Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2008

Phản ánh đúng thực tế dạy và học

“Năm 2008, tỷ lệ tốt nghiệp của cả nước có tăng nhưng đã phản ánh đúng chất lượng của các địa phương – như vậy là phản ánh đúng thực tế dạy và học” - Phó Chánh thanh tra giáo dục (Bộ GD-ĐT) Trần Bá Giao cho biết như vậy khi trao đổi với PV Báo SGGP chiều qua, 17-6.

* Tỷ lệ tốt nghiệp năm nay cao hơn là do đề thi tương đối dễ. Ông có nhận định gì về bình luận này?

* Theo tôi, đánh giá đề thi phải nhìn trên mặt bằng chung toàn quốc bởi nguyên tắc là đảm bảo học sinh trung bình cũng có thể làm được bài. Đề thi phải đảm bảo học nghiêm túc, thi nghiêm túc là có thể tốt nghiệp - đó là quan điểm của bộ. Từ trước đến nay, khâu ra đề luôn đảm bảo cho học sinh toàn quốc, phù hợp với tình hình chung. Tôi cho rằng, tỷ lệ tốt nghiệp của cả nước có tăng nhưng đã phản ánh đúng chất lượng của các địa phương. Bởi sau 1 năm thực hiện cuộc vận động “2 không” và rút kinh nghiệm từ kết quả thi tốt nghiệp năm 2007 nên các địa phương đã tập trung cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Điều này càng khẳng định nếu quyết tâm chỉ đạo sát sao trong năm học, thầy cô đôn đốc học sinh lên lớp chuyên cần hơn thì kết quả sẽ khả quan hơn năm trước. Trước khi kỳ thi diễn ra, tôi cũng đã dự đoán kết quả năm nay sẽ cao hơn năm trước khoảng 10% và thực tế đến thời điểm này cũng cho thấy, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay tăng khoảng 9% so với năm 2007 – như vậy là phản ánh đúng thực tế dạy và học.

* Nhưng chỉ trong vòng 1 năm mà chất lượng giáo dục có một bước tiến đáng kể như vậy khiến nhiều người nghi ngờ vào độ tin cậy của kết quả thi tốt nghiệp năm nay. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

* Một năm không phải là nhanh nhưng các địa phương đã có những nỗ lực từ những năm trước nữa bởi qua 2 năm thực hiện cuộc vận động “2 không” đã phản ánh đúng thực chất chất lượng học sinh theo từng vùng miền. So sánh mặt bằng chung, thì vẫn có một số tỉnh có tỷ lệ đạt thấp. Mặc dù họ đã có cố gắng nhưng sự nhích lên cũng chỉ có mức độ như Bắc Kạn... Còn kết quả tốt nghiệp 2 năm gần đây đã phản ánh đúng thực tế chất lượng giáo dục phổ thông. Mặc dù, so với các năm trước đó có thấp hơn nhưng đó là hệ quả của cả quá trình đòi hỏi phải nâng dần lên. Để làm được điều này rất cần sự nỗ lực quan tâm của các địa phương...

* Từ kinh nghiệm thanh tra tổ chức thi của kỳ thi tốt nghiệp ông thấy cầu lưu ý rút kinh nghiệm ở khâu nào để kỳ thi tuyển sinh ĐH tới đây diễn ra nghiêm túc hơn?

* Thực tế là phải rút kinh nghiệm ở nhiều khâu, trong đó khâu coi thi vẫn được xem là quan trọng nhất, đảm bảo cho kỳ thi nghiêm túc, khách quan. Do đó, trách nhiệm và nghiệp vụ của cán bộ coi thi trong các kỳ thi tới phải được nâng lên. Bên cạnh đó, thanh tra phải làm đúng chức trách ngăn chặn, phát hiện kiến nghị xử lý những dấu hiệu vi phạm quy chế. Thanh tra làm nghiêm sẽ có tác động đến cán bộ coi thi giúp ngăn chặn được tiêu cực. Do tính cạnh tranh khá gay gắt, kỳ thi ĐH có thể sẽ có nhiều thủ đoạn gian lận tinh vi hơn nên cán bộ coi thi, thanh tra phải nâng cao nghiệp vụ để có biện pháp ngăn chặn.

* Cảm ơn ông. 

VIỆT LAN

Tin cùng chuyên mục