Tăng “đề kháng” cho SV bằng cách nào?

Báo động đỏ
Tăng “đề kháng” cho SV bằng cách nào?

Đó là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo khoa học “Giáo dục đạo đức cho SV trong các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ)” do Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) tổ chức ngày 21-12.

Tham gia chiến dịch “mùa hè xanh”, một hoạt động xã hội có ích cho sinh viên. Ảnh: Mai Hải

Tham gia chiến dịch “mùa hè xanh”, một hoạt động xã hội có ích cho sinh viên. Ảnh: Mai Hải

Báo động đỏ

Theo giảng viên Nguyễn Như Bình (ĐH Văn hóa TPHCM), những vụ bạo lực học đường xảy ra thời gian qua như  học sinh (HS), sinh viên (SV) đe dọa, cảnh cáo thầy cô giáo, thậm chí hành hung giảng viên đang trở thành nỗi ám ảnh, lo ngại của toàn xã hội. Cụ thể như vụ Trần Xuân Thanh, SV khóa K28 - Khoa cơ khí - công nghệ Trường ĐH Nông Lâm TPHCM tạt axít và cầm dao truy sát người thầy dạy mình, khiến giảng viên này bị phỏng nặng, gây liên lụy đến nhiều SV khác.

Mới đây nhất, dư luận bàng hoàng trước thông tin SV Vũ Ngọc Cương, lớp kiến trúc 15 (Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ - Hà Nội) bị cướp mất mạng sống chỉ vì một cái “nhìn đểu”. Thủ phạm đâm chết SV có học lực giỏi này là bạn học cùng lớp. Sự việc kinh hãi khiến cả trường hoang mang, lo ngại về an ninh trật tự nơi giảng đường. Từ thực tế SV- những người có trình độ học vấn, được giáo dục đàng hoàng bỗng trở thành thủ phạm gây án, giết người không run tay hay tham gia đánh nhau gây thương tích, vi phạm pháp luật nghiêm trọng… ngày một nhiều hơn, nhiều nhà quản lý giáo dục, giảng viên đã phải thốt lên “không thể tin được”.

Không những thế, những biểu hiện vô cảm hoặc chạy theo lối sống thực dụng, thích thể hiện vật chất, ăn chơi đua đòi, nói năng, ứng xử thiếu chuẩn mực… của một bộ phận SV cũng đáng báo động. Hội thảo cũng được hâm nóng bởi sự công kích hiện tượng thiếu trung thực, mua bán bằng cấp, chạy điểm, sao chép - “đạo văn” trong học tập, nghiên cứu, làm luận văn tốt nghiệp… Soi lại kết quả nghiên cứu của TS Huỳnh Văn Sơn và cộng sự cách đây vài năm cho thấy sự lệch chuẩn về lối sống, đạo đức lẫn suy nghĩ của SV khá rõ.

Cụ thể, 36% SV cho biết làm theo lương tâm sẽ bị thua thiệt, 41% bảo rằng không nhất thiết phải sống cao thượng, 28% có tư tưởng trả thù, báo oán… Là lớp người năng động nhưng chưa kiểm soát bản thân tốt, thường hành động theo cảm tính, điều kiện sống xa nhà… nên họ dễ bị ảnh hưởng bởi trào lưu không phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức của VN, dễ sa ngã, thậm chí vi phạm pháp luật.

Trong xu thế toàn cầu hóa, ảnh hưởng lan tỏa từ thế giới phẳng, những cấu trúc văn hóa bị phá vỡ và giới trẻ - SV dễ hấp thụ trào lưu văn hóa cả tốt lẫn xấu. Thế nhưng, “việc giáo dục đạo đức cho SV hiện nay gần như bỏ trống và các em chỉ học kiến thức, ngoại ngữ, tin học là chính” - Th.S Lê Đăng Lăng (ĐH Luật Kinh tế TPHCM) nhận xét. Vì không được thắp lên ngọn đuốc sống có hoài bão, lý tưởng nên không ít SV sống mờ nhạt, lệch lạc về hành động hoặc buông xuôi, không muốn phấn đấu vươn lên.

Giáo dục đạo đức cho SV: Bỏ trống

Từ thực trạng nêu trên, hầu hết các báo cáo, tham luận tại hội thảo đều nhấn mạnh việc giáo dục đạo đức cho SV hiện nay là việc làm cấp bách. Nhiều giảng viên trăn trở đặt vấn đề là lâu nay giáo dục của chúng ta quá nặng về dạy chữ (kiến thức) mà ít chú trọng dạy đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, nhân cách cho SV. Chính sự “bỏ trống” này đã dẫn đến hệ quả SV không được dạy, rèn luyện để tăng sức để kháng, miễn nhiễm với các loại tệ nạn xã hội, những “luồng gió độc” xâm nhập từ làn sóng toàn cầu hóa. Câu hỏi được xới lên là vì sao các phong trào đoàn, hội, câu lạc bộ… ở các trường ĐH, CĐ chưa thu hút và tạo ra sân chơi hấp dẫn, định hướng lối sống, nhân cách SV?

Từng có kinh nghiệm làm công tác SV, một giảng viên ĐH An Giang nêu bất cập: “Hoạt động của phong trào Đoàn, hội SV tuy tổ chức nhiều, rầm rộ nhưng tác động đến việc hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh cho SV không nhiều”. Ở góc độ SV, Vũ Thị Dịu (ĐH Sư phạm TPHCM) nêu chính kiến: “Nhà trường phải hiểu SV muốn gì, cần gì thì mới giáo dục đạo đức, lối sống cho họ được. Nếu quan tâm đến SV thì nên đưa những hình thức giáo dục đạo đức, lối sống một cách phong phú, đa dạng…”.

Bà Nguyễn Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen TPHCM nhấn mạnh giải pháp rèn luyện tính trung thực cho SV và cần phải tạo ra diện mạo một nền giáo dục sạch bằng việc chấm dứt “đạo văn”. Bà khẳng định rằng nếu không tạo ra chuẩn mực đạo đức cho SV VN thì chúng ta tự đóng cửa và không thể hợp tác hội nhập với nền giáo dục tiên tiến, hội nhập. Nhắc đến vai trò của người thầy - giảng viên đứng lớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Hoàng Văn Cẩn yêu cầu phải trang bị cho SV sư phạm chuẩn mực đạo đức ngay từ khi bước vào môi trường đào tạo sư phạm để họ trở thành người thầy gương mẫu, tấm gương sáng về đạo đức.

“Muốn giáo dục đạo đức cho SV hiệu quả thì giáo viên phải là người vừa có chuyên môn cao, vừa có phẩm chất đạo đức tốt, có điều kiện gần gũi, tạo niềm tin ở SV” - Th.S Lê Bích Thủy bổ sung thêm.

Trong nhiều đề xuất cần quan tâm như đối thoại, khuyến khích SV tham gia các hoạt động ngoại khóa, hướng đến các giá trị văn hóa truyền thống…, các ý kiến cho rằng đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng văn hóa học đường chuẩn mực là yêu cầu cấp bách trong đổi mới công tác giáo dục đạo đức cho SV hiện nay.

Khánh Bình

Tin cùng chuyên mục