Vững quan điểm

Sau một tháng công bố dự thảo đổi mới thi và xét tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT đã nhận được ý kiến đa chiều, trong đó đồng tình cũng nhiều và băn khoăn cũng không ít.

Sau một tháng công bố dự thảo đổi mới thi và xét tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT đã nhận được ý kiến đa chiều, trong đó đồng tình cũng nhiều và băn khoăn cũng không ít.

Xung quanh việc rút số môn thi từ 6 môn còn 4 môn, trong đó có 2 môn tự chọn, nhiều ý kiến cho rằng quyết định này sẽ khiến mục tiêu giáo dục toàn diện bị hạn chế. Điều này chưa thuyết phục bởi lẽ ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, học sinh ở bậc trung học phổ thông chỉ học 6 - 7 môn theo hướng phân hóa sâu theo sở trường, năng lực cá nhân. Còn học sinh của ta phải học dàn đều đến 13 môn học và môn nào cũng được xem là môn quan trọng và để đối phó với thi cử, giáo viên vì thế cũng nhồi nhét kiến thức cho học trò càng nhiều càng tốt.

Vậy nên tinh thần đổi mới thi và xét tốt nghiệp THPT từ năm học 2014 như dự thảo của Bộ GD-ĐT đã thổi luồng gió mới đến học sinh lớp 12 và các em đang nóng lòng chờ đợi quyết định giảm bớt áp lực thi cử. Thực tế cho thấy khi Bộ GD-ĐT bắt tay vào “trận đánh lớn - đổi mới giáo dục” thì sẽ vấp phải nhiều khó khăn - trở ngại, thậm chí phải đối mặt với nhiều luồng dư luận trái chiều. Thế nhưng, dư luận, phụ huynh và học sinh kỳ vọng cũng như tin tưởng Bộ GD-ĐT giữ vững quan điểm cần đột phá thí điểm từ khâu thi tốt nghiệp THPT để đưa ra quyết sách đúng đắn, kịp thời. Bởi lẽ sự chậm trễ công bố môn thi, trong đó những môn nào là môn tự chọn sẽ khiến học sinh và thầy cô dạy bộ môn có tâm lý dao động, thậm chí bất an. Đối với môn ngoại ngữ, nếu còn nhiều ý kiến băn khoăn không nên đưa vào môn tự chọn thì Bộ GD-ĐT nên cho phép các thành phố, đô thị lớn làm thí điểm, rồi rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo.

Khảo sát thực tế cho thấy, tâm lý chung của các trường THPT và học sinh khối lớp 12 đang hồi hộp chờ đợi giờ G - giờ công bố môn thi tốt nghiệp. Do chưa có sự chuẩn bị nên nhiều học sinh tỏ ra lúng túng, chưa xác định rõ mình có năng lực, sở trường với môn tự chọn nào. Trong khi đó nhiều giáo viên cũng có tâm lý “sợ trách nhiệm” nên khuyên học sinh không chọn môn học của mình mà chọn môn khác thi dễ hơn, ít phải nhớ kiến thức nhiều, kiếm điểm cao hơn… Tất cả những tâm lý dao động, bất an này đều không tốt cho kỳ thi tốt nghiệp sắp diễn ra. Vì thế, Bộ GD-ĐT cần phải đưa ra quyết định sớm để thầy và trò yên tâm chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp đã đến giai đoạn nước rút theo tinh thần đổi mới. Theo dự thảo, kết quả tốt nghiệp còn dựa vào 50% điểm kết quả học tập, rèn luyện lớp 12 nên việc rút bớt 2 môn thi không đánh giá “lệch” lực học mà góp phần giảm bớt áp lực cho học sinh. Cái gì thiết thực, có lợi cho học sinh thì làm ngay, đừng nên chậm trễ.

NGUYỄN TRẦN

Tin cùng chuyên mục