Quẩn quanh

Năm học 2013 - 2014 không có nhiều thay đổi trong việc triển khai dạy và học ở các bậc học. Nhưng có một số quy định mới được áp dụng, hiện đang nhận được rất nhiều quan tâm, đóng góp ý kiến từ phía phụ huynh. Đơn cử trong đó là việc Bộ GD-ĐT khuyến khích không chấm điểm học sinh lớp 1, thay vào đó giáo viên chỉ tiến hành đánh giá, nhận xét năng lực học tập của học sinh. Tuy nhiên, dư luận băn khoăn đặt câu hỏi, hai chữ “khuyến khích” theo quy định của Bộ GD-ĐT đồng nghĩa với việc các trường muốn thực hiện theo cũng được, không thực hiện cũng chẳng sao. Tính yêu cầu bắt buộc trong một văn bản quy định hành chính đã mang màu sắc “nửa vời”, thiếu quyết tâm trong việc triển khai thực hiện. Điều này chẳng những không thể giúp làm giảm áp lực học tập đối với học sinh mà còn tạo nên sự thiếu đồng bộ trong việc kiểm tra, đánh giá. Từ đó dẫn đến bất bình đẳng trong quyền lợi học tập của các em.

Theo lý giải của ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, sở dĩ bộ chỉ khuyến khích mà chưa ban hành văn bản quy định thống nhất do về mặt quy phạm pháp luật sẽ trái với Thông tư 32, trong đó quy định toàn bộ việc đánh giá, cho điểm đối với học sinh tiểu học. Vì vậy, định hướng trong thời gian sắp tới, cơ quan lãnh đạo cao nhất của ngành giáo dục sẽ chỉnh sửa Thông tư 32, tiến tới việc yêu cầu tất cả các trường không chấm điểm học sinh lớp 1 trên tinh thần bắt buộc. Song, đại diện Bộ GD-ĐT không cho biết kế hoạch cụ thể thời gian nào 2 công tác hành chính này sẽ hoàn thành, và việc triển khai không chấm điểm học sinh lớp 1 mới chính thức được thi hành sau nhiều năm hô hào, kêu gọi chưa có kết quả. Bên cạnh đó, trong thời gian chờ đợi quy định mới có hiệu lực, cần có thêm những chính sách chuẩn bị gì cho việc tuyên truyền, hướng dẫn các trường thực hiện? Nếu không, một khi quy định mới được ban ra, các trường sẽ lúng túng trong việc triển khai thực hiện, kết quả đánh giá năng lực học sinh lâm vào tình trạng “mỗi nhà mỗi cảnh”. Khi đó, thiệt thòi lớn nhất vẫn thuộc về học sinh.

Giảm tải cho học sinh tiểu học đang là xu hướng của nhiều nước. Mới đây nhất, Bộ Giáo dục Trung Quốc vừa ban hành kế hoạch giảm tải cho học sinh tiểu học. Theo đó, giáo viên tuyệt đối không giao bài tập về nhà cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6. Thay vào đó, các trường sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa như đến thăm thư viện, viện bảo tàng, cơ sở văn hóa… Sau đó cho học sinh viết bài cảm nhận như một hình thức “bài tập về nhà kiểu mới”. Ngoài ra, học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 sẽ không trải qua bất kỳ cuộc thi cử nào. Số cuộc thi và kiểm tra dành cho học sinh lớp 4 đến lớp 6 cũng được giảm đáng kể. Những quy định mới này đã nhận được hơn 90% ý kiến đồng tình, ủng hộ từ phía phụ huynh.

Trông người lại ngẫm đến ta. Phải chăng giáo dục nước nhà vẫn mãi loay hoay trong bài toán cải cách, đổi mới? Trong đó mỗi chính sách được ban ra luôn thiếu những khâu chuẩn bị rõ ràng. Quy định này vừa ban ra đã vướng phải quy định khác, không ít trường hợp bị thu hồi do gặp phải phản đối dữ dội từ phía dư luận xã hội. Một khi cách làm chưa thể thay đổi thì 4 chữ “cải cách”, “giảm tải” mãi mãi chỉ nằm trên giấy.

THANH THU

Tin cùng chuyên mục