Ngăn chặn học sinh bỏ học: Cần nhiều biện pháp đồng bộ

Thạc sĩ Nguyễn Kim Nương, An Giang: Đã có sự thụt lùi về phân luồng HS sau THCS
Ngăn chặn học sinh bỏ học: Cần nhiều biện pháp đồng bộ
  • Bám sát, vận động, giúp đỡ + phân luồng sau THCS + chế tài

Số HS bỏ học tăng cao trong thời gian gần đây có tác động của cuộc vận động “2 không”. Luật pháp cần chế tài với những trường hợp buộc HS nghỉ, bỏ học… Đó là những ý kiến của bạn đọc đóng góp cho việc giải quyết thực trạng này, sau bài viết: “Ngăn chặn HS bỏ học: Cần kết hợp giữa gia đình – nhà trường - xã hội” trên Báo SGGP. Chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu cùng bạn đọc.

Thạc sĩ Nguyễn Kim Nương, An Giang:
Đã có sự thụt lùi về phân luồng HS sau THCS

Ngăn chặn học sinh bỏ học: Cần nhiều biện pháp đồng bộ ảnh 1

Cần phân luồng sau THCS để ngăn chặn học sinh bỏ học. Ảnh: MAI HẢI

Để hạn chế HS bỏ học, cần có những giải pháp đồng bộ từ các cấp, các ngành, trong đó ngành giáo dục và đào tạo (GĐ-ĐT) đóng vai trò quan trọng. Giải pháp căn cơ để chống bỏ học đối với HS phổ thông là phân luồng HS sau trung học cơ sở (THCS).

Đó là khuyến khích một bộ phận HS gồm những em không đủ điều kiện học hết trung học phổ thông (THPT) rẽ sang học nghề (trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề) để sau 3 - 4 năm, các em vừa có bằng tốt nghiệp tương đương với bằng tốt nghiệp THPT, vừa có được tay nghề bậc 3/7.

Khi đã có động cơ học tập, các em sẽ có ý chí và nghị lực để cố gắng vượt qua khó khăn trong cuộc sống và trong học tập. Phải nhìn nhận rằng đã có một sự thụt lùi đáng tiếc về công tác phân luồng HS sau THCS. Theo số liệu thống kê của Bộ GĐ-ĐT, năm 1999, phân luồng HS sau THCS đã đạt khoảng 25% nhưng càng về sau, con số này càng giảm, đến nay còn không đến 10%.

Khi tỷ lệ huy động HS tiểu học đến trường tăng cao (nhiều địa phương huy động trên 95% trẻ trong độ tuổi vào lớp một); khi đã phổ cập giáo dục tiểu học, nhiều tỉnh đã phổ cập giáo dục đến cấp THCS mà phân luồng HS sau THCS quá ít là điều không bình thường.

Nguyên nhân của tình trạng HS bỏ học, mà tập trung nhiều ở cấp THCS là không mới. Số HS bỏ học tăng cao trong thời gian gần đây có tác động của cuộc vận động “2 không”. Trước hết, ngành giáo dục không chỉ có trách nhiệm đề xuất các biện pháp khắc phục tình trạng HS bỏ học tăng cao mà còn phải tổ chức thực hiện những biện pháp đó. Không ai hiểu HS bằng giáo viên (GV).

Mỗi GV chủ nhiệm lớp phải lên danh sách những HS có nguy cơ bỏ học (gồm những em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, những em học kém…), phân nhóm để có biện pháp phù hợp giúp đỡ các em. Điều rất quan trọng là đối với những HS có nguy cơ bỏ học, GV phải siêng tới thăm gia đình các em để hiểu rõ hoàn cảnh của các em, trò chuyện với các bậc phụ huynh để hiểu được những suy nghĩ của họ, để thông tin về các loại hình đào tạo, về các chính sách xã hội…

Đối với những HS học kém, HS ở lại lớp, GV cần tìm hiểu nguyên nhân. Nếu do hổng kiến thức của lớp dưới thì tổ chức bồi dưỡng phụ đạo để các em theo kịp bạn bè, đề xuất các chính sách hỗ trợ như miễn, giảm học phí đối với những HS có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tạo điều kiện để các em tiếp tục việc học.

Đối với những HS gia đình nghèo thường phải “tha phương cầu thực”, hay đường đi học quá xa thì tổ chức các trường, lớp bán trú, nội trú để tiện cho các em và gia đình; vận động các cá nhân, tổ chức tài trợ học bổng để giúp các em có bảo hiểm y tế, có đủ quần áo, sách vở để học tập.

Nếu có sự quyết tâm, nỗ lực từ trong ngành GD-ĐT, phối hợp với các cấp, các ngành triển khai các biện pháp nêu trên để nhằm hạn chế một cách căn bản tình trạng HS bỏ học đang đến mức báo động “đỏ” như hiện nay.

Ông Lê Văn Lâm, Nguyễn Văn Cừ, quận 1:
Cần chế tài với trường hợp buộc HS nghỉ học

Tôi biết vài trường hợp gia đình không thật sự quá khó khăn nhưng bắt buộc con em mình nghỉ học để lao động. Nhà trường nên phối hợp với chính quyền địa phương kiên trì tuyên truyền lay chuyển nhận thức của PHHS. Học chính là con đường thoát khỏi đói nghèo một cách vững chắc nhất. Nếu đã vận động nhiều lần nhưng PHHS vẫn buộc con bỏ học thì nhà nước cũng cần thiết vận dụng những biện pháp chế tài cứng rắn hơn.

Ở nước ngoài, nếu cha mẹ không tạo điều kiện cho con đến trường sẽ bị luật pháp chế tài, tiếc rằng nước ta chưa thực hiện nghiêm việc này nên tình hình HS bỏ học vẫn đang ở mức báo động.

Doanh Doanh

Thông tin liên quan 

Ngăn chặn học sinh bỏ học: Cần kết hợp giữa gia đình – nhà trường – xã hội

Tin cùng chuyên mục