Ngăn chặn học sinh bỏ học: Cần kết hợp giữa gia đình – nhà trường – xã hội

Hàng ngàn học sinh (HS) bỏ học mỗi năm khi chưa được chuẩn bị kỹ năng sống bước vào đời. Liệu nhà trường chưa làm hết sức của mình hay HS bị tác động từ phía gia đình, xã hội? Sau bài viết “Ngăn chặn học sinh bỏ học: Lực bất tòng tâm?”, của Báo SGGP đăng ngày 3-3 vừa qua, Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến của các nhà giáo, quản lý giáo dục, PHHS để hạn chế tình trạng HS bỏ học.

  • Bà Hoàng Thị Hồng Hải, Trưởng phòng Giáo dục quận Tân Phú:
    Nhờ phân luồng, tỷ lệ bỏ học giảm

Nhiều HS vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, phải bỏ học rẽ ngang vào đời gây lãng phí vô cùng to lớn cho nhà nước và cho cả gia đình các em. Trước thực tế đó, những năm qua, Tân Phú đã thực hiện đề án phân luồng HS THCS, THPT giúp HS chủ động lựa chọn con đường tiếp tục học tập hoặc đi vào lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp với hoàn cảnh, năng lực, hứng thú của các em và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

HS tốt nghiệp THCS được tư vấn phân luồng theo 2 loại đối tượng. Đối với HS có điều kiện kinh tế, năng lực học tập từ trung bình khá trở lên, nhà trường định hướng cho các em chọn nguyện vọng xét tuyển vào các trường THPT công lập, bán công, THCN. HS có điều kiện kinh tế khó khăn hay năng lực học tập từ trung bình trở xuống được định hướng học GDTX, đồng thời Phòng Giáo dục liên kết các trường Kỹ thuật nghiệp vụ Giao thông vận tải III, ĐH Công nghiệp thực phẩm đào tạo HS hệ trung cấp kỹ thuật, nghề bậc 3/7, 4/7 theo chỉ tiêu ký kết đào tạo hàng năm.

Việc học được tổ chức trong địa bàn quận và có chế độ cấp học bổng, miễn giảm học phí cho diện gia đình chính sách. Sau thời gian học theo hình thức này, HS thi tốt nghiệp tú tài bổ túc văn hóa (giá trị sử dụng tương đương bằng tú tài phổ thông) đồng thời có chứng chỉ nghề bậc 3/7, 4/7 hay bằng tốt nghiệp THCN.

Đối với HS tốt nghiệp THPT, Phòng Giáo dục phối hợp với các trường THPT trong địa bàn quận hướng các em không nhất thiết học ĐH mà có thể học từ hệ trung cấp 2 năm hay cao đẳng 3 năm tại các trường có liên kết với Phòng GD. HS sau khi tốt nghiệp nghề sẽ được tham dự hội chợ giải quyết việc làm hoặc được liên hệ giới thiệu đi làm ở các khu công nghiệp hoặc học liên thông lên CĐ, ĐH tùy ngành nghề. Nhờ có “đầu ra” như thế, tỷ lệ HS vào trường nghề của Tân Phú mỗi năm một tăng, tỷ lệ nghỉ, bỏ học giảm mạnh. 

  • Cô Lại Thị Oanh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ:
    Làm cho HS hiểu vai trò quan trọng của việc học

Trường của tôi mới thành lập, số HS vào trường đa số là các em có học lực trung bình, đạo đức chưa ngoan. Ba mẹ các em phần lớn không có việc làm ổn định hoặc thất nghiệp, nhiều PHHS không biết chữ, hoàn cảnh gia đình phức tạp. Sau nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm (GVCN), tôi thấy không có HS hư, cá biệt mà chỉ do chúng ta chưa hiểu tâm tư nguyện vọng của các em. Bước đầu, GVCN cần đầu tư thời gian rèn luyện tác phong kỷ luật nghiêm túc để HS cá biệt lười học không có môi trường, điều kiện quậy phá, để các em nhận thức nếu không thay đổi sẽ bị lạc lõng, bỏ rơi trong tập thể.

Bên cạnh đó, GVCN cần phải nắm hoàn cảnh gia đình, khả năng học tập của các em thông qua GVCN cũ, qua học bạ để tìm điểm mạnh, điểm yếu của từng HS, đặc biệt là HS cá biệt. Tôi bố trí cho các em cá biệt ngồi ở phía trên, trong tầm kiểm soát của GV, ngồi kế những bạn học khá, giỏi. GVCN nên thường xuyên chuyện trò, lắng nghe tâm sự của các em thiếu sự quan tâm của gia đình để các em hiểu rằng thầy cô, bạn bè luôn là chỗ dựa vững chắc, sẵn sàng giúp đỡ các em trong mọi tình huống. Thêm nữa, cũng cần động viên kịp thời sự cố gắng của các em.

Một số HS chán học nghĩ là đi học cho… ba mẹ nên vào lớp quậy phá, không học, chỉ lo nằm ngủ, GVCN kết hợp với gia đình đôn đốc nhắc nhở các em đi học đúng giờ, có các biện pháp mạnh như giao cho các em công việc cụ thể, cho làm bài tập liên quan đến đời sống thực tế, sản xuất để các em nhận ra vai trò của học tập, nếu không học thì sẽ không làm được gì. GVCN kết hợp với GV bộ môn tăng cường kiểm tra đầu giờ, bài làm, phụ đạo ngoài giờ cho HS yếu vì một trong các nguyên nhân làm các em HS quậy phá, nghỉ học là do học yếu, không hiểu bài. 

  • Cô Nguyễn Thị Lập, giáo viên quận 4:
    Động viên kịp thời khi HS tiến bộ

Trước đây, tôi đã mắc sai lầm là ít cho HS yếu kém lên bảng làm bài tập vì sợ các em làm sai, mất thời gian của lớp. Chính điều đó làm các em thiếu tự tin khi chuẩn bị bài, mặc cảm với bạn, đối phó với thầy cô bằng cách quay cóp bài bạn, dẫn đến việc học càng kém hơn. Sau khi thực hiện phương pháp gọi các em lên bảng với những câu hỏi dễ, tôi khen em trước lớp. Vài lần làm như thế, tôi thấy em cố gắng nhiều, học tập tiến bộ rõ rệt ở cuối học kỳ 1 vừa qua.

Doanh Doanh

- Ngăn chặn học sinh bỏ họ - Lực bất tòng tâm?

Tin cùng chuyên mục