Kết quả tốt nghiệp thấp: Tại… Bộ Giáo dục-Đào tạo?

Kết quả tốt nghiệp thấp: Tại… Bộ Giáo dục-Đào tạo?

Không hề bàng hoàng với tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay cực thấp, các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia giáo dục tham gia buổi tọa đàm khoa học “Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm học 2006-2007” do Viện Nghiên cứu giáo dục TPHCM tổ chức, hôm qua 29-6, đã chỉ rõ: Con số tốt nghiệp thấp không nguy hại bằng bệnh thành tích trong tư duy, suy nghĩ. Chúng ta không thể ngăn chặn bệnh thành tích bằng cách xây tường cao, hào sâu…

“Độ chênh” 80%

Kết quả tốt nghiệp thấp: Tại… Bộ Giáo dục-Đào tạo? ảnh 1
Thí sinh dự thi tuyển vào lớp 10 tại Hội đồng thi Trường THPT Lương Thế Vinh Q1, TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

“Nhìn hình ảnh trên truyền hình, cô chủ nhiệm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi (trường có tỷ lệ đậu tốt nghiệp 0%) rưng rưng đau buồn nhận lỗi hết về mình, tôi thấy buồn lòng.

Vì sao lại nhận hết lỗi trong khi điều kiện của trường khác biệt (1/3 HS lập gia đình) nhưng phải chạy trên cùng một đường đua với cùng một tiêu chí đánh giá như những trường ở vùng phát triển? Nếu cho tôi đầy đủ phương tiện dạy học để nâng tỷ lệ đậu cao lên thì tôi cũng không dám làm”, TS Nguyễn Cam bức xúc.

Dù tỷ lệ tốt nghiệp THPT của nước ta năm nay giảm so với năm trước gần 25%, nhưng theo nhiều đại biểu, không thể dựa vào tỷ lệ này để kết luận rằng chất lượng năm nay giảm hơn năm trước. GS TS Nguyễn Ngọc Trà nói: “Kết quả năm nay tương đối chính xác hơn các năm trước. Chính xác tương đối vì có những nơi kết quả thi phổ thông thấp nhưng kết quả hệ bổ túc rất cao, chúng ta phải chấp nhận thực tế của kết quả thi đa dạng”.

TS Lê Kim Dung và ThS Lê Nguyễn Trung Nguyên lo ngại: Nếu tính hiệu số chênh lệch về tỷ lệ đậu THPT giữa tỉnh cao nhất-TPHCM (95,1%) với tỉnh thấp nhất (Tuyên Quang: 14,1%) của chúng ta là 81%, con số biểu thị chênh lệch quá lớn. Trong khi ở Hoa Kỳ, mức độ chênh lệch chỉ có 27,08% giữa tiểu bang Hawaii có tỷ lệ cao nhất (99,21%) và tiểu bang Alaska có tỷ lệ thấp nhất (72,12%). Phân tích trong 23 tỉnh, thành có tỷ lệ đậu dưới 60%, hầu hết là những tỉnh khó khăn có sự đầu tư thấp. Sự chênh lệch giữa TPHCM và Hà Nội là 10% trong khi mức đầu tư của 2 thành phố ngang nhau.

TS Nguyễn Kim Hồng, Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm TPHCM kết luận: “Nếu thi trắc nghiệm, Hà Nội sẽ thua TPHCM. Theo như tôi biết, ĐH Sư phạm Hà Nội chưa có chuyên đề dạy trắc nghiệm cho HS phổ thông. Do vậy, HS Hà Nội không quen thi trắc nghiệm. Đây cũng là nguyên nhân giải thích vì sao có nhiều tỉnh thấp khi có đến 50% số môn thi bằng hình thức trắc nghiệm. Ông Nguyễn Văn Huyên nhắc lại: “Trước đây, tôi đã từng kiến nghị với bộ, muốn thi trắc nghiệm tốt phải chuẩn bị ít nhất 7 năm”.

Đằng sau con số tốt nghiệp thấp là gì?

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đề nghị không nên sáp nhập kỳ thi tú tài vào tuyển sinh ĐH, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ giữ lại kỳ thi ĐH vì đây là kỳ “thi nhiều, lấy ít”. Trong khi một số ý kiến khác cho rằng vẫn cần giữ lại 2 kỳ thi riêng rẽ vì tính chất thi khác nhau.

Năm đầu tiên Bộ GD-ĐT thực hiện “hai không” đã đem lại thành quả khiến không ít người đau lòng, nhưng như kết luận của TS Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, “mặt được rất lớn của kết quả đậu tốt nghiệp thấp là bắt đầu hồi phục lại những giá trị thật”.

Tuy nhiên, đằng sau kết quả tốt nghiệp thấp này sẽ là gì? Có cần áp đặt chuẩn giáo dục phổ thông chung cho tất cả các vùng, miền? GS Phạm Phụ nêu dẫn chứng: “Hoa Kỳ có 15.000 khu vực giáo dục có chuẩn khác nhau, mỗi khu có một hội đồng giáo dục quyết định chương trình chuẩn giáo dục, lương giáo viên… Nhìn chung, tính địa phương trong giáo dục Hoa Kỳ rất lớn”.

Trong khi đó, đất nước ta có những vùng kinh tế, xã hội phát triển khác nhau nhưng chuẩn giáo dục phổ thông lại ngang nhau. Mặt khác, theo GS Phạm Phụ, nghiên cứu mức độ thành đạt của con người ở độ tuổi 33, các nhà khoa học kết luận rằng yếu tố gia đình có tác động mấy chục lần so với nhà trường. Tỷ lệ đậu tú tài cao của TPHCM là kết quả từ sự đầu tư của thành phố, sự quan tâm của PHHS đối với việc học hành của con em; còn HS miền núi, vùng sâu xa không có điều kiện học hành, lại phải lao động kiếm sống.

Nếu nói chất lượng giáo dục cũng phụ thuộc nhiều vào sự đầu tư, TS Nguyễn Thiện Tống, ĐH Bách khoa TPHCM băn khoăn đặt câu hỏi: Làm sao giảm bớt sự bất công trong học tập trong bối cảnh sự phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc? ThS Lê Nguyễn Trung Nguyên đề nghị: “Không nên bắt buộc các vùng, miền phải đạt một chuẩn giống nhau, chỉ cần đặt ra chuẩn tối thiểu”.

Khoảng cách chênh lệch chất lượng giáo dục không chỉ là vấn đề đầu tư cho giáo dục mà các chuyên gia cũng chỉ ra nguyên nhân là từ …. Bộ GD-ĐT với chương trình, SGK hàn lâm, nặng nề. HS VN được học để trở thành những “chuyên gia” ngôn ngữ, toán học, mà nhiều người cả đời không sử dụng lại những phương trình toán học cao cấp, bài văn đã được học.

Theo TS Nguyễn Thị Quy, bậc tiểu học đã bắt HS phân biệt động từ và tính từ, trong khi giáo viên cũng còn chưa nắm rõ được. Giáo viên hỏi tôi, tôi chỉ mở tự điển ra xem. Nhưng tự điển cũng còn không phân biệt rõ ràng, nhiều từ chỉ ghi chung chung vừa là động từ, vừa là tính từ. 

HỒNG LIÊN 

Tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT 2007
Đề xuất 3 phương án đối với thí sinh thi trượt trong cả 2 kỳ thi

Ngày 29-6, Phó chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Trần Bá Giao cho biết: Bộ GD-ĐT đang cân nhắc 3 phương án xử lý đối với những trường hợp thí sinh thi trượt tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm 2007 cả trong lần thi thứ nhất và thứ 2 (sẽ tổ chức vào ngày 18 đến 20-8 tới đây).

Phương án thứ nhất, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ phải tiếp tục sửa đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT và Điều lệ trường THPT để thí sinh được học lại lớp 12. Tuy nhiên, phương án này sẽ phải đối mặt với tình trạng quá tải học sinh lớp 12 ở các tỉnh, thành phố có tỷ lệ thí sinh trượt tốt nghiệp 2007 lớn trong khi cơ sở vật chất, trường lớp chỉ có giới hạn nhất định.

Phương án 2, dự kiến Bộ GD-ĐT sẽ cho phép số học sinh này chuyển sang học bổ túc. Phương án 3 là các trường sẽ tổ chức ôn tập cho học sinh những môn học yếu kém như một hình thức học thêm bộ môn để sang năm các em tham gia dự thi lại kỳ thi tốt nghiệp THPT như một thí sinh tự do. Riêng thí sinh bổ túc THPT được bảo lưu kết quả cho năm sau.

V.L.

Tin cùng chuyên mục