Phát hành bộ truyện tranh lịch sử 220 cuốn dành cho học sinh các cấp

(SGGPO). – Sáng nay, 17-9, tại Hà Nội, NXB Giáo dục, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổng kết “Cuộc thi biên soạn truyện tranh lịch sử theo sách giáo khoa Lịch sử hiện hành”. Cuộc thi được phát động từ năm 2005 nhằm giúp học sinh nắm vững và hiểu biết sâu sắc hơn những tri thức lịch sử, nhân vật lịch sử trong sách giáo khoa lịch sử từ bậc tiểu học, THCS đến THPT thông qua những tác phẩm dự thi bằng truyện hoặc truyện tranh.

(SGGPO). – Sáng nay, 17-9, tại Hà Nội, NXB Giáo dục, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổng kết “Cuộc thi biên soạn truyện tranh lịch sử theo sách giáo khoa Lịch sử hiện hành”. Cuộc thi được phát động từ năm 2005 nhằm giúp học sinh nắm vững và hiểu biết sâu sắc hơn những tri thức lịch sử, nhân vật lịch sử trong sách giáo khoa lịch sử từ bậc tiểu học, THCS đến THPT thông qua những tác phẩm dự thi bằng truyện hoặc truyện tranh.

Ngoài ra, cuộc thi còn góp phần làm phong phú thêm mảng sách tham khảo bộ môn Lịch sử hiện hành. 

Ban tổ chức đã nhận được 1.870 tác phẩm dự thi trong cả nước. Trong đó địa phương tham gia nhiều nhất là Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM. Người dự thi trẻ tuổi nhất là em Lê Ngọc Quỳnh, 11 tuổi, học sinh lớp 6/12, trường THCS Trưng Vương (Đà Nẵng). Người dự thi lớn tuổi nhất là tác giả Hoàng Thái Phiên, 71 tuổi (Quy Nhơn). 

Kết quả, có 43 giải thưởng được trao, trong đó có 2 giải nhất, 4 giải nhì cùng nhiều giải thưởng khác. Theo đánh giá của Ban tổ chức, cuộc thi đã tập hợp được một lực lượng hùng hậu các tác giả, họa sĩ, các giáo viên trên cả nước tham gia, thu hút được sức sáng tạo rộng lớn trong xã hội. Kết quả ban đầu của cuộc thi có ý nghĩa quan trọng để có cái nhìn mới về phương pháp dạy và học lịch sử trong Nhà trường.

Từ 1.870 tác phẩm dự thi, đến nay Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tổ chức viết kịch bản văn học, biên tập, minh họa, thiết kế và xuất bản 220 truyện tranh (27 dành cho tiểu học; 93 dành cho THCS và 100 truyện dành cho THPT). 27 truyện dành cho chương trình tiểu học được xuất bản dưới hình thức truyện tranh song ngữ Việt - Anh kèm theo đĩa, sẽ giúp học sinh một công cụ học lịch sử hứng thú, hấp dẫn.

“Đây mới thực là kết quả cuối cùng của cuộc thi, bởi vì qua đó học sinh được thụ hưởng một nguồn giá trị văn hóa phong phú bằng công sức và trí tuệ của tập thể. Những sản phẩm cuối cùng của cuộc thi - các truyện tranh lịch sử-là nơi gặp gỡ của văn học, lịch sử và mỹ thuật”, Giáo sư sử học Dương Trung Quốc nói.

Không chỉ Giáo sư Dương Trung Quốc mà nhiều nhà sử học, giáo viên dạy Sử đều hy vọng, 220 truyện tranh lịch sử này sẽ giúp học sinh hứng thú học sử hơn - môn học vốn đạt kết quả thấp so với các môn học khác, trong khi vai trò của sử học lại vô cùng to lớn đối với việc hình thành nhân cách của học sinh.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục