Khéo lo xa...

Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH vừa phối hợp tổ chức hội nghị hướng dẫn Nghị định số 73/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.

Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH vừa phối hợp tổ chức hội nghị hướng dẫn Nghị định số 73/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.

Theo đó, học sinh Việt Nam chưa đủ 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình nước ngoài, còn các cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục theo chương trình nước ngoài và cấp bằng nước ngoài được phép nhận học sinh VN nhưng không quá 10% đối với trường tiểu học, THCS và 20% đối với THPT. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng quy định này không chỉ bất hợp lý mà còn tạo cơ chế “xin - cho”. Bởi lẽ 10% và 20% này dựa trên tiêu chuẩn nào và nếu nhu cầu lớn hơn thì phụ huynh phải “chạy” chỗ học hay sao?

Phải thừa nhận những năm gần đây, khi có nhiều trường quốc tế mở ra, một bộ phận phụ huynh có điều kiện về tài chính đã chọn lựa môi trường giáo dục tiên tiến, hiện đại cho con em mình tại VN, thay vì đưa chúng đi du học quá sớm. Chị Th., có con học mẫu giáo ở Trường Quốc tế FOSCO TPHCM cho rằng, gia đình chị muốn con mình được chăm sóc giáo dục trong môi trường giáo dục thân thiện, cơ sở vật chất khang trang, hiện đại.

Vì muốn con phát triển toàn diện, chị chọn trường quốc tế cho con gái từ 4 tuổi và dự định sẽ cho con học tiếp lên bậc tiểu học. Khi nghe thông tin từ nay các trường quốc tế không được nhận trẻ mầm non dưới 5 tuổi chị rất lo lắng, kể cả quy định cấp tiểu học chỉ được nhận 10% học sinh VN. Trường Quốc tế FOSCO tại TPHCM cung cấp chương trình giáo dục toàn diện bằng tiếng Anh cho các em từ 18 tháng tuổi đến lớp 6. Hiện nay, tỷ lệ học sinh VN của trường gấp hơn 2 lần con em người nước ngoài.

Tương tự, nhiều trường quốc tế ở TPHCM đã khẳng định thương hiệu và được phụ huynh tin tưởng gởi con em theo học. Hơn nữa, phần đông học sinh VN học trường quốc tế đều hướng đến mục tiêu đi du học. Sự lựa chọn của họ là chính đáng và nhiều người khẳng định rằng con họ có bị “Tây hóa” hay không thì họ là người biết rõ nhất. Tuy học trường quốc tế nhưng nhiều phụ huynh vẫn dạy thêm con mình kiến thức về văn hóa, lịch sử, văn học. Chính vì thế, sự lo xa của bộ đang mâu thuẫn với chủ trương xã hội hóa giáo dục, kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục để hội nhập nhanh, bắt nhịp với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Vì chưa hài lòng với chất lượng giáo dục của VN, vì muốn con em mình trở thành công dân toàn cầu nên nhiều phụ huynh chấp nhận bỏ số tiền lớn đầu tư cho con em mình. Lẽ nào lại hạn chế quyền được chọn chỗ học của họ? Vấn đề đặt ra ở đây là Bộ GD-ĐT đã quản lý, thẩm định chất lượng đào tạo của các trường quốc tế như thế nào để họ tuân thủ các quy định của luật pháp VN và cung ứng dịch vụ giáo dục đúng như cam kết.

Để học sinh VN không bị “mất gốc” hoặc lu mờ kiến thức văn học, lịch sử dân tộc ngay trên mảnh đất quê hương thì ngành giáo dục nên quy định các trường quốc tế bắt buộc dạy thêm các môn văn, sử , địa bằng tiếng Việt. Nếu Bộ GD-ĐT biết nhìn xa trông rộng thì phải cân nhắc khi ban hành các quy định ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh VN ở các trường quốc tế chứ không thể muốn là “siết”.

Khánh Hà

Tin cùng chuyên mục