Trường Đào tạo nghiệp vụ thương mại Nam Việt đào tạo cử nhân “chui”

Chỉ được cấp giấy phép dạy nghề sơ cấp ngắn hạn nhưng Công ty TNHH Đào tạo nghiệp vụ thương mại Nam Việt đã “vượt rào”, tuyển sinh trái phép bậc trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), cao đẳng (CĐ) thực hành và “cả gan” đào tạo liên thông trình độ đại học (ĐH) với nước ngoài.

Chỉ được cấp giấy phép dạy nghề sơ cấp ngắn hạn nhưng Công ty TNHH Đào tạo nghiệp vụ thương mại Nam Việt đã “vượt rào”, tuyển sinh trái phép bậc trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), cao đẳng (CĐ) thực hành và “cả gan” đào tạo liên thông trình độ đại học (ĐH) với nước ngoài.

        Thu học phí 4.900 USD/năm

Sau khi tốt nghiệp Trường CĐ Quốc tế Kent vào năm 2011, nhiều sinh viên được giới thiệu học tiếp chương trình liên thông trình độ ĐH ở Trường Qlearning School (sau này đổi tên thành Trường Đào tạo nghiệp vụ thương mại Nam Việt - gọi tắt Trường Nam Việt). Tin vào những lời quảng bá mật ngọt của trường và đặt niềm tin vào tấm bằng cử nhân quản trị kinh doanh quốc tế do Trường ĐH Thụy Sĩ (Swiss Internatioanal University-SIU) cấp, nhiều sinh viên đã đăng ký học với mức học phí 4.900 USD/năm. Tháng 6-2011, họ nhận được giấy báo nhập học dễ dàng.

Sau gần 1 năm nhập học, 14 sinh viên khoa quản trị kinh doanh hệ đại học quốc tế Thụy Sỹ thuộc Trường Nam Việt cảm thấy chương trình liên kết đào tạo quốc tế này có “vấn đề”. Thứ nhất, dù đã vào học chính thức nhưng sinh viên không hề có giấy báo nhập học, mã số sinh viên do trường SIU cấp. Hơn nữa họ cũng chưa được tiếp xúc với bất kỳ văn bản nào ký kết về liên kết đào tạo quốc tế với SIU như quảng cáo.

Trong suốt quá trình học lấy tín chỉ, học các môn học theo chương trình, sinh viên cũng gặp trở ngại về việc không được cung cấp giáo trình đầy đủ từ phía SIU. Không những thế, sinh viên còn phản ánh rằng điểm số của nhà trường thiếu minh bạch và có nhiều khúc mắc đến khó hiểu. Theo phản ánh của N.T và K.T, dù đã thi xong môn quản trị nguồn nhân lực gần 1 năm nhưng khi sinh viên hỏi thì những người có trách nhiệm cao nhất của trường lẫn giảng viên đều đùn đẩy, không có hồi âm thỏa đáng. Điều đáng nói, trường quảng bá đào tạo theo chuẩn quốc tế nhưng phần đông sinh viên chưa đạt được chứng chỉ tiếng Anh IELTS 5.5. Viện cớ này nên trường khẳng định chưa thể cấp bằng cử nhân quốc tế, trừ hai trường hợp đã đạt điểm IELTS 5.5 và 6.0…

        Bài học “sính” bằng cử nhân quốc tế

Đến thời điểm này, những sinh viên theo học chương trình liên kết đào tạo quốc tế nói trên đã học xong môn cuối cùng, nhưng hoang mang không biết mình có được cấp bằng cử nhân quản trị kinh doanh của SIU hay không? Vì thế, họ đã làm đơn kiến nghị Thanh tra Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng trên địa bàn TPHCM vào cuộc, thanh tra, kiểm tra Trường Đào tạo nghiệp vụ thương mại Nam Việt số 100A Nguyễn Đình Chính phường 15 quận Phú Nhuận.

Theo giấy phép do Sở KH-ĐT TPHCM cấp, Công ty TNHH Đào tạo nghiệp vụ Nam Việt do ông Vũ Hồng Tiến làm đại diện, đăng ký hoạt động dạy nghề sơ cấp, ngắn hạn. Trao đổi về sai phạm mang tính liều mạng này, ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐTB-XH TPHCM, khẳng định: “Công ty Nam Việt chỉ có chức năng đào tạo nghề, nghiệp vụ sơ cấp đơn giản và không có chức năng đào tạo TCCN chính quy, CĐ và liên kết đào tạo trình độ ĐH như quảng bá”.

Như vậy, sai phạm đã rõ ràng. Đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra hoạt động đào tạo trái phép của Trường Nam Việt và yêu cầu công ty phải hoàn trả học phí cho học viên. Từ bài học “sính” bằng cử nhân quốc tế này và để tránh “tiền mất tật mang”, học viên phải thận trọng, tìm hiểu kỹ tư cách pháp nhân, chức năng đào tạo của các công ty, cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn TPHCM.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục