Trọn nghiệp đưa đò

Lớp học của cô Thiền
Trọn nghiệp đưa đò

Mỗi năm, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, xã hội lại có dịp được biết thêm những tấm gương nhà giáo hết lòng vì học trò. Dưới đây là hai tấm gương nhà giáo bình dị, cuộc đời gắn bó với nghiệp đưa đò, gánh chữ…

Cô giáo Thiền và các học trò nhỏ trong lớp học tình thương. Ảnh: LÊ LINH

Cô giáo Thiền và các học trò nhỏ trong lớp học tình thương. Ảnh: LÊ LINH

Lớp học của cô Thiền

“Đứa cháu tôi luôn gọi cô Thiền là bà giáo Thiền, vì bà luôn chăm chút cho các cháu như con cháu của mình. Thiếu dụng cụ học tập hay sách vở bà đều tìm mọi cách để giúp đỡ. Có những lúc cháu không muốn đến lớp, chính bà lại đến vận động: “Con có thương cô không, nếu con thương cô thì con đi học nhé”. Con bé vì quý bà giáo Thiền nên theo đến lớp học chữ…”, anh Nguyễn Văn Tý, chú ruột của em Phan Trang Đài học lớp tình thương của cô giáo Thiền xúc động cho biết.

Năm nay, cô giáo Nguyễn Thị Thiền đã 66 tuổi nhưng hàng ngày, với chiếc túi vải trên vai, cô đi bộ hơn 2km từ nhà đến với lớp học tình thương trong con hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Thuận quận 7 để dạy học. Trong chiếc túi nhỏ của cô lúc nào cũng có những túi kẹo, tấm bánh hoặc vài cuốn tập để “dụ” lũ trẻ đi học.

Thương mấy đứa học trò nghèo nên từ năm vào học lớp đệ thất (tương đương lớp 6 bây giờ) cô Thiền đã đi dạy học ở lớp học tình thương. Sau đó, cô học tiếp lên đại học và dạy ở Trường Trung cấp Ngân hàng. Năm 1996 cô tình nguyện xin chuyển về Trường THCS Hiệp Phước (Nhà Bè) để sớm hôm, đem con chữ đến với những em nhỏ nghèo khó. Đến ngày nghỉ, cô lại đi gom mấy đứa học trò nghèo, trẻ đường phố về nhà dạy chữ.

Do đi dạy ở trường cách xa nhà hàng chục cây số nên cô không có nhiều thời gian dành cho học sinh nghèo trong khu phố, cô Thiền đành xin nghỉ việc. Về nhà, cô làm đủ việc để mưu sinh, từ bán quán cơm đến giữ trẻ. Khó khăn là thế nhưng cô vẫn dành thời gian mở lớp học tình thương tại nhà dạy học cho những đứa trẻ trong xóm lao động.

Thấu hiểu hoàn cảnh của cô, năm 2006, một người dân trong phường đã dành một phòng trong khu nhà trọ của mình để cô Thiền mở lớp. “Lớp học giờ đây đã có bàn ghế, bảng đen nhưng những hôm mưa lớn hay triều cường dâng cao, cả cô và trò đều phải lội bì bõm để vào lớp. Cực vậy nhưng ai cũng vui vì lớp học đã có nơi có chốn”, cô Thiền bộc bạch.

Gánh chữ lên non

Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nên từ khi còn nhỏ, Y Thăch (Dân tộc Bahnar, giáo viên Trường Mầm non Thủy Tiên, phường Thống Nhất, TP Kon Tum) đã mơ ước được làm cô giáo và chăm sóc các em nhỏ. Cho đến hôm nay, đã có 30 năm gánh chữ đến với lũ trẻ ở buôn làng.

Giai đoạn đầu đến với nghề giáo, cô Y Thăch gặp biết bao khó khăn. Cơ sở vật chất thiếu thốn, thay đổi địa điểm học liên tục, đồ dùng phục vụ dạy học hầu như là con số 0 và nản lòng hơn nữa những buổi học… không có học sinh cứ liên tục kéo dài.

“Cho đến giờ tôi vẫn nhớ như in cảm giác ngày đầu tiên đến trường với bao nhiệt huyết, chuẩn bị bài vở chu đáo, kỹ lưỡng cho buổi dạy lại không có trò đến học. Chuyện này không phải một lần mà nhiều lần. Tôi buồn lắm. Không có trò, cô biết dạy ai”, cô giáo nhớ lại.

Dù biết đó là tình hình chung ở các buôn làng chứ không chỉ ở Đăk La nhưng trong trái tim trẻ đầy nhiệt huyết của cô giáo trẻ Y Thăch ngày đó đã dấy lên nỗi trăn trở: “Nếu cứ theo nếp suy nghĩ cũ của bà con, nếu trẻ nhỏ không được học hành, không biết bao giờ, cuộc sống buôn làng mới khấm khá lên được”.

Nghĩ là làm, cô giáo bắt đầu chuỗi ngày một buổi lên lớp, một buổi đến tận nhà phụ huynh, trò chuyện, tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng và vận động bà con đừng địu con lên rẫy mà cho con đến lớp. Mưa dầm thấm lâu, cho đến một ngày, kết quả đã hiện ra trước mắt: lớp học ngày một đông học sinh hơn.

Năm 1981, cô được phân công về dạy lớp học sinh dân tộc thiểu số tại Trường Mẫu giáo Thắng Lợi. “Ngay khi đến nhận lớp mới, việc đầu tiên là tôi đến gặp già làng, trưởng thôn để nắm bắt tình hình học sinh”, cô giáo Y Thăch kể lại. Chưa hết, cứ em nào nghỉ học là tối đến cô lại đạp xe đến tận nhà để động viên phụ huynh cho trẻ đến lớp.

Mặt khác, cô đi vào lòng trẻ với những bài học thật trực quan, dễ hiểu. Không có tiền để mua sắm đồ chơi, cô làm đồ chơi cho các cháu với những nhà rông, đàn tơ rưng, những chiếc xe... được làm từ những nắp chai, mảnh gỗ thải ra của người dân. Nhờ thế mà trẻ thích học hơn, đến lớp đều đặn hơn.

Năm 1993, cô mạnh dạn trao đổi với ban giám hiệu nhà trường tổ chức bán trú cho trẻ dân tộc thiểu số tại thôn Kon Tum Knâm. “Được sự đồng ý của nhà trường, tôi trực tiếp gặp già làng, thôn trưởng, họp phụ huynh, huy động dân góp sức lao động, vận động mọi người hỗ trợ về cơ sở vật chất, đồ dùng phục vụ cho trẻ. Từng cái chén, bát, nồi, chăn, chiếu… đã được vận động cho các cháu”, cô kể lại. Riêng cha mẹ trẻ chỉ đóng góp mỗi ngày 1 lon gạo.

Cô lại tiếp tục vận động nhân dân, các nhà tài trợ tu sửa cơ sở vật chất, xây mới 2 phòng học, bê tông sân trường, mua sắm đồ chơi ngoài trời cho các cháu... Trường Mầm non Kon Tum Knâm được khang trang, sạch đẹp và là mô hình bán trú cho học sinh mầm non ở thôn được ngành giáo dục Kon Tum nhân rộng đã giúp các cháu người dân tộc thiểu số được học chữ…

Lê Linh - Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục