Ý kiến

Thực hành - thí nghiệm trong trường học: Tránh dùng hóa chất độc hại, nguy hiểm

Thực hành – thí nghiệm có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giúp học sinh (HS) khắc sâu kiến thức, đặc biệt chương trình – sách giáo khoa mới đề cao vai trò thực hành – thí nghiệm. Tuy nhiên, thực tế thực hành – thí nghiệm chưa đáp ứng yêu cầu mong đợi của học sinh và giáo viên.

Khi viết về các bài thực hành trong chương trình phổ thông, người viết cần phải có cái tâm đối với HS, đối với giáo viên và đối với nhân viên phòng thí nghiệm. Người viết nên tránh dùng những hóa chất có tính độc hại nhiều như  Clo, Br2, I2…, có thể làm hại sức khỏe hoặc có thể gây tử vong nếu hít nhiều.

Đồng thời cũng tránh làm các thí nghiệm phải sử dụng các dụng cụ phiền phức, khó  lắp ráp, hao tốn hóa chất, nguồn nguyên liệu khó kiếm; tránh làm các thí nghiệm điều chế các chất độc hại, nguy hiểm  như điều chế Cl2, khí HCl…

Tác giả cần chú ý về lượng các chất cần lấy cho hợp lý: không thể lấy một lượng nhỏ 0,1 gam một chất rồi cho làm một lúc 3 - 4 thí nghiệm với chất đó. Tránh mô tả sai các hiện tượng thí nghiệm xảy ra. Thí dụ: Sách GV Hóa 11 nâng cao, trang 95 mô tả sai phản ứng: Ca (H2PO4)2 + dd AgNO3  là không có hiện tượng xảy ra. Thực tế là có kết tủa vàng hiện ra. Người viết nên làm thí nghiệm trước, tránh suy đoán chủ quan.

Người viết nên cho học sinh làm các thí nghiệm đơn giản, dễ làm, ít độc, dụng cụ dễ kiếm. Nếu làm thành công học sinh sẽ tăng thêm niềm tin vào sách giáo khoa, từ đó với những thí nghiệm khó làm hoặc độc hại, tuy không làm thí nghiệm nhưng học sinh sẽ tin tưởng các hiện tượng sẽ xảy ra đúng như sách giáo khoa đã mô tả.

Xin xem lại kỹ bảng tính tan trong nước của một số chất. Trong bảng này có nhiều sai sót. Thí dụ MgSO3 trong sách ghi là không tan, trong thực tế khi cho dung dịch MgCl2 + Na2SO3 thì không thấy có hiện tượng gì xảy ra, đó là do MgSO3 là chất không tồn tại trong nước.

Để tránh gây độc hại cho học sinh, là những người chỉ mới thực tập tiếp xúc với hóa cụ thủy tinh và hóa chất nên chưa có nhiều kinh nghiệm, xin đề nghị hủy bỏ hết các thí nghiệm nào có liên quan đến Cl2 và Br2.

Lê Văn Hồng (THPT chuyên Lê Hồng Phong)

Tin cùng chuyên mục