Từ cách làm của Trường THPT Cao Thắng (TP Huế): Đánh giá giáo viên thế nào cho hợp lý?

Ngày 7-5 Báo SGGP đưa tin trong đợt thi học kỳ 2 của học sinh khối 12 Trường THPT Cao Thắng (TP Huế) vào tháng 4 vừa qua, cô Hoàng Thị Mai - Hiệu trưởng nhà trường đã đột xuất yêu cầu các giáo viên môn Toán, Anh Văn, Địa, Sinh cùng làm đề thi của các em để đánh giá chất lượng.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là phương pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên rất đáng được nhân rộng, thậm chí cả ở trường tiểu học bởi việc này giúp phát hiện một số giáo viên kém năng lực, không học hỏi rèn luyện. Trong nhiều cách đánh giá chất lượng giáo viên đó là cách rất ít tốn kém, rất nhanh, lại tương đối chính xác nền tảng kiến thức giáo viên, vì vậy rất đáng khuyến khích. Về phía nhà trường, nếu năm nào cũng làm vậy và có thông báo trước cho giáo viên thì chắc chắn, giáo viên sẽ phải cố gắng trau dồi, cập nhật kiến thức hơn, tránh tình trạng trở thành giáo viên rồi sao nhãng việc kiểm tra kiến thức định kỳ. Bởi thực tế hiện nay không chỉ có tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp mà cả giáo viên cũng nhiều người “không ngồi đúng chỗ”.

Tuy nhiên, bên cạnh các ý kiến đồng tình, không ít người cho rằng cách làm đó là tối kiến, mang tính sỉ nhục giáo viên. Thậm chí có ý kiến cho rằng, cách làm này là lãnh đạo nhà trường nhằm ra oai, gây áp lực cho đồng nghiệp… “Tôi không thích cách làm này, vì có thế dẫn đến nhận thức xấu của phụ huynh về thầy cô. Có rất nhiều cách để đánh giá chất lượng giáo viên, thông qua các cuộc thi giáo viên dạy giỏi của trường, của sở, các tiết dự giờ, các cuộc thanh tra đột xuất và đặc biệt là của chính các em học sinh. Giáo viên dạy thế nào thì cả trường đều biết chứ không cần đến việc cùng làm bài thi với học sinh”, cô Nguyễn Thị Hương, Tổ trưởng bộ môn Văn Trường THPT Quỳnh Lưu 2, Nghệ An phân tích.

Theo PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), cách làm này có lợi ở chỗ có thể đánh giá nhanh trình độ của giáo viên, như thế là rất tốt. Tuy nhiên cần đề phòng việc các giáo viên có cảm giác không được tôn trọng. Vì thế, nếu làm tiếp thì cần thống nhất trong lãnh đạo nhà trường, tạo sự đồng thuận trong giáo viên, thông báo trước để tránh đột ngột. Cách làm này có thể nhân rộng để hạn chế tình trạng hiện nay nhiều giáo viên thiếu ý thức trau dồi trình độ chuyên môn cũng như phương pháp giảng dạy. “Kết quả đánh giá giáo viên như vậy cũng là cách để nhà trường điều chỉnh hợp lý việc giảng dạy của giáo viên” - PGS Văn Như Cương bình luận.

Lâm Nguyên

- Dùng đề thi học sinh đánh giá chất lượng giáo viên

Tin cùng chuyên mục