Làm sao dạy bơi cho học sinh?

Để nâng cao kiến thức tự phòng tránh tai nạn chết đuối và phổ cập kỹ năng nổi người, bơi lặn và cứu đuối cho giáo viên và học sinh các cấp, Sở GD-ĐT TPHCM đã triển khai chương trình “Phổ cập bơi lội học đường” cho học sinh thành phố. Theo chỉ đạo này, từ năm học 2010-2011 ngành giáo dục thành phố sẽ chính thức đưa tiết bơi lội vào môn học thể dục chính khóa trong nhà trường.

Để nâng cao kiến thức tự phòng tránh tai nạn chết đuối và phổ cập kỹ năng nổi người, bơi lặn và cứu đuối cho giáo viên và học sinh các cấp, Sở GD-ĐT TPHCM đã triển khai chương trình “Phổ cập bơi lội học đường” cho học sinh thành phố. Theo chỉ đạo này, từ năm học 2010-2011 ngành giáo dục thành phố sẽ chính thức đưa tiết bơi lội vào môn học thể dục chính khóa trong nhà trường.

* Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh - Xã hội, trong 3 năm (2005 - 2007), cả nước có 22.000 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, trong đó tỷ lệ tử vong do đuối nước chiếm hơn 50%.  Gần đây nhất, nhiều địa phương trong cả nước cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm dẫn đến tử vong do trẻ không biết bơi.  Ngay ở TPHCM, trong tháng 4 và tháng 5-2010 cũng đã có khoảng 5 trường hợp học sinh bị chết đuối vì không biết bơi.

* Hầu hết cả hệ thống trường tại TPHCM với 800 trường mầm non, trên 500 trường tiểu học, hơn 300 trường THCS và 150 trường THPT đều không có hồ bơi. Các trường tiểu học cũng chỉ có khoảng 5/500 trường có hồ bơi.

Tại hội nghị triển khai chương trình này, hầu hết các trường rất ủng hộ, bởi lẽ đây chính là giải pháp hữu hiệu để hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do đuối nước gây ra đối với học sinh.

Thầy Ngô Hữu Quan, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, phấn khởi: “Trường đã tổ chức dạy bơi cho học sinh 2 năm nay, đến bây giờ thì trường đã có trên 95% học sinh biết bơi. Thực tế, học bơi đã giúp các em có thêm kỹ năng sống, giúp nhiều em xa rời những trò chơi vô bổ như: điện tử, bi da…”.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Tấn Tài, Phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản, cũng cho biết: “Ở trường chúng tôi, học sinh học tập hào hứng từ khi đưa tiết dạy bơi lội vào chương trình học. Sau 3 năm học tại trường mỗi học sinh đã hoàn thiện ít nhất một kiểu bơi”.

Theo chủ trương này, chương trình dạy bơi sẽ thực hiện ở tất cả các bậc học. Đối với trường mầm non thì khuyến khích tổ chức dạy bơi cho học sinh; còn các bậc học khác mỗi năm phải đảm bảo được 12 tiết bơi cho học sinh. Nhu cầu bức thiết, tuy nhiên nhiều trường cũng bày tỏ lo lắng việc chủ trương này không dễ dàng chút nào.

Đại diện một trường tiểu học ở Cần Giờ, cho rằng: “Cần Giờ là địa bàn nhiều sông nước nhưng số HS biết bơi không nhiều. Ngay như Trường Tiểu học Thạnh An nằm trên xã đảo của huyện Cần Giờ, hàng ngày học sinh đi học phải đi đò qua sông, vào tháng 9 - 10, có khi mực nước dâng đến 2m, cầu gỗ thì mục nát, học sinh đi lại rất nguy hiểm, dễ bị trượt té. Dạy bơi cho các em là yêu cầu rất cần thiết, nhưng ở những vùng như chúng tôi điều kiện đâu để các em học bơi?"

Việc dạy bơi là nhu cầu rất thiết thực và sát với yêu cầu thực tế của học sinh và xã hội, song Sở GD-ĐT cần có kế hoạch chi tiết, cụ thể hơn, đặc biệt là tính toán về kinh phí và nhân lực cho các trường.

Theo ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, việc tổ chức dạy bơi cho học sinh là rất cần thiết, vì vậy những trường chưa có hồ bơi thì phối hợp với địa phương để tổ chức dạy bơi cho học sinh. Việc xây dựng hồ bơi trong trường học, cũng như tìm kiếm giáo viên huấn luyện, rất cần có sự hỗ trợ của địa phương.

Trước mắt, Sở GD-ĐT đã ký kết kế hoạch liên tịch với Liên đoàn Thể thao dưới nước để hướng dẫn, hỗ trợ các trường xây dựng kế hoạch hoạt động bơi lội trong nhà trường, cũng như sẽ hỗ trợ một phần kinh phí và nhân lực cho các trường, để đưa tiết học bơi lội vào môn thể dục chính khóa trong nhà trường

LÊ LINH

- Thông tin liên quan:

>> Đưa bơi lội vào chính khóa

Tin cùng chuyên mục