Áp lực của giáo viên

Trong vòng một tháng trở lại đây, sự kiện liên quan đến các tình huống ứng xử sư phạm của giáo viên (GV) với học sinh (không đẹp-chưa hợp lý) trong nhà trường liên tục được báo chí đưa tin, dư luận xã hội công kích, khiến họ quỵ ngã, buộc phải từ bỏ giấc mơ và đam mê của mình. Đứng ở góc độ của nhà sư phạm, những hiện tượng ấy là điều khó chấp nhận, không được ủng hộ. Tuy nhiên, nếu đứng ở góc độ gia đình, những áp lực thực tế và đòi hỏi ngày càng lớn từ nhà trường, một vài tình huống, sự kiện thiếu chuyên môn sư phạm ấy ít nhiều cần nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ mọi người.

Nói thế không phải để chúng tôi bênh vực những thầy, cô giáo có vài việc làm sai, có những ứng xử tình huống chưa thật quy phạm trong môi trường sư phạm, mà để lý giải những sự việc, ứng xử ấy ở một góc độ khác, thực tế và hợp lý hơn. Có đi, có lắng nghe tâm sự trực tiếp từ những GV, chúng tôi mới hiểu và cảm thông hơn cho họ nếu lỡ may trong một ngày nào đó vì những căng thẳng, áp lực, kể cả sự ức chế bị dồn nén bộc phát thành những hành động, tình huống sư phạm ngoài ý muốn…

Bởi thực tế, công việc của GV hiện nay không hề nhàn nhã như mọi người vẫn nghĩ. Ngoài áp lực của cuộc sống với đồng lương ít ỏi, yêu cầu công việc quá nặng, những hoạt động và công việc ngoài chuyên môn quá nhiều, sự tôn trọng của học sinh với họ không còn như ngày xưa… thì áp lực và đòi hỏi từ chính xã hội cũng khiến họ mệt mỏi.
 
Cô Tr.L.C., GV một trường THCS ở Gò Vấp, chia sẻ: “Hiện nay chương trình đổi mới nhiều, tuy nói giảm tải nhưng rất nhiều việc dồn vào trường học. Ngoài số lượng tiết đang phải đảm bảo lên lớp mỗi tuần hiện nay, GV chúng tôi còn phải làm đủ thứ việc và tham gia không biết bao nhiêu hoạt động trong trường. Từ việc soạn giáo án, tham gia các phong trào, các cuộc thi, họp hành, đến cả việc thu tiền BHYT của học sinh, GV cũng phải làm (không làm bị trừ điểm thi đua) thật sự khiến chúng tôi không còn thời gian để nghỉ ngơi và dành cho gia đình.

Có những việc dù nhỏ, không phải chuyên môn nhưng vì yêu cầu của hiệu trưởng, thành tích của nhà trường, chúng tôi cũng phải mang về nhà làm với nhiều áp lực và thời gian. Ấy vậy mà chỉ cần một chút sai sót, một chút thiếu sâu sát, chúng tôi ngay lập tức bị kiểm điểm, trừ điểm thi đua một cách hết sức vô lý. Những áp lực vô hình từ những việc ngoài chuyên môn ấy, khiến GV chúng tôi cảm thấy thật sự mệt mỏi và nản với nghề”.
 
Năm học 2011, TPHCM đã có 422 GV, cán bộ ngành mầm non nghỉ việc. Một khảo sát do PGS-TS Vũ Trọng Rỹ (Viện Khoa học giáo dục) điều tra trên 526 GV phổ thông ở 27 trường thuộc 5 tỉnh cho thấy, thời lượng lao động của GV phục vụ cho giáo dục rất nhiều. Cấp tiểu học, số giờ làm việc trong một tuần cao hơn khoảng 1,5 lần so với quy định của Nhà nước (nhà nước quy định 40 giờ/tuần), cấp THCS gấp 1,7 lần, THPT gấp 1,8 lần.

PGS-TS Vũ Trọng Rỹ đã trao đổi với hơn 500 GV ở 3 cấp với câu hỏi: Nếu được chọn lại nghề khác thì ông (bà) có chọn nghề dạy học nữa không? Kết quả, số GV không còn muốn làm nghề giáo ở cấp tiểu học là 40,9%, cấp THCS 59%, và THPT 52,4%. Như vậy, ít nhất một nửa GV hiện nay không muốn theo nghề dạy học nữa.
 
Chỉ ra những điều đó không phải để bài xích hay trách gì ngành giáo dục, mà để mọi người hiểu và cảm thông hơn với những áp lực mà đội ngũ GV chúng ta đang đối mặt. Họ cũng là con người, cũng có những cung bậc cảm xúc khác nhau, lúc vui, lúc buồn… Điều quan trọng là họ đam mê, yêu nghề và chấp nhận dấn thân. Họ vượt qua khó khăn của đồng lương eo hẹp để bám trụ với nghề. Đó là điều đáng quý, đáng trân trọng.

Vài năm trở lại đây Đảng, Chính phủ đã có rất nhiều quyết sách lớn để cải thiện và nâng cao đời sống cho GV. Những quyết sách ấy đã được thực hiện và đi vào cuộc sống. Đời sống GV cũng bớt cơ cực hơn.

Nhưng để GV giảm căng thẳng, mệt mỏi với những việc ngoài chuyên môn, thiết nghĩ lãnh đạo các phòng giáo dục, các trường cũng bớt đặt áp lực lên vai GV, để họ có thể đến trường, lên lớp dạy học theo đúng nghĩa của phong trào chúng ta đang phát động “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”.

ANH TÚ

Tin cùng chuyên mục