Khi học sinh đi làm lúa

“Cha ơi, nhớ mang theo cái bảng so màu nhé. Con thấy lá lúa không giống mấy hôm trước đây đâu…”, tiếng của Kim Hồng Thái nói vọng vào nhà giống như một nông dân thứ thiệt. Nói xong, Thái cùng nhóm bạn nhỏ ở ấp Mỹ Chung (xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), tay cầm bộ dụng cụ với thước dây, đồng hồ đo nhiệt độ, sổ ghi chú… kéo nhau chạy thẳng ra cánh đồng gần nhà đang chín vụ.
Khi học sinh đi làm lúa

“Cha ơi, nhớ mang theo cái bảng so màu nhé. Con thấy lá lúa không giống mấy hôm trước đây đâu…”, tiếng của Kim Hồng Thái nói vọng vào nhà giống như một nông dân thứ thiệt. Nói xong, Thái cùng nhóm bạn nhỏ ở ấp Mỹ Chung (xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), tay cầm bộ dụng cụ với thước dây, đồng hồ đo nhiệt độ, sổ ghi chú… kéo nhau chạy thẳng ra cánh đồng gần nhà đang chín vụ.

  • Bắt bệnh nhờ internet

Thái là một trong số 15 học sinh tham gia vào giai đoạn 2 Dự án truyền đạt thông qua thanh thiếu niên - YMC Việt. Mỗi tuần, các học sinh này sẽ phải đi thăm đồng lúa hai lần, thu thập dữ liệu thông qua bộ dụng cụ được cấp sẵn. Nhiệm vụ chính là đo chiều cao của cây lúa, màu lá, mầm bệnh; đo nhiệt độ và độ ẩm của môi trường rồi sử dụng điện thoại để nhắn tin các số liệu lên tổng đài đã định sẵn. Tất cả thông tin có được, những thắc mắc của các em và của cha mẹ về cây lúa sẽ được các em ghi nhận vào cuốn sổ ghi chú (YMC Passport).

Sôi động nhất chính là dịp cuối tuần. Các em tập trung về nhà văn hóa xã để trao đổi và đón đợi các câu trả lời của chuyên gia tại Nhật Bản thông qua máy tính kết nối mạng. Một phần mềm chuyển ngữ giữa tiếng Nhật, Anh và Việt cũng được xây dựng và cài đặt trên máy tính để học sinh và chuyên gia Nhật có thể trao đổi trực tiếp với nhau.

Em Võ Thị Xuân Đào (13 tuổi) hồ hởi cho biết: “Cách đây 2 tháng, ruộng lúa nhà em xảy ra hiện tượng cháy lá hàng loạt. Em đã chụp hình rồi gửi qua cho các chuyên gia chẩn đoán. Khi nhận được câu trả lời là bệnh đạo ôn cũng như cách chữa trị. Em đã đề nghị cha mẹ áp dụng ngay, đồng thời cho các bạn trong xóm biết để trị bệnh. Không ngờ sau đó, lúa khỏi bệnh thật”.

Kim Hồng Thái đang cùng cha đo chiều cao của cây lúa.

Kim Hồng Thái đang cùng cha đo chiều cao của cây lúa.

  • Hiệu quả không ngờ

Mới chỉ tham gia dự án gần 3 tháng, nhưng Võ Tấn Lộc (13 tuổi) được bạn bè trong lớp gọi là “Lộc chuyên gia” bởi nắm kiến thức về lúa khá chắc. Em không chỉ sử dụng máy tính thành thạo, mà còn trả lời vanh vách từng giai đoạn trưởng thành của cây lúa, từng loại bệnh, loại sâu và cách phòng chống.

Ấy vậy mà, theo anh Phan Văn Danh, Cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Trà Ôn, Chủ nhiệm lớp học, những ngày đầu khi dự án đến với học sinh ở đây, tưởng sẽ không thực hiện được. Ngoài trình độ công nghệ thông tin của học sinh còn hạn chế, gia đình các em trước nay chủ yếu canh tác lúa theo tập quán. Thay đổi tư duy trồng trọt của người nông dân ở đây đâu phải dễ.

Thế nhưng, chỉ hơn 3 tháng chương trình đi vào thực tế, ngoài những em tham gia chương trình, những em nhỏ khác trong xã cũng hăng hái theo nhau ra đồng kiểm tra cây lúa nhà mình. Sau khi ra đồng về, các em đối thoại ngay với cha mẹ về những điều mình thấy mình nghĩ. Nhờ thế mà tình cảm gia đình cũng gắn bó, thắt chặt hơn.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long đánh giá, năng suất lúa các hộ gia đình tham gia chương trình đã tăng lên từ 1 - 2 tạ/ha so với năm rồi. Còn nếu so với các hộ không tham gia dự án, năng suất chênh lệch từ 0,3 - 0,5 tạ/ha. Đáng kể hơn, tình trạng dịch bệnh trên ruộng các em tham gia dự án năm 2012 giảm so với năm 2011, nông dân giảm từ 1 - 2 lần phun thuốc trừ sâu bệnh/vụ. Trước nay, Sở NN-PTNT tỉnh đã tổ chức nhiều buổi tập huấn kiến thức mới cho nông dân nhưng cái khó là nông dân có trình độ thấp, lại ngại thay đổi tập quán canh tác. Từ đó, quanh đi quẩn lại cũng chừng đó con người tham gia.

 “Chúng tôi dự định sẽ tiếp nối thành công của dự án bằng một mô hình tương tự. Thông qua học sinh, chúng tôi hy vọng sẽ mang được những kiến thức mới về trồng lúa đến nhiều hộ dân tỉnh Vĩnh Long”, ông Nguyễn Văn Liêm cho biết.

Dự án YMC Việt lần đầu tiên đến Việt Nam vào đầu năm 2011. Khởi nguồn cho dự án là cô Yumiko Mori và các thành viên trong tổ chức Pangaea. Anh Yaz Okano, thành viên tổ chức Pangaea tâm sự, nhà anh cả 3 đời đều làm nông. Nếu như trước đây, cha anh là người duy nhất anh tìm hỏi về cây lúa thì bây giờ, nhờ internet và những kinh nghiệm có được tại Nhật Bản, anh và các chuyên gia khác dễ dàng truyền đạt đến nông dân thông qua các học sinh Việt Nam.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục