Chọn nghề qua đăng ký thi đại học - Vẫn mất cân đối lớn

Thay đổi chưa đáng kể
Chọn nghề qua đăng ký thi đại học - Vẫn mất cân đối lớn

Trong tổng số trên 1,35 triệu hồ sơ thi đại học năm nay, khối A vẫn thu hút đa số thí sinh với trên 640.000 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 47,2% (năm 2011: 53,3%). Cùng với đó, khối A1 trên 74.400 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 5,2%; khối B gần 290.000 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 21,3% (bằng năm 2011); khối C gần 85.000 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 6,2% (tương đương năm 2011 chiếm 6,0%)... Như vậy, so với mọi năm, tình hình chọn ngành của thí sinh về cơ bản vẫn chưa có gì thay đổi.

Thí sinh tự do nộp hồ sơ dự thi ĐH-CĐ năm 2012 tại Sở GD-ĐT TPHCM. Ảnh: Mai Hải

Thí sinh tự do nộp hồ sơ dự thi ĐH-CĐ năm 2012 tại Sở GD-ĐT TPHCM. Ảnh: Mai Hải

Thay đổi chưa đáng kể

Năm nay, hồ sơ đăng ký dự thi cao nhất là nhóm ngành kinh doanh và quản lý, chiếm 30,44%. Con số này so với năm 2011 đã giảm 10,66% và được các chuyên gia giáo dục đánh giá có biểu hiện đáng mừng. Điều đó cho thấy sự lựa chọn của thí sinh đã dần dần có sự dịch chuyển dần sang các nhóm khác, giảm dần độ nóng của nhóm ngành kinh doanh và quản lý so với các năm gần đây. Việc kéo tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) vào nhóm ngành kinh doanh và quản lý xuống 30% cũng là tín hiệu cho thấy cảnh báo mạnh mẽ của bộ về những ngành khó kiếm việc trong tương lai đã có những tác động nhất định đối với lựa chọn của thí sinh.

Ngoài điều đáng mừng này, trong năm 2012, đăng ký dự thi của nhóm ngành nông, lâm, thủy sản đạt tới 2,93% (tăng 0,4% so với năm 2011). Theo thống kê sơ bộ, khối ngành nông, lâm, thủy sản có tỷ lệ chọi khá cao. Đơn cử như Trường Đại học (ĐH) Nông nghiệp Hà Nội nhận được 50.000 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu 5.000 sinh viên, tỷ lệ chọi của trường này đã tăng lên mức 1/10. Tương tự, Trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội nhận 11.000 hồ sơ, nhưng chỉ tiêu 1.600 sinh viên, tỷ lệ chọi 1/6,8.

Ngoài ra, tỷ lệ dự thi vào ngành sư phạm năm nay khả quan hơn so với năm trước. Nhiều trường đại học sư phạm có số hồ sơ ĐKDT cao hơn so với các năm, điển hình nhất Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, số lượng hồ sơ tăng đột biến lên đến 10.000 bộ (năm trước số lượng hồ sơ chỉ có 7.500), trong khi đó chỉ tiêu vào trường 2.500.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay cũng tăng gần 1.000 hồ sơ so với năm trước. Tuy nhiên, điều đáng tiếc, bên cạnh điểm sáng về số hồ sơ nộp vào sư phạm có xu hướng tăng, nhiều ngành sư phạm tại ĐH Đà Nẵng, ĐH An Giang, ĐH Sư phạm TPHCM vẫn trong tình trạng ít hồ sơ, thậm chí một số ngành còn có số hồ sơ đăng ký thấp hơn cả chỉ tiêu được tuyển (nhất là ngành sư phạm tiếng Trung).

Ngoài số ít các điểm sáng trên đây, còn lại tất cả các nhóm ngành khác đều có tỷ lệ đăng ký tương đương năm 2011. Đơn cử như các ngành khoa học nhân văn chiếm tỷ lệ 4,43%; các ngành nghệ thuật, báo chí, toán và thống kê, khách sạn, thể dục, thể thao chỉ có lượng hồ sơ đăng ký dưới 1%...

Một điều có thể nhận thấy rõ, các ngành có tỷ lệ đăng ký thấp chủ yếu rơi vào khối C, vốn là khối thi không được thí sinh mặn mà. Đây cũng là nhóm các ngành nằm trong nguy cơ khó xin việc khi tốt nghiệp, chế độ thu nhập lại thiếu hấp dẫn.

Chưa trường nào trình phương án tuyển sinh riêng

Việc thí sinh đổ dồn dự thi vào các nhóm ngành kinh tế đã diễn ra nhiều năm gần đây, đe dọa sự mất cân đối trong cơ cấu đào tạo cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội. Chính phủ cũng đã nhiều lần yêu cầu ngành giáo dục phải giải được bài toán mất cân đối trong đào tạo. Tuy nhiên, để lấy lại cân đối trong đào tạo ngành nghề không phải chuyện một sớm một chiều.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh, điều chỉnh cơ cấu đào tạo phải làm từng bước, hiệu quả từng bước chứ không thể có sự thay đổi ngay tức thì. Thay đổi trong việc lựa chọn ngành nghề phụ thuộc nhiều vào nhận thức của xã hội và thực tiễn phát triển.

Tuy nhiên, trong khi từng bước khắc phục tình trạng này, trước tỷ lệ hồ sơ dự thi vào ngành khoa học xã hội và nhân văn quá thấp, Bộ GD-ĐT đang có chủ trương thực hiện nhiều biện pháp để thu hút người học.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết bộ đang tiếp tục tìm kiếm phương án tuyển sinh ĐH-CĐ khả thi nhất. Theo đó, ngoài các trường ĐH vùng, ĐH trọng điểm, hiện bộ đã giao các trường có đào tạo các ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn của 2 ĐH Quốc gia (Hà Nội và TPHCM) nghiên cứu phương án tuyển sinh riêng nhằm thu hút thí sinh thi vào nhóm ngành này. Tuy vậy, cho đến nay, vẫn chưa có trường nào trình bộ phương án tuyển sinh riêng của mình.

Trong khi Bộ GD-ĐT cũng như các trường đang nỗ lực để tìm phương án tuyển sinh phù hợp, một vấn đề ngành giáo dục cũng cần chú ý, đối với thí sinh, việc đăng ký dự thi không chỉ nhắm đến nhóm ngành mà còn khối thi. Sở dĩ ở nhóm ngành kinh tế, kỹ thuật, công nghệ... thu hút đông đảo thí sinh vì có rất nhiều khối thi (A, A1, B, D...), trong khi nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn chủ yếu khối C, D. Trong khi đó, có một thực tế hiện nay, ở các trường trung học, tỷ lệ học sinh thích học Văn-Sử-Địa rất hiếm (thực tế, trên phạm vi cả nước, tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi khối C chỉ chiếm 6%).

Nên chăng Bộ GD-ĐT đã bổ sung thêm khối thi A1 cũng cần nghiên cứu bổ sung thêm các khối thi phù hợp cho nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn nhằm từng bước khắc phục tình trạng mất cân đối hiện nay.

Thành Vinh

Tin cùng chuyên mục