Hầu hết các trường ĐH chưa đủ giáo trình

Còn 11 trường thuê mặt bằng sau 12 năm thành lập
Hầu hết các trường ĐH chưa đủ giáo trình

Một trong những nội dung của kỳ họp Quốc hội (QH) lần này là QH sẽ xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường đại học (ĐH), việc đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học (GDĐH). Trước khi QH khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã ký báo cáo của Chính phủ, gửi các ĐBQH giải trình về những vấn đề liên quan đến GDĐH.

Sinh viên lớp máy tính Khoa Điện - Điện tử ĐH Bách khoa TPHCM trong giờ thực tập lắp mạch. Ảnh: Mai Hải

Sinh viên lớp máy tính Khoa Điện - Điện tử ĐH Bách khoa TPHCM trong giờ thực tập lắp mạch. Ảnh: Mai Hải

Còn 11 trường thuê mặt bằng sau 12 năm thành lập

Theo báo cáo giải trình này, người đứng đầu ngành giáo dục thừa nhận hàng loạt hạn chế, bất cập trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng đào tạo đối với GDĐH. Đơn cử như vẫn còn tình trạng mở ngành đào tạo nhưng không đảm bảo đầy đủ yêu cầu chất lượng.

Đến nay, còn 14 trường (trong đó, có 11 trường thành lập từ năm 1998) vẫn đi thuê mặt bằng. Một số trường còn duy trì tỷ lệ sinh viên (SV)/ giảng viên (GV) quá cao so với quy định...

>> Ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD-ĐH, cho biết, vừa qua Bộ GD-ĐT kiểm tra Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) thì phát hiện chỉ có 6/14 ngành đào tạo mà trường đề xuất đủ điều kiện tối thiểu để đào tạo. Hay tại ĐH Thành Đông (Hải Dương) dù đã có quyết định thành lập của Thủ tướng nhưng trường vẫn chưa có cơ sở mới, chưa bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất và các điều kiện khác vì vậy bộ chưa giao nhiệm vụ mở ngành... Với thực tế này, vừa qua Bộ GD-ĐT đã có quyết định tạm dừng thẩm định mở ngành đào tạo ĐH-CĐ mới.

Phó Thủ tướng nhìn nhận, việc mở ngành đào tạo chưa được kiểm tra thực tế 100%, do đó vẫn có tình trạng mở ngành đào tạo không đảm bảo chất lượng. Sau khi đã mở ngành, tuyển sinh chưa kiểm tra định kỳ, bắt buộc đối với các trường ĐH-CĐ. Chế tài xử lý đối với các trường không thực hiện đúng cam kết về các điều kiện mở ngành và tuyển sinh chưa đủ mạnh.

Tỷ lệ diện tích đất/SV của một số trường còn thấp so với quy định. Cụ thể như: Trường ĐH Hàng hải 1m2/SV; Trường ĐH Kiến trúc TPHCM 0,9m²/SV; Trường CĐ Tài nguyên và Môi trường 1m²/SV; Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng 0,9m²/SV... trong khi quy định bình quân diện tích không dưới 25m2/SV.

Mặc dù Bộ GD-ĐT đã xác định tỷ lệ tối đa SV/GV của các khối ngành đào tạo khác nhau nhưng thực tế một số trường còn có tỷ lệ SV/GV quá cao so với quy định. Cụ thể: Trường ĐH Tôn Đức Thắng là 39,3 SV/GV; Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội 29,8; Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng 37,6; Trường CĐ Công thương TPHCM 47,5...

Đội ngũ GV không theo kịp nhu cầu phát triển kể cả về số lượng và chất lượng. Cơ cấu đội ngũ GV mất cân đối; GV khoa học cơ bản, GV những ngành thiếu hấp dẫn có nguy cơ rời bỏ khỏi nghề do một số khoa buộc phải đóng ngành đào tạo vì không có SV đăng ký học.

Cũng theo báo cáo này, GV cơ hữu của các trường ngoài công lập đa số là GV lớn tuổi thường là cán bộ về hưu. GV dạy quá nhiều nên không có thời gian nghiên cứu khoa học và nâng cao trình độ. Giáo trình tài liệu giảng dạy ở hầu hết các trường chưa đầy đủ, giáo trình của một số ngành còn lạc hậu...

Theo Phó Thủ tướng, 3 nguyên nhân dẫn đến những bất cập, hạn chế: Công tác quản lý GDĐH còn thiếu tính khoa học, tính thực tiễn, năng lực quản lý GDĐH của các trường còn nhiều hạn chế và các điều kiện tài chính và đất đai chưa đủ đảm bảo chất lượng.

Để chấn chỉnh các yếu kém này, Phó Thủ tướng cũng nêu nhiều giải pháp Bộ GD-ĐT sẽ triển khai trong thời gian tới. Trong đó có việc phân công, phân cấp quản lý các trường ĐH, CĐ theo hướng làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước giữa Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành quản lý trường và UBND các tỉnh thành. Tăng cường bộ máy giúp việc cho UBND các tỉnh, TP để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các trường ĐH-CĐ trên địa bàn. Triển khai phân cấp mạnh mẽ cho các cơ sở GDĐH, phát huy tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự kiểm soát bên trong của các trường...

Giải thể trường hơn 10 năm chưa xây dựng cơ sở riêng?

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với GDĐH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ được các đại biểu xem xét, thảo luận tại kỳ họp này.

Báo cáo này có thể sẽ gây “choáng” với nhiều quan tâm đến đào tạo ĐH ở Việt Nam. Tại các trường ngoài công lập, số GV thỉnh giảng gấp 2 lần số GV cơ hữu, cá biệt có trường chỉ có 53 GV cơ hữu, trong khi số GV thỉnh giảng là 375 (ĐHDL Đông Đô). Bên cạnh đó, tình trạng 1 GV có tên trong danh sách thỉnh giảng của rất nhiều trường, nhất là các GS, PGS, TS. Việc “chạy sô” này dẫn tới có GV dạy tới 1.000 tiết 1 năm trong khi quy định là 260 tiết 1 năm...

Số liệu của đoàn giám sát cho thấy những thực tế đáng buồn: trước đây, trong giờ thực hành giải phẫu của Đại học Y – Dược Cần Thơ, mỗi sinh viên được thực hành trên 1 con ếch, 5 sinh viên thực hành trên 1 con chó. Nay do suất đầu tư thấp, 10 sinh viên mới có 1 con ếch và 30 sinh viên mới có 1 con chó để thực hành...

Trong khi đó, quy mô tuyển sinh ĐH-CĐ không ngừng tăng trong những năm qua, trung bình mỗi năm tăng 13%. Tốc độ tăng chỉ tiêu tuyển sinh của một số trường ngoài công lập rất cao.

Điều đáng nói là tất cả sai phạm nói trên, dù đã làm cho tình trạng chất lượng đầu vào của một bộ phận lớn SV và học viên sau ĐH rất yếu, nhưng chưa được xử lý nghiêm túc. Chính vì vậy, đoàn giám sát QH đã đề nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT tăng cường hậu kiểm và có biện pháp xử lý nghiêm khắc, kể cả giải thể hoặc hạ cấp với những trường vi phạm quy định, đặc biệt đối với các trường ngoài công lập đã thành lập hơn 10 năm vẫn chưa xây dựng cơ sở riêng.

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục