Ký ức mùa thi

Chỉ cần bước chân vào giảng đường...

Năm 1991, thí sinh (TS) có thể đăng ký dự thi nhiều trường khác nhau. Hồi ấy, gần như để có thể có điểm trong kỳ thi, TS khắp nơi phải về TPHCM luyện thi, nhất là các khối khoa học tự nhiên. Tôi không có được cơ hội ấy, nên trước khi lên xe về thành phố, thầy cô ở trường cũng không tin tưởng lắm, nhất là với những đứa học… sàn sàn như tôi.

Hành trang đi thi của tôi lúc ấy chỉ duy nhất một cuốn hướng dẫn ôn thi đại học môn văn của Giáo sư Hoàng Như Mai. Lúc ấy, học sinh ở tỉnh có được quyển này thì có thể xem như là cẩm nang cho kỳ thi. Đề thi hồi ấy cũng… một trời một vực với chương trình phổ thông, nên có được quyển này càng thêm quý. Một yếu tố khác, khá tiêu cực, nhưng cũng giúp tôi tự tin hơn là cứ thi, đậu thì cũng được, mà rớt thì… càng tốt.

Ấn tượng đầu tiên khi về thành phố là đi trên chuyến xe buýt từ xa cảng miền Tây về nhà người quen. Ngang qua Trường ĐH Bách khoa trên đường Lý Thường Kiệt, thằng bạn đi cùng nhìn đăm đắm vào trường rồi làm tôi bồi hồi: “Tao chỉ ước lần này thi đậu, được bước chân vào giảng đường, được là sinh viên thôi thì đã thỏa nguyện”.

Tôi chỉ đăng ký dự thi duy nhất một trường đại học. 3 buổi thi cùng 1 buổi nghe phổ biến quy chế thi cũng đủ cho tôi cảm giác… thỏa mãn. Nói theo cách thằng bạn, cũng là khao khát của lứa bọn tôi lúc ấy, thì tôi đã được ngồi trong trường đại học, được đi lại nơi giảng đường, chỉ thiếu cái mác… sinh viên nữa là đủ!

Với một chiếc xe đạp mượn của người bà con (hồi đó làm gì có… tiếp sức mùa thi đưa đón, hướng dẫn TS tận bến xe như bây giờ), tôi không khó khăn mấy để đi từ nơi ở đến trường thi. Vậy rồi cũng hoàn tất kỳ thi lớn nhất trong đời. Tôi đậu Tổng hợp, thằng bạn đi chung chuyến xe rớt Y dược.

Ngày tôi tốt nghiệp và đi làm, mẹ mới nói: “Lúc con đi thi đại học, mẹ đã khóc vì thương con không ai đưa đón, một mình cặm cụi. Rồi mẹ mong con không đậu đại học, vì nếu đậu thì con lại phải một mình cặm cụi trong nhiều năm nữa”.

Thằng bạn đi thi cùng chuyến xe của tôi giờ đã là bác sĩ chuyên khoa 1, sau 3 năm thi vào Y dược… rớt liên tiếp. Nhớ lại hành trang đi thi “đậu cũng được mà rớt thì… càng tốt” cùng với nỗi lòng của mẹ “mong cho con thi không đậu” mới nhận ra rằng sự hy sinh của mẹ, nỗi khát khao được học đã ẩn chứa trong sâu thẳm một quãng đường dài, giúp chúng tôi đạt được ước mơ, dù có phải 3 lần thi trượt như bạn tôi…

Có thể giờ đây, xét về mặt tâm lý, thi tuyển sinh vào đại học bớt căng thẳng hơn trước. Hai từ “thành phố” cũng không còn xa lạ với TS từ các tỉnh về do sự phát triển kinh tế - xã hội đã xóa bớt khoảng cách không gian; các chương trình tiếp sức mùa thi đã giúp TS bớt khó khăn hơn trong đường đi nước bước. Nhưng để đạt được ước mơ khái quát bằng “chỉ cần được bước chân vào giảng đường” thì sự tiếp sức chỉ là một phần nhỏ.

Minh Tân

Tin cùng chuyên mục