Đối thoại với các nhà tài trợ quốc tế cho giáo dục

Mỗi năm thiếu khoảng 100 triệu USD cho mục tiêu phát triển giáo dục – đào tạo

Chiều qua 29-1, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT và Nhóm các nhà tài trợ quốc tế cho giáo dục đã tổ chức hội nghị đối thoại thường niên dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân và đại diện của các tổ chức quốc tế (Ngân hàng Thế giới, UNESCO, Oxfam, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ…).

Cuộc đối thoại đã tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên trong kế hoạch phát triển của ngành giáo dục, các mối quan tâm chính hiện nay trong giáo dục cũng như kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn vốn tài trợ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo Bộ GD-ĐT, các mục tiêu ưu tiên của giáo dục mầm non từ nay đến năm 2010 là xây dựng các phòng học mầm non cho gần 2.600 xã đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, xã bãi ngang ven biển; đào tạo 3.000 giáo viên cho các xã đặc biệt khó khăn, xã có đồng bào dân tộc; trang bị cho các trường mầm non thực hiện chương trình mới… Ở bậc giáo dục tiểu học, ngành giáo dục đào tạo đang ưu tiên là triển khai dạy học 2 buổi/ngày.

Hiện nay, bình quân tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày mới đạt 35%, ở những vùng khó khăn như Điện Biên, Lai Châu… tỷ lệ này chỉ đạt 10%. Trong lĩnh vực giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT đã kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế tham gia hỗ trợ khoảng 12 triệu USD cho các dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, tăng cường năng lực dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, xây dựng 3 trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ…

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang quản lý khoảng 20 dự án ODA của các tổ chức quốc tế hỗ trợ giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ GD-ĐT, trong giai đoạn 2006 – 2010, mỗi năm ngành giáo dục vẫn thiếu khoảng 100 triệu USD cho các mục tiêu phát triển giáo dục – đào tạo.

Tại cuộc đối thoại, đại diện các tổ chức quốc tế đã bày tỏ mối quan tâm đến vấn đề chất lượng đội ngũ giáo viên, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, công bằng trong giáo dục, đặc biệt là việc triển khai chiến lược cho trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, giáo dục Việt Nam đang triển khai quá trình thanh lọc giáo viên và tiến hành bồi dưỡng, đào tạo lại khoảng 1 triệu giáo viên từ nay đến năm 2010.

Hiện, cả nước có khoảng 5% giáo viên không đạt chuẩn và khoảng 5.000 giáo viên đã chuyển sang nghề khác hoặc nghỉ hưu sớm do không đáp ứng được yêu cầu công việc. Mặc dù hiện nay, số vốn ODA của các nhà tài trợ đổ vào các dự án đào tạo giáo viên các bậc học khá lớn (khoảng 100 triệu USD) nhưng ngành giáo dục vẫn kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam đào tạo lại đội ngũ giáo viên và giảng viên đại học.

Với mục tiêu đến năm 2015 số giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm 2% trên tổng số giảng viên thì từ nay đến thời điểm đó, Việt Nam cần đào tạo thêm khoảng 20.000 tiến sĩ. Với quy mô hiện tại của các trường đại học trong nước, mỗi năm Việt Nam chỉ đáp ứng điều kiện đủ để đào tạo 800 – 1.000 tiến sĩ, số còn lại sẽ phải gửi ra nước ngoài học tập và chủ yếu dựa vào nguồn của các nhà tài trợ.

VIỆT LAN

Tin cùng chuyên mục