Cuộc họp giữa học kỳ

Ngày 26-10, Trường THPT Phú Nhuận, TPHCM đột xuất triệu tập cuộc họp… bất thường với phụ huynh học sinh (PHHS) toàn trường. Ban giám hiệu trường xác nhận, đây là lần đầu tiên nhà trường mời PHHS họp vào giữa học kỳ 1 (HK1). “Chúng tôi buộc phải triệu tập cuộc họp bất thường với PHHS vì qua sơ kết bán kỳ 1, tỷ lệ HS giỏi giảm đột ngột so với năm học rồi và lần đầu tiên xuất hiện HS kém”, cô Đặng Thị Yến, hiệu trưởng nhà trường bộc bạch.

Cô Đặng Thị Yến còn cho biết thêm: Năm học 2014 - 2015, trường tuyển vào lớp 10 gần 800 HS với điểm đầu vào khá cao (37 - 39 điểm), chứng tỏ số HS này ở cấp THCS phải có học lực khá, giỏi nhưng qua kết quả kiểm tra bán kỳ 1 (kiểm tra 15 phút và 1 tiết), tỷ lệ HS giỏi chỉ đạt 12,8% so với cùng kỳ năm học trước tới 24,9%. Riêng khối 12 giảm đột ngột, từ 44,2% chỉ còn 7,43% HS đạt loại giỏi và xuất hiện 52 em học lực yếu kém, trong khi năm rồi không có em nào học yếu như vậy.

Để đưa ra những con số đáng báo động như trên e rằng còn quá sớm vì chưa kết thúc HK1, nhưng đa phần PHHS thông cảm với sự “sốt ruột” của Ban giám hiệu nhà trường, bởi lẽ theo thống kê số lượng HS thi đậu vào đại học (chỉ tính nguyện vọng 1) của Bộ GD-ĐT: năm học 2009 - 2010, Trường THPT Phú Nhuận xếp hạng 138 và tiến dần lên hạng 73/tổng số 2.409 trường THPT trên cả nước và hạng 11/184 trường THPT tại TPHCM trong năm học 2013 - 2014.

Nếu gác qua nỗi lo ngại tuột hạng vì “bệnh thành tích” thì việc nhà trường tổ chức cuộc họp khẩn để đánh động đến phụ huynh thể hiện sự quan tâm hơn nữa đến việc học của con em mình. Hiện nhiều HS, nhất là khối 12, đang phân tán tư tưởng chỉ nhắm vào những môn học chính (Bộ GD-ĐT vừa quy định) để thi đại học, lơ là những môn xã hội; phần biết cha mẹ có điều kiện cho đi du học hoặc vào trường đại học tư… nên xao lãng việc học tại lớp. Nói về nội tại, thầy Trịnh Quang Trinh, hiệu phó chuyên môn của trường cho biết, cũng không loại trừ tâm lý giáo viên của trường đang buồn vì… mất khoản thu từ dạy tăng tiết (thực chất là học thêm, dạy thêm).

Ngày 5-9 vừa qua, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu ký công văn (số 3097) gửi trưởng phòng GD-ĐT các quận, huyện và hiệu trưởng các trường THPT, trong đó quy định “không tổ chức dạy học tăng tiết trái buổi có thu tiền của HS như đã tiến hành trong các năm học vừa qua”. Và Trường THPT Phú Nhuận đã dừng việc này sau khi dạy bù cho HS hết khoản tiền lỡ thu học tăng tiết của HS từ đầu năm học. Theo phản ánh của nhiều PHHS tại buổi họp, việc dạy thêm, học thêm cũng có mặt tốt, nếu xuất phát từ nhu cầu cần hoàn thiện, bổ sung, nâng cao kiến thức của HS, nhưng sẽ là mặt trái nếu trong đó có động cơ vụ lợi của người dạy.

Thực tế không ít giáo viên dạy các môn chính (Văn, Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ…) ở nhiều trường thường “bớt lời” hoặc không tận tình giảng bài ở những tiết học chính khóa để dẫn dụ HS đăng ký học tăng tiết tại trường hoặc nhà riêng. Có giáo viên lên lớp ra bài tập khó rồi chỉ định những HS không học thêm lên bảng giải bài, chờ có vài HS “đứng hình” trên bục giảng mới gọi “gà” của mình lên “biểu diễn”. Có giáo viên trên lớp nhắc nhở HS không được học thuộc lòng, phải phát triển tư duy tự học, nhưng khi gọi HS lên trả bài thì buộc HS không nói sót một từ thầy cô đã giảng.

Với những phương thức này, giáo viên không bị “mang tiếng” ép HS học thêm nhưng HS phải tự hiểu nếu không “ra riêng” với thầy cô sẽ khó lòng theo kịp chương trình trên lớp.

Có thể thấy, nội dung Công văn số 3097 của Sở GD-ĐT TP vừa “đóng”, vừa “mở”. Phần đầu như chúng tôi đã trích như trên nhưng phần cuối công văn nêu rõ: “Các trường chỉ được tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sau khi đã tiến hành đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định và được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động” trên cơ sở HS “tự nguyện” và được “gia đình đồng ý”. Như vậy cũng không có gì là mới mẻ, chẳng qua là cách dùng từ mà thôi, bởi PHHS vẫn khó mà không… tự nguyện cho con em học thêm.

DŨNG LÊ

Tin cùng chuyên mục