Về với học sinh Cà Mau

Cà Mau: Tỷ lệ đậu ĐH cao nhất nước, vì sao?

(SGGP).- Chiều nay 21-3, chương trình tư vấn Hướng nghiệp –Tuyển sinh 2009 do Báo SGGP, Báo Cà Mau và Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau phối hợp tổ chức, diễn ra tại Trường THPT Hồ Thị Kỷ (số 7 Lý Bôn, P2 TP Cà Mau).

Hàng năm, cả nước có đến 70% thí sinh đậu ĐH-CĐ thấy không phù hợp với ngành nghề đã chọn và nhiều sinh viên bỏ ngành ngay năm học đầu tiên, gây lãng phí lớn cho bản thân và xã hội.

Chương trình tư vấn Hướng nghiệp – Tuyển sinh 2009 của Báo SGGP đặt lên hàng đầu mục tiêu hướng nghiệp giúp học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp, nhất là hướng đến học sinh vùng sâu vùng xa còn thiếu thông tin của ĐBSCL. ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng nhưng học sinh ở đây còn rất khó khăn trong tiếp cận thông tin cần thiết. Tiếp nối thành công tại Cần Thơ, An Giang, chương trình tiếp tục hướng về vùng đất Mũi Cà Mau.

Là vùng đất cực Nam xa xôi của Tổ quốc, địa bàn kênh rạch chằng chịt, nhưng Cà Mau, vùng đất lành của ngành lâm – ngư nghiệp, còn được biết đến như đất học của miền Tây Nam bộ khi năm 2006, tỉnh có tỷ lệ đậu ĐH-CĐ dẫn đầu cả nước, năm 2008 tiếp tục về nhì với gần 40% thí sinh đậu vào các trường.

Về Cà Mau, ngoài tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh, chương trình mong muốn được làm điểm tựa của học sinh vùng xa, nâng “chất” trong việc chọn nghề - tìm tri thức phát triển quê hương đất Mũi.

Chương trình được tư vấn bởi các chuyên gia: TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng ĐH Cần Thơ; TS Võ Văn Thắng, Phó hiệu trưởng ĐH An Giang; TS Võ Hoàng Khiêm, Phó hiệu trưởng ĐH Bạc Liêu; ThS Trần Đình Lý, Ban Chủ nhiệm CLB Hướng nghiệp các trường ĐH phía Nam, cùng đại diện các trường CĐ, THCN tại Cà Mau…

T.HÀ – K.GIANG

Cà Mau: Tỷ lệ đậu ĐH cao nhất nước, vì sao?

Địa hình sông nước, học sinh (HS) Cà Mau đi học vô vàn khó khăn, nhiều HS nghỉ bỏ học nửa chừng. Nhưng vì sao một tỉnh bị coi  “vùng trũng giáo dục” lại có tỷ lệ đậu ĐH cao nhất nước (2006), cao nhì nước (2008). TS, NGND Thái Văn Long, Giám đốc Sở GD - ĐT Cà Mau, cho biết:

Năm 2008, theo thống kê của Bộ GD – ĐT, tỷ lệ TS đậu ĐH của Cà Mau đứng thứ hai trên toàn quốc (37,14%), chỉ xếp sau tỉnh Vĩnh Phúc. Tỷ lệ đậu cao trên xuất phát từ những nguyên nhân: Tỉnh tổ chức thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc đã lược bớt HS yếu kém (Cà Mau xếp thứ 37/64 về tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT xếp 61/64). HS Cà Mau nỗ lực đậu ĐH, CĐ vì đó là con đường thoát nghèo.

Bên cạnh đó, giáo viên quan tâm ôn tập cho HS nên kiến thức các em không “lạc hậu”, công tác hướng nghiệp của Sở GD - ĐT sâu sát, giúp các em “lượng sức mình”, chọn nguyện vọng 2, 3 phù hợp. Chẳng hạn, sức học thi chỉ được 15, 16 điểm thì nên chọn trường nào? Nguyên nhân cuối cùng quan trọng không kém cho tỷ lệ đậu ĐH cao ở Cà Mau là đề thi của Bộ GD - ĐT không lắt léo, đánh đố, vừa sức cho HS vùng sâu, vùng xa.

- PV: Như  ông nói, HS của Cà Mau đậu ĐH cao là do biết “lượng sức mình”. Nhưng những ngành nghề các em chọn và theo học có đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương?

- Ông Thái Văn Long: Mừng là HS đăng ký nhiều vào các ngành được coi là “thế mạnh” của tỉnh nhà như nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản hoặc điện khí, hóa chất  cho  cụm công nghiệp khí điện đạm. 

- Thực tế những năm qua, các địa phương rất đau đầu khi nhiều HS không trở về quê nhà, gây thất thoát nguồn nhân lực cho địa phương. Tỉnh có những chính sách nào để thu hút các em trở về?

- Khi đậu ĐH, các em được địa phương khen thưởng, hội khuyến học cấp phát học bổng… Đặc biệt, vừa qua, tỉnh vừa thông qua Nghị quyết số 11 về mức chi hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút nguồn nhân lực của tỉnh Cà Mau. Cụ thể, giáo sư - tiến sĩ về công tác tại Cà Mau sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng; phó giáo sư - tiến sĩ ngoài tỉnh cam kết làm việc tại địa phương 5 năm trở lên sẽ được hỗ trợ một lần 80 triệu đồng, tiến sĩ 70 triệu đồng, thạc sĩ 50 triệu đồng; bác sĩ chuyên khoa cấp II được hỗ trợ 50 triệu đồng, bác sĩ chuyên khoa cấp I được hỗ trợ 40 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Cà Mau cũng hỗ trợ cho SV về công tác tại xã có cam kết công tác ít nhất 5 năm trở lên với mức chi 5 triệu đồng  nếu tốt nghiệp ĐH, 4 triệu đồng (CĐ), 3 triệu đồng (THCN). Đó là những nỗ lực lớn để thu hút “chất xám” về địa phương.

Nhóm PV  

 

Tin cùng chuyên mục