Gửi trẻ ở cơ sở ngoài công lập: May nhờ rủi chịu!

Phó mặc cho trường
Gửi trẻ ở cơ sở ngoài công lập: May nhờ rủi chịu!

Thời gian qua liên tiếp xảy ra các trường hợp trẻ bị tử vong, bị giáo viên đánh đến bầm mắt hoặc hôn mê sâu do uống thuốc ngủ quá liều tại các cơ sở mầm non tư thục trên cả nước. Điều này đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng buông lỏng quản lý chất lượng ở những cơ sở giáo dục ngoài công lập. Trong khi đó, quy định hiện nay của ngành giáo dục, người có bằng THCS trở lên đã có thể đứng ra mở lớp giữ trẻ khiến xã hội chưa thể an lòng.

Các cháu ở Trường Mầm non dân lập Hoàng Mai trong giờ vui chơi lắp ráp. Ảnh: Mai Hải

Các cháu ở Trường Mầm non dân lập Hoàng Mai trong giờ vui chơi lắp ráp. Ảnh: Mai Hải

Phó mặc cho trường

Mới đây nhất, vào ngày 29-8, bé Trần Nhật Hương, 12 tháng tuổi, tử vong tại Trường Mầm non tư thục Thiên Thần Nhỏ (quận Long Biên, TP Hà Nội). Nguyên nhân cái chết của bé - theo nghi vấn ban đầu do ngạt sữa - hiện vẫn chưa được các cơ quan chức năng thống nhất làm rõ. Trước đó, tại Trường Mầm non Nghi Trường (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) cũng có 2 học sinh mất tích do sự bất cẩn của giáo viên. Sau khi được tìm thấy, một trong hai cháu bé đã chết đuối ở hố ga trước cổng trường. Ngoài ra, dư luận còn phẫn nộ với trường hợp một cháu bé 20 tháng tuổi bị hôn mê sâu ở Trường Mầm non Baby Home (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) do bị cô giáo cho uống thuốc an thần quá liều và vụ một cháu bé 5 tuổi bị giáo viên đánh đến bầm mắt chỉ vì uống sữa chậm hơn các bạn cùng lớp tại Trường Mầm non tư thục Đ.R.M (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh TPHCM). Qua đó cho thấy, chất lượng giữ trẻ tại các cơ sở mầm non ngoài công lập (MNNCL) hiện nay đang là dấu hỏi lớn đối với ngành giáo dục.

Song, khi được hỏi có nắm quy định về chuẩn trình độ đào tạo, quy trình tuyển dụng giáo viên tại các cơ sở MNNCL hay không, đa phần phụ huynh đều lắc đầu e ngại. “Biết là chất lượng trường tư phập phù nhưng do không đủ điều kiện cho con học trường công thì đành chịu. Gặp giáo viên tốt, nhiệt tình, các cháu còn được nhờ. Bằng ngược lại, gia đình cũng không còn cách nào khác”, chị Thủy, phụ huynh có con đang học tại một trường MNNCL trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7 TPHCM) bày tỏ. Đồng cảnh ngộ, anh Hồ Minh Phong, phụ huynh của bé Hồ Minh Long, 24 tháng tuổi, đang học tại nhóm trẻ tư thục L.A (quận Bình Thạnh) cho biết: “Năm học trước, giáo viên bảo mẫu lớp con tôi thay đổi đến 3 lần. Năm nay tôi cũng chưa biết tên giáo viên đứng lớp của cháu. Phụ huynh nghèo như chúng tôi chủ yếu tìm được chỗ gởi con để yên tâm đi làm là chính, chứ chuyện chuyên môn của các cô thế nào, ở lớp các cháu học những gì, thú thật tôi không biết”. Trong khi đó, nếu như ở các bậc học khác, giáo viên chỉ chịu trách nhiệm về việc truyền đạt tri thức thì ở bậc mầm non không chỉ yêu cầu về trình độ chuyên môn mà còn đòi hỏi người dạy phải có đầy đủ các yếu tố nhiệt tình, chu đáo để quán xuyến, chăm lo các vấn đề về vệ sinh, y tế, dinh dưỡng cho học sinh. Ngoài ra, do đặc điểm riêng về tâm sinh lý, học sinh các lớp từ 12 - 24 tháng tuổi cần sự ổn định hơn về mặt phân bổ giáo viên để các cô có đủ thời gian và hiểu biết cá tính của từng em, để từ đó đáp ứng được trong việc chăm sóc.

Tốt nghiệp THCS là đủ?

Theo quy chế tổ chức hoạt động trường mầm non tư thục của Bộ GD-ĐT, giáo viên đứng lớp chỉ cần có sức khỏe tốt, tốt nghiệp THCS trở lên, có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn giáo dục mầm non ít nhất 30 ngày hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý là đủ điều kiện mở lớp. Tuy nhiên, không ít người lo ngại với chuẩn trình độ “thua cả công nhân kỹ thuật”, liệu những giáo viên đứng lớp có đủ kỹ năng và chuyên môn cần thiết để hoàn thành tốt trách nhiệm nuôi dạy trẻ? Chính vì lý do đó, tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2012 - 2013 và triển khai nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2013 - 2014 vừa qua do Bộ GD-ĐT tổ chức, nhiều ý kiến đã đề nghị cơ quan lãnh đạo nâng yêu cầu về chuẩn trình độ, bằng cấp đối với chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục - vốn đã được ban hành từ năm 2008 và đến nay bộc lộ nhiều bất cập. Nói như lãnh đạo một phòng GD-ĐT trên địa bàn Hà Nội: “Không thể để một người học hết lớp 9, bỏ ra vài chục hoặc vài trăm triệu đồng là có thể nắm trong tay sinh mạng hàng trăm đứa trẻ. Khi xảy ra sự cố, mọi truy cứu, xử phạt đều trở thành quá muộn”. Ngoài ra, cũng cần tăng mức xử phạt đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập không có nguồn tuyển giáo viên rõ ràng hoặc tuyển giáo viên chắp vá, không đáp ứng các yêu cầu về chuẩn trình độ đào tạo. Thực tế hiện nay cho thấy mức xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Không ít nơi tuyển dụng giáo viên theo kiểu “ăn đong từng bữa” nhằm tiết kiệm chi phí, dễ dàng thanh lý hợp đồng khi không có đủ học sinh.

Về phía Bộ GD-ĐT, đầu năm học 2013 - 2014, cơ quan này cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo Sở GD-ĐT các tỉnh/thành, quận/huyện phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở giáo dục ngoài công lập, kịp thời phát hiện và kiên quyết đình chỉ các nhóm lớp tư thục không đảm bảo điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, một khi quy định về chuẩn trình độ giáo viên chưa hợp lý thì bài toán chất lượng vẫn chưa thể giải quyết một cách căn cơ.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục