Sao cô con nói nhiều thế…

Nghe cô con gái học lớp 5 tỏ vẻ bực mình và nói rằng: “Cô giáo con lắm lời hơn cả mẹ và nói nhiều điều chúng con chẳng thích tí nào” làm tôi giật mình. Không những thế cháu còn chất vấn tôi: “Tại sao trường học của con rất ít thầy giáo. Con thích học thầy hơn mẹ ạ, vì thầy không nói nhiều giống như ba vậy?”.

Biết con so sánh khập khiễng và không có cơ sở nên tôi vội hỏi lại: “Thế cô chủ nhiệm của con nói những gì, kể mẹ nghe coi?”. Thế là cháu tuôn ra đủ thứ chuyện, nào là cô hay kể lể chuyện chồng con thế này thế nọ, rồi than thở cuộc sống khó khăn, đi dạy suốt ngày không làm được việc gì. Có bữa đi dạy gặp chuyện kẹt xe, gặp người đi ẩu suýt va vào người, cô cũng kể lể rồi trút bực mình lên lớp. Cô nói rằng nhiều người đi đường thời nay thiếu văn hóa, không được giáo dục đến nơi đến chốn. Vì thế, học sinh phải nhắc nhở cha mẹ đi đúng đường, không được chạy nhanh, vượt ẩu… Rồi sau khi họp với ban giám hiệu trở về, lớp con không đạt thành tích cao, bị xếp tụt hạng, cô cũng than vãn, chê bai và trách móc học trò không cố gắng, không chịu học hành đàng hoàng. Rồi có bữa bạn H., bạn T… quên vở, không làm bài tập, cô la mắng các bạn cả tiếng đồng hồ làm lớp học mất hứng thú…

Dưới cặp mắt nai tơ, vô tư của con gái tôi thì cô giáo chủ nhiệm rất nhiều lời và cô nói hoài một chuyện, ra rả nhắc nhở học sinh phải thế này, phải thế nọ… và đe dọa sẽ xử phạt nếu ai không làm đúng theo ý cô.

Thì ra ngay cả cô giáo và phụ huynh chúng tôi thường nghĩ các con ở độ tuổi 10-11 là còn nhỏ, chưa hiểu biết nhiều nên hay căn dặn quá nhiều, thậm chí nói dài, nói dai khiến các cháu cảm thấy bội thực, ngán ngẩm. Thế nhưng, các em đâu có quyền góp ý hay được nói điều cần nói để cô kiềm chế bớt cảm xúc, không mang sự bực mình riêng tư lên lớp học. Mỗi ngày đến lớp học từ sáng đến chiều tối, con trẻ sẽ mang về niềm vui gì và lưu giữ hình ảnh thân thiện, gần gũi của thầy cô mình như thế nào?

Nếu cô giáo là tấm gương sáng, cẩn trọng trong từng lời ăn tiếng nói và giúp học trò mở mang kiến thức, khám phá những điều mới lạ, kể cả học làm người, sống có kỹ năng, biết ứng xử đúng chuẩn mực thì các em sẽ cảm thấy đi học là niềm vui, là hạnh phúc và ngược lại.

Tôi thử dò hỏi một số phụ huynh cùng lớp con mình, tôi cũng nghe họ bảo các cháu than rằng cô giáo nói quá nhiều, quá dài. Như thế điều con gái tôi kể là sự thật. Tôi cũng chưa biết cách góp ý như thế nào hiệu quả và con mình không bị cô để ý, trù dập. Nhưng nếu không góp ý để cô chỉnh sửa tác phong, kỹ năng sư phạm khi dạy học trò thì con cái phải chịu áp lực, bị “tra tấn” vì tật nói nhiều, nói dai và nói không trúng ý mà cô đã “trút” lên đầu học sinh.

Nghề giáo là nghề nói nhiều vì phải truyền đạt kiến thức, phải hướng dẫn, dặn dò học sinh, nhất là bậc tiểu học. Thế nhưng, có một số thầy cô mắc bệnh diễn giải dài dòng và không nhận biết học sinh có thích nghe hay không, thẩm thấu được bao nhiêu kiến thức từ giờ giảng của họ. Để thầy cô soi rọi lại bản thân và nhận biết những yếu điểm của mình, nên chăng phát phiếu cho học sinh đánh giá, nhận xét thầy cô về chất lượng dạy học, cách truyền đạt kiến thức, tác phong… khi lên lớp.

Tôi hy vọng nếu ngành giáo dục mạnh dạn áp dụng tinh thần này thì việc đóng góp, nhận xét của học trò sẽ giúp thầy cô hoàn thiện hơn về tác phong, kỹ năng sư phạm, chuyên môn. Có như thế, những lời phàn nàn về chuyện “cô giáo con nhiều lời”, thầy cô nọ giảng bài khó hiểu, nói quá nhanh, hay “sửa lưng”, la mắng học trò… sẽ giảm bớt.

HOÀNG QUYÊN

Tin cùng chuyên mục