với những SV chưa tiếp xúc tiếng Anh bao giờ, gây lãng phí công sức, chi phí và thời gian.

Thời gian tối đa để SV học tiếng Anh trong chương trình ĐH là 390 tiết, không đủ để rèn luyện bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết, buộc SV phải đi học thêm tại các trung tâm.

Cạnh đó, hầu hết các trường đều kết thúc việc học tiếng Anh vào cuối năm thứ ba, thậm chí vào cuối năm thứ hai, để tập trung học chuyên ngành vào năm cuối, khiến không có điều kiện luyện tập, dẫn tới mai một các kiến thức đã học trước đó.

Trước nay, mục đích học tiếng Anh chỉ để lấy điểm cao, để thi hết môn, nên SV và GV có xu hướng dùng những giờ rèn luyện kỹ năng để giải đề.

Kết quả là SV có thể làm đúng các dạng bài tập, nhưng không biết cách sử dụng các từ, không tránh được lỗi khi nói và thậm chí còn không hiểu hết nghĩa các câu có chứa những từ này.

Vì không được trang bị kỹ năng tự học nên nhiều SV không biết đọc phiên âm quốc tế, không biết cách tìm tài liệu. Và ở trường hầu như không có giờ luyện âm nên SV chỉ thụ động chờ đợi GV phát âm để học từ mới.

  • Cơ chế gò bó

Thống kê mới nhất của các trung tâm cung ứng lao động cho biết, 48% đơn vị của Việt Nam có phỏng vấn người xin việc bằng tiếng Anh; với các đơn vị nước ngoài là 91%. Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, điểm yếu nhất của SV Việt Nam là nghe và nói, khiến nhiều SV sau khi tốt nghiệp không thể tiếp cận với cơ hội du học và làm việc.

Nhiều nhà giáo nhận định rằng việc giảng dạy chưa chú trọng đến kết quả đầu ra. Cấu trúc chương trình chỉ quan tâm đến nội dung giảng dạy, thời lượng, giáo trình.

Công tác giảng dạy còn “bao sân”, làm sẵn quá nhiều. Riêng việc giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh cũng có vấn đề.

GV dạy chuyên ngành không thể phát âm tốt bằng GV dạy tiếng Anh nên SV khó nắm bắt. Nhiều trường “chữa cháy” bằng cách điều GV dạy ngoại ngữ sang dạy chuyên ngành (công nghệ sinh học, kinh tế …) và chính những GV này lại bị “rối” do không thạo kiến thức chuyên ngành.

Để góp phần khắc phục, theo nhiều nhà giáo, nên hạn chế sỉ số mỗi lớp dưới 45 SV; xóa cách học thụ động. Việc đào tạo tiếng Anh nên tham khảo khung trình độ chung châu Âu (CEF); phân nhóm trình độ SV và có đề cương riêng cho từng trình độ.

Xác định đầu ra tối thiểu cho tất cả SV là trình độ B1 (trình độ sơ trung cấp = chứng chỉ B ở Việt Nam). Quy định một mức ngưỡng để công nhận tốt nghiệp. Tiếng Anh chuyên ngành chỉ được thực hiện sau khi SV vượt được mức ngưỡng để tránh lãng phí thời gian.

NGỌC LINH

Tin cùng chuyên mục