Trao giải thưởng Võ Trường Toản năm 2008 - Ấm áp nghĩa tình

Trò: ơn thầy không quên!
Trao giải thưởng Võ Trường Toản năm 2008 - Ấm áp nghĩa tình

Tối 19-11, tại TPHCM đã diễn ra lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản năm 2008 (HTV9 truyền hình trực tiếp). Đến dự buổi trao giải có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Công Minh, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam Jack Howell.

Trò: ơn thầy không quên!

Trao giải thưởng Võ Trường Toản năm 2008 - Ấm áp nghĩa tình ảnh 1

Các em học sinh Trường THCS Bình Đông quận 8 tặng hoa chúc mừng thầy Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: MAI HẢI

Môn giáo dục công dân khô khan, trò thường lo ra trong giờ học nhưng kể từ khi có cô đứng lớp, môn học này trở nên sinh động, hứng thú hơn. Cô thường đưa vào bài giảng những tình huống thực tế, như bài “Bảo vệ hòa bình”, cô lồng vào bài học những câu chuyện về quê của cô – một miền cao xứ Bắc với phong cảnh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ, những tấm gương hào hùng bảo vệ từng tấc đất, ngọn cỏ của cha ông.

Học trò TPHCM chưa em nào từng đặt chân đến quê cô mà sao bỗng thấy quê cô trở nên gần gũi, một tình yêu mảnh đất xa xôi, tình yêu đất nước, con người cứ thấm dần, thấm dần qua những câu chuyện, những bài báo, tấm gương, cô dày công sưu tầm.

Ngày sinh nhật cô 26 – 10 vừa qua, cả lớp “biểu quyết” hùn tiền, mỗi bạn 10.000 đồng để mua bánh sinh nhật và quà tặng cô. Cô như trẻ lại khi bị trò “bắt” thổi nến và ước nguyện… Bên hành lang của lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản, câu chuyện về cô Đỗ Thị Ngọc Thúy, Trường THCS Phan Tây Hồ, Gò Vấp được những học trò của cô hào hứng kể lại.

Không chỉ có những HS hiện tại đến chia sẻ niềm vui mà còn rất nhiều cựu HS tranh thủ đến tặng hoa cho các thầy, cô cũ. Chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ tranh thủ làm hết công việc thật sớm để đến chúc mừng thầy Ngô Văn Hoan (Trường THPT Trần Phú), người thầy của 10 năm trước đã gieo vào lòng chị và các bạn nghề giáo là một nghề cao quý.

Chị Lệ và nhóm bạn học cũ âm thầm đến chúc mừng dù biết thầy không muốn rình rang, chị nói: “Thầy là người cống hiến thầm lặng, âm thầm giúp đỡ HS như chính cái cách thầy đi nhận giải, chỉ lặng lẽ nhưng đủ ý nghĩa”.

Thầy: “Nghề” đã trở thành “nghiệp”

Trên sân khấu, 30 thầy cô đạt giải Võ Trường Toản năm 2008 rực rỡ với những vòng hoa tươi – những vòng nguyệt quế - do đích thân Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua trao. Nhưng ngoài đời, các thầy cô âm thầm truyền đạt tri thức, tận tâm, tận lực với trò.

Thầy Đỗ Minh Hoàng Đức về Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu nhận nhiệm sở chỉ với mục đích đơn giản ban đầu là có cơ sở để thực hành, có thời gian để nghiên cứu. Rồi thầy gắn bó với trường, với trò lúc nào không hay. Tình thương đã biến thành những sản phẩm hữu ích cho những trò có số phận không may mắn. Đó là phần mềm Internet cho người khiếm thị, giúp các em mở rộng cánh cửa tri thức, kết nối bạn bè và cuộc sống dễ dàng hơn; là phần mềm chính tả cho HS hạn chế những lỗi không đáng có.

Trao giải thưởng Võ Trường Toản năm 2008 - Ấm áp nghĩa tình ảnh 2

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua chúc mừng cô Trần Lê Mỹ Ngọc nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2008.
Trao giải thưởng Võ Trường Toản năm 2008 - Ấm áp nghĩa tình ảnh 3

Tổng biên tập Báo SGGP Trần Thế Tuyển trao tặng phẩm cho các thầy cô nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2008. Ảnh: MAI HẢI

Nghề “chèo đò” đã trở thành “nghiệp” cho những ai đã trót đeo mang. 20 năm nuôi dạy trẻ, nhưng có 5 năm cô Trần Lê Mỹ Ngọc, GV mầm non Tân Kiểng, quận 7 phải nghỉ dạy để lo cho các con. Năm 2000, khi con đã lớn, cô Ngọc quyết định đi dạy lại ở tuổi 40. “Trở lại với nghề, cùng với niềm hạnh phúc là sự băn khoăn không biết mình có đáp ứng được sự đổi mới và yêu cầu của chương trình hay không?”, cô Ngọc nhớ lại. Nhưng với sự quyết tâm của mình, sự giúp đỡ của đồng nghiệp cô đã vượt qua tất cả và nhận được nhiều giải thưởng.

Thầy Lê Như Dzi, CĐ Kinh tế kỹ thuật Phú Lâm luôn trăn trở cải tiến phương pháp giảng dạy để HS ra trường có việc làm phù hợp với nhu cầu xã hội, biết nuôi sống bản thân và tự học để nâng cao trình độ.

Cùng suy nghĩ như thầy Dzi, cô Trần Thị Thu Sang khao khát đào tạo HS năng động, sáng tạo bằng nỗ lực tự học của mình, bằng những sáng tạo làm đồ dùng dạy học, chỉ cần nhìn ánh mắt trò ngạc nhiên, thích thú đã tạo động lực cho cô.

Cô Nguyễn Thị Hồng Phượng của Trường TH Hồ Văn Huê (Phú Nhuận) đến chúc mừng đồng nghiệp là cô Bùi Thu Uyên Nguyên (TH Nguyễn Đình Chính). Cô Phượng tâm đắc: “Giải thưởng Võ Trường Toản có ý nghĩa rất lớn, rất hay. Nghề giáo luôn thầm lặng nên những giải thưởng thế này sẽ giúp người đoạt giải vinh dự, người chưa đoạt giải sẽ cố gắng để được đứng trên bục nhận giải”.

Đại diện cho hơn 60.000 giáo viên TPHCM, 30 gương mặt nhận giải Võ Trường Toản năm 2008 đã khắc họa một hình ảnh thật đẹp, thật cao quý về người thầy trong lòng HS, PHHS và xã hội. Niềm vui hôm nay có lẽ là những kỷ niệm đẹp trong quãng đời đi dạy của các thầy cô. Niềm vui về tình đồng nghiệp, nghĩa thầy trò, làm ấm thêm ngọn lửa trong tim, tình người.

Trao giải thưởng Võ Trường Toản năm 2008 - Ấm áp nghĩa tình ảnh 4

Tương lai của dân tộc Việt Nam nằm ở trái tim và khối óc của các thầy cô giáo

Hôm qua 19-11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã có thư gửi các thầy giáo, cô giáo, các bậc cha mẹ học sinh và các em học sinh, sinh viên nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Sau khi lược lại những thành tích của ngành GD-ĐT trong hơn 2 năm qua, bức thư dài hơn 1.700 chữ có đoạn viết: “Lịch sử hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của bao thế hệ đi trước. Nhưng dân tộc Việt Nam, dù phải đương đầu với những giặc ngoại xâm to lớn, không bao giờ bế tắc. Không có lý do gì để giáo dục Việt Nam bế tắc, nếu mỗi người dân Việt Nam đều dành trí tuệ và sức lực cho sự nghiệp thiêng liêng này.

Tương lai của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XXI là nằm ở khối óc và trái tim của các thầy cô giáo”.

Doanh - Hà - Hùng

Tin cùng chuyên mục