Cần tổ chức độc lập kiểm định chất lượng giáo dục

Phân tầng để đầu tư tốt hơn
Cần tổ chức độc lập kiểm định chất lượng giáo dục

Sáng 25-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Giáo dục đại học (ĐH). So với kỳ trước, nhiều ĐB bày tỏ sự hài lòng đối với dự thảo Luật Giáo dục ĐH lần này vì có nhiều tiếp thu, chỉnh sửa. Tuy nhiên, các ĐB vẫn cho rằng cần làm rõ hơn nữa vấn đề tự chủ ĐH, kiểm định chất lượng giáo dục, phân tầng ĐH...

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu tại hội trường. Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu tại hội trường. Ảnh: Minh Điền

Phân tầng để đầu tư tốt hơn

Theo ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai), Luật Giáo dục ĐH đã chín muồi, nên ủng hộ thông qua. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm, ngay tại thời điểm này, dư luận vẫn băn khoăn một số điểm về dự thảo luật và cho rằng: “Có ý kiến nói có thể lùi lại việc thông qua luật vì nhiều vấn đề chưa được như mong muốn? Tôi cho rằng không nên lùi, những vấn đề chưa hoàn thiện sẽ tiếp tục hoàn thiện”.

“Về mô hình ĐH Quốc gia, có ý kiến nói mô hình này phải chăng là điển hình của cơ chế xin cho? Với tư cách của người làm sử, tôi nghĩ ĐH Quốc gia đã có từ nhiều năm, những tồn tại do ĐH Quốc gia phải mặc chiếc áo quá chật. Do đó khi luật này ra đời, ĐH Quốc gia sẽ có áo mới, sẽ phải phát triển tương xứng với vị trí của mình. Cần tạo điều kiện để phát huy ĐH Quốc gia vì đó là điều cần thiết, là danh tiếng của từng quốc gia. Ý kiến muốn gác lại ĐH Quốc gia là không cần thiết, nhưng cần rà soát lại các quy định để xóa bỏ những đặc quyền của ĐH Quốc gia, bảo đảm phát triển bình đẳng của các trường” - ĐB Dương Trung Quốc nói.

ĐB Huỳnh Thành Đạt (TPHCM) khẳng định, Luật Giáo dục ĐH ra đời sẽ có tác dụng tích cực đối với giáo dục ĐH Việt Nam, khi luật đã bao quát khá đủ những vấn đề đổi mới toàn diện giáo dục ĐH. Ông đồng ý phân tầng ĐH nhưng đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành các tiêu chí phân tầng ĐH (thành các ĐH nghiên cứu, ĐH ứng dụng và các trường CĐ huấn luyện nghề nghiệp), đồng thời có các tiêu chí để xếp hạng các trường ĐH. ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng xếp hạng các trường ĐH cần được thực hiện ngay sau khi luật ra đời.

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội trường. Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội trường. Ảnh: Minh Điền

Phân biệt rõ vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận

ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) ủng hộ giao tự chủ cho các trường nhưng phải có lộ trình, vì “tình hình hiện nay chưa đủ khả năng kiểm soát để giao tất cả”, đồng thời phải thu quyền tự chủ nếu các trường vi phạm. Ngành giáo dục vừa qua đã kiên quyết đình chỉ tuyển sinh đối với một số trường, tuy nhiên điều đó cho thấy nếu giao quyền tự chủ mà không hậu kiểm thì tác hại rất lớn.

Nhiều ĐB khác cho rằng, số lượng trường ĐH-CĐ gia tăng nhanh hiện nay đã dẫn đến mâu thuẫn lớn giữa quy mô và chất lượng đào tạo, vì vậy cần tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Cần thành lập hội đồng kiểm định cấp nhà nước về chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng việc kiểm định chất lượng giáo dục phải do tổ chức độc lập thực hiện.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) lại bày tỏ e ngại việc xã hội hóa giáo dục ĐH đang bị thương mại hóa: “Việc chấp nhận chia lợi tức cho các cổ đông không khác gì các công ty cổ phần, dễ khiến các cơ sở giáo dục ĐH thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận khiến chất lượng của giáo dục ĐH ngoài công lập sẽ yếu kém. Vì vậy luật cần phân biệt rõ giáo dục ĐH vì mục đích lợi nhuận hay phi lợi nhuận”. Đây cũng là quan điểm chung của nhiều ĐB.

ĐB Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cho rằng, phải xã hội hóa hơn nữa giáo dục ĐH nhưng cần bảo đảm bình đẳng giữa các loại hình giáo dục ĐH, khuyến khích được đầu tư của các doanh nghiệp. Kinh phí nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư cho ĐH trọng điểm, sinh viên nghèo, giáo dục ở các vùng khó khăn.

* Giải thích thêm về các ý kiến của ĐB, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, về phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH, hiện đã triển khai ở mức độ nhất định. Đã thành lập 2 ĐH Quốc gia, ĐH 2 cấp đa ngành, đa lĩnh vực là Huế, Thái Nguyên; 18 trường ĐH trọng điểm đào tạo chất lượng cao để đáp ứng nhân lực các ngành mũi nhọn; 2 ĐH xuất sắc.

Ngoài ra, ở những vùng đặc thù như Tây Nguyên, Tây Bắc đã xây dựng các trường ĐH đa ngành để phục vụ nhu cầu phát triển. Riêng về xếp hạng ĐH, ở các nước do tổ chức kiểm định, hiệp hội, báo chí... thực hiện và công bố, coi đó là dấu hiệu về uy tín của các trường; còn ở Việt Nam đây là vấn đề mới. Bộ trưởng đề nghị luật không nên quy định cụ thể về các vấn đề chuyên môn đối với 2 vấn đề phân tầng, xếp hạng, chỉ nên quy định chung để dễ điều chỉnh khi thực hiện.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết Chính phủ đã tổng kết 10 năm mô hình ĐH Quốc gia, thực tế cho thấy đã bộc lộ nhiều bất cập. Hiện Bộ GD-ĐT đang xây dựng nghị định mới về mô hình ĐH Quốc gia, tinh thần chung là phát huy tự chủ của ĐH Quốc gia.


* Chiều 25-5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Về trách nhiệm của công đoàn trong việc “tổ chức và lãnh đạo đình công”, nhiều đại biểu tán thành với quy định chung về trách nhiệm của công đoàn trong việc này. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, trình tự, thủ tục tổ chức và lãnh đạo đình công của công đoàn để bảo đảm công đoàn có thể tổ chức và lãnh đạo đình công đúng pháp luật.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, với chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, trách nhiệm của công đoàn khi có mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động trước hết phải hòa giải, thương lượng, vận động, thuyết phục nhằm đạt được thỏa thuận, hạn chế xảy ra đình công gây thiệt hại cho cả hai bên. Trường hợp không thỏa thuận được thì công đoàn có trách nhiệm tổ chức và lãnh đạo người lao động thực hiện quyền đình công theo đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, Luật Công đoàn cần quy định về trách nhiệm của công đoàn trong việc tổ chức và lãnh đạo đình công.

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục