Quản lý các khoản thu hộ: Rối như canh hẹ

Năm học 2014 - 2015 đã qua hơn một tháng nhưng dư luận về các khoản thu hộ, chi hộ vẫn chưa bớt “nóng” trên các diễn đàn mạng. Đáng nói là không chỉ phụ huynh bức xúc mà ngay cả giáo viên cũng hoang mang. Mới đây đã xảy ra hàng loạt trường hợp hiệu trưởng bị kỷ luật, cách chức do chi sai các khoản nhà trường thu hộ, gây bất mãn đối với phụ huynh. Làm sao chấm dứt tình trạng đó?
Quản lý các khoản thu hộ: Rối như canh hẹ

Năm học 2014 - 2015 đã qua hơn một tháng nhưng dư luận về các khoản thu hộ, chi hộ vẫn chưa bớt “nóng” trên các diễn đàn mạng. Đáng nói là không chỉ phụ huynh bức xúc mà ngay cả giáo viên cũng hoang mang. Mới đây đã xảy ra hàng loạt trường hợp hiệu trưởng bị kỷ luật, cách chức do chi sai các khoản nhà trường thu hộ, gây bất mãn đối với phụ huynh. Làm sao chấm dứt tình trạng đó?

Mỗi nơi mỗi kiểu

Mới đây, tại Hội nghị giao ban công tác y tế trường học năm học 2014 - 2015, bác sĩ Nguyễn Tài Dũng, Phó trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên, Sở GD-ĐT TPHCM, đã nhắc nhở các trường chú ý xây dựng dự toán chi đối với khoản tiền được cơ quan bảo hiểm y tế trích lại sau khi thu và nộp tiền bảo hiểm y tế cho học sinh.

Theo đó mỗi năm, căn cứ trên tổng số tiền bảo hiểm thu được của học sinh, cơ quan bảo hiểm sẽ “chia” lại cho nhà trường 4% nhằm mục đích hỗ trợ những người thực hiện công tác thu, chi tại đơn vị. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều đơn vị vẫn lúng túng trong việc quản lý và sử dụng số tiền đó. Có nơi cán bộ y tế được hưởng một phần “lợi tức”, song có nơi tiền này chỉ vào túi của một số cá nhân.

Đơn cử như trường hợp của Trường THPT Lý Tự Trọng (quận Tân Bình) có năm, tiền kết dư do bảo hiểm y tế chia lại lên đến 100 triệu đồng nhưng thiếu kế hoạch chi tiêu hợp lý. Hay trường hợp của Trường THCS Lam Sơn (quận 6), sau khi nhận được đơn khiếu nại của tập thể giáo viên, cơ quan quản lý mới phát hiện số tiền hơn 42 triệu đồng do bảo hiểm y tế gửi lại trường sau hai năm học 2012 - 2013 và 2013 - 2014 không được sử dụng đúng mục đích.

Trước thực tế đó, bác sĩ Nguyễn Tài Dũng kiến nghị: “Đối với khoản tiền do bảo hiểm y tế gửi lại, các trường sau khi chi hỗ trợ cho cán bộ y tế có thể sử dụng vào việc mua sắm trang thiết bị như máy tính phục vụ việc học của học sinh”.

Ngoài giờ học chính khóa, học sinh cần được tạo điều kiện tham gia các hoạt động ngoại khóa nhằm phát triển toàn diện thể chất và tinh thần.

Ở góc độ khác, trong khi nhiều trường bị phụ huynh lên án “quá tay” trong việc đề ra các khoản thu hộ, chi hộ thì Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) lại có cách làm rất hay trong việc thay đổi nhận thức của phụ huynh. Bà Lê Thị Ngọc Điệp, hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước đây phụ huynh thường có suy nghĩ sai lệch về buổi họp đầu năm, đi họp là để đóng tiền, vận động quyên góp.

Để xóa bỏ suy nghĩ này, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động cho phụ huynh cùng tham gia tại lớp với học sinh, tham dự các tiết học bán trú và ngoại khóa để hiểu hơn về điều kiện sinh hoạt của con em tại trường. Qua đó gián tiếp tạo điều kiện cho phụ huynh hiểu hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tiếp sức cùng nhà trường tạo ra môi trường học tập tốt nhất cho học sinh.

Chị Thùy Minh, phụ huynh có con đang học tại đây cho biết: “Đã là phụ huynh, ai cũng dị ứng với bốn chữ “đóng góp tự nguyện”. Nhưng nếu nhà trường thực hiện công khai, minh bạch tất cả khoản thu, phụ huynh biết rõ số tiền mình đóng phục vụ cho những hoạt động gì, con mình được hưởng lợi ích ra sao thì tôi tin chắc ai cũng vui vẻ đóng góp”.

Trăm dâu đổ đầu… hiệu trưởng

Qua đó cho thấy cùng là thu hộ, chi hộ nhưng có trường làm tốt, tạo được sự đồng thuận cao nơi phụ huynh, có trường lại khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ. Giải thích về điều này, hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn quận 3 bày tỏ: “Giá như tất cả các khoản chi cần phụ huynh đóng góp, ngành giáo dục cứ cho phép các trường tính đúng, tính đủ, thực hiện công khai, đồng loạt giữa tất cả các trường sẽ tạo ra tâm lý yên tâm cho xã hội. Đằng này, học phí đang thu hiện nay quá thấp, trong khi các khoản đóng góp khác lại nhiều, nếu không có cơ chế thu, chi hợp lý sẽ tạo ra kẽ hở cho tiêu cực, bất bình đẳng giữa các giáo viên”.

Đồng ý với quan điểm này, cô N.K.T., giáo viên một trường tiểu học ở quận 12 bày tỏ, cơ chế thu, chi hiện nay mới chặt ở phần “cứng” nhưng lại lỏng phần “động”, trong khi đây mới chính là phần quyết định trực tiếp chất lượng dạy học ở trường phổ thông. Bằng chứng là hiện nay, trường nào đẩy mạnh được các hoạt động xã hội hóa trường đó có cơ sở vật chất tốt, chất lượng dạy học luôn ở “tốp” đầu. Trong khi đó, những trường kiên quyết nói “không” với các khoản thu hộ, chi hộ thì hoạt động ngoại khóa cũng nghèo nàn, điều kiện dạy học chỉ ở mức tối thiểu, thiệt thòi lớn nhất vẫn thuộc về học sinh.

Còn nhớ cách đây chưa lâu, tại hội nghị chuẩn bị năm học mới, hiệu trưởng một trường mầm non ở quận 11 từng chia sẻ, nhiều lúc nhìn thấy lớp học thiếu thốn đồ chơi, tường vôi bong tróc cũng thương học trò của mình lắm. Nhưng muốn duy tu, sửa chữa, nhà trường không biết lấy kinh phí ở đâu, kêu gọi phụ huynh đóng góp như thế nào, phụ huynh đóng góp rồi mà nhà trường quản lý không tốt cũng nảy sinh nhiều hệ lụy. Người hiệu trưởng vì thế ngoài nhiệm vụ quản lý chuyên môn còn kiêm luôn vai trò của nhà quản lý kinh tế, trách nhiệm gánh trên vai không hề nhỏ.

Thêm vào đó, mặc dù hiện nay Bộ GD-ĐT đã ban hành quy chế hoạt động dân chủ trong trường học nhưng không phải đơn vị nào cũng chấp hành tốt, có nơi việc chi các khoản thu hộ phụ thuộc quá nhiều vào sự chi phối của một, hai cá nhân. Do đó, để khắc phục tình trạng đó, ngoài việc kêu gọi ý thức, cái tâm của người hiệu trưởng còn cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý để thu hộ, chi hộ đảm bảo được thực hiện trên nguyên tắc dân chủ, công khai, bình đẳng giữa các cá nhân, tạo sự đồng thuận cao nơi phụ huynh và xã hội.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục