Thi cử, tuyển sinh sẽ nhẹ nhàng hơn

Sau khi công bố dự thảo cho phép các trường ĐH-CĐ được tự chủ tuyển sinh theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT (tháng 12-2013) và dự thảo điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT trong những năm trước mắt (tháng 1-2014), đến nay Bộ GD-ĐT đã nhận được nhiều đề xuất, ý tưởng của bạn đọc.
Thi cử, tuyển sinh sẽ nhẹ nhàng hơn

Sau khi công bố dự thảo cho phép các trường ĐH-CĐ được tự chủ tuyển sinh theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT (tháng 12-2013) và dự thảo điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT trong những năm trước mắt (tháng 1-2014), đến nay Bộ GD-ĐT đã nhận được nhiều đề xuất, ý tưởng của bạn đọc.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thông tin thêm một số vấn đề liên quan đến dự thảo điều chỉnh này.

* Phóng viên: Sau một thời gian lấy ý kiến, Bộ GD-ĐT đã nhận được những đóng góp cho 2 dự thảo. Bộ xem xét các đề xuất này như thế nào?

* Thứ trưởng NGUYỄN VINH HIỂN:
Sau khi công bố, bộ đã nhận được nhiều ý kiến của xã hội và của các trường. Ngoài các ý kiến đồng thuận, còn có 3 vấn đề được dư luận nêu ra cần tiếp tục nghiên cứu. Thứ nhất, với kỳ thi ĐH-CĐ “3 chung” năm 2014 nên xem xét việc xác định điểm sàn phù hợp hơn, nghiên cứu các tiêu chí khác thay thế cho điểm sàn mềm dẻo hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào. Thứ hai, theo quy định kỳ thi “3 chung” hiện nay, thí sinh đăng ký nguyện vọng dự thi vào các trường trước khi thi nên tính may rủi rất lớn, nên chăng tổ chức kỳ thi chung trước rồi sau khi có kết quả, thí sinh mới đăng ký xét tuyển vào các trường phù hợp. Thứ ba, nên nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ làm thành một kỳ thi. Khi đó, đề thi sẽ có những câu hỏi mang tính chất cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có những câu hỏi nâng cao để phân loại thí sinh xét tuyển vào ĐH-CĐ. Trước mắt vẫn tổ chức thi chung một vài năm, có thể thi 4 bài: toán (và tư duy logic), khoa học xã hội (văn, sử, địa, giáo dục công dân), khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh, kỹ thuật) và ngoại ngữ (ở các thành phố khuyến khích thí sinh thi tiếng Anh theo TOEFL, IELTS, tiếng Pháp TCF hoặc DELF…). Về lâu dài, hướng tới việc tổ chức kỳ thi kiểu SAT của Hoa Kỳ. Có nghĩa là tất cả các môn học ở cấp học THPT sẽ được đưa vào một bài thi chung với các phần thi là các môn học.

Về những vấn đề này, Bộ GD-ĐT sẽ nghiêm túc xem xét trong quá trình đổi mới giáo dục nói chung, đổi mới kiểm tra, thi, đánh giá chất lượng giáo dục nói riêng.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Hùng Vương, quận 5 trong giờ ôn thi môn Địa. Ảnh: Mai Hải

Học sinh lớp 12 Trường THPT Hùng Vương, quận 5 trong giờ ôn thi môn Địa. Ảnh: Mai Hải

* Thứ trưởng đánh giá thế nào về những gợi ý này?

* Các gợi ý này có một số điểm cũng phù hợp với những nội dung trong dự thảo thi phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ của Bộ GD-ĐT. Bộ đã thành lập 2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ở ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TPHCM. Hai đơn vị này đã có kế hoạch triển khai hình thức thi như trên. Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức thi này cũng cần phải có lộ trình sao cho việc đổi mới hình thức thi phải phù hợp với đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá.

* Vừa qua, trong dự thảo điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT trong những năm trước mắt, bộ dự kiến giảm số môn thi và học sinh được tự chọn môn thi? Nhiều ý kiến vẫn thắc mắc liệu quy định này có dẫn tới hậu quả học sinh không học toàn diện các môn?

* Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH... là yêu cầu của Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Với việc xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp không chỉ sử dụng kết quả thi như hiện nay mà có sử dụng cả kết quả đánh giá trong quá trình học tập (cùng có trọng số 50%) thì muốn có hồ sơ dự tuyển đại học tốt (gồm kết quả học tập tốt và kết quả tốt nghiệp tốt) học sinh không thể “học lệch”. Ngược lại, các em phải nỗ lực học tập tất cả các môn trong quá trình học, nhất là ở lớp 12. Việc sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình cũng có tác dụng giảm thiểu rủi ro đối với học sinh khi kết quả thi tốt nghiệp chỉ phụ thuộc kết quả các môn thi như trước đây. Mặt khác, để góp phần khắc phục tình trạng học lệch, học tủ, đề thi sẽ có điều chỉnh theo hướng: tăng cường câu hỏi mở đối với các môn tự luận nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết, tránh tình trạng học sinh giải quyết vấn đề một cách máy móc theo khuôn mẫu có sẵn, “đoán mò” và “học tủ”.

Giảm số môn thi và học sinh được tự chọn môn thi là một bước đầu tiên thực hiện yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục về dạy tích hợp, phân hóa.

* Nhiều ý kiến vẫn cho rằng nên bắt buộc thi tốt nghiệp đối với môn ngoại ngữ?

* Hiện nay, do điều kiện khó khăn khách quan nên việc dạy - học môn ngoại ngữ ở trường phổ thông rất khác nhau giữa các vùng miền. Do vậy, dự thảo đề xuất phương án đưa môn ngoại ngữ là môn thi khuyến khích. Qua các kênh thông tin khác nhau, Bộ GD-ĐT nhận được đề xuất đưa môn ngoại ngữ là môn thi tự chọn (để nâng cao vị trí của môn học này và khuyến khích việc dạy và học môn ngoại ngữ). Chúng tôi sẽ thảo luận, cân nhắc vấn đề này một cách nghiêm túc và cầu thị.

* Đổi mới thi tốt nghiệp THPT có tác động gì đến đổi mới tuyển sinh vào ĐH-CĐ trong những năm tới?

* Tự chủ tuyển sinh ĐH-CĐ sẽ cho phép các trường sử dụng một cách linh hoạt các hình thức tuyển sinh khác nhau phụ thuộc vào quy mô, đặc điểm các ngành đào tạo. Khi đó, thi tuyển chỉ còn là một trong những phương thức tuyển sinh chứ không còn giữ vị thế độc tôn, duy nhất như trước đây. Các trường ĐH-CĐ có thể sử dụng kết quả học tập của học sinh ở THPT, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm dữ liệu tuyển sinh cho trường. Như vậy, việc học sinh thi 2 môn bắt buộc (toán và ngữ văn) cùng với 2 môn tự chọn sẽ là cơ sở tốt để các trường sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT vào tuyển sinh ĐH-CĐ mà vẫn bảo đảm đánh giá được năng lực, sở trường xu hướng nghề nghiệp của các em phù hợp với yêu cầu ngành nghề đào tạo của trường.

Nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức tốt, kết quả có độ tin cậy cao thì sẽ có ngày càng nhiều trường ĐH-CĐ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Các trường ĐH-CĐ hoàn toàn tự chủ tuyển sinh trên cơ sở sử dụng kết quả của kỳ thi chung - kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập của học sinh và kết hợp với những hình thức bổ sung khác.

Như vậy, việc tuyển sinh ĐH-CĐ sẽ linh hoạt, nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Trong những năm trước mắt, các cơ sở giáo dục ĐH có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT ở mức độ phù hợp, bên cạnh việc sử dụng với các hình thức khác như thi tuyển, phỏng vấn... Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp theo hướng tăng cường độ tin cậy được diễn ra đồng bộ với việc thực hiện tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ. Việc điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT như trong dự thảo đã được công bố cũng chính là những bước đi ban đầu cho định hướng này. Thực tế, trong thời gian qua đã có nhiều trường ĐH-CĐ xây dựng đề án tuyển sinh riêng, trong đó sử dụng một phần kết quả thi tốt nghiệp THPT phối hợp với thi tuyển, phỏng vấn để tuyển sinh.

* Vậy sau năm 2014, sẽ tiếp tục có những thay đổi gì?

* Để đạt được mục tiêu chuyển từ quá trình giáo dục coi trọng trang bị kiến thức cho học sinh sang phát triển phẩm chất và năng lực học sinh phải đổi mới chương trình và sách giáo khoa, cải tiến phương án kiểm tra - thi - đánh giá. Phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ đang xin ý kiến là phương án của giai đoạn quá độ, dùng cho học sinh học theo chương trình - sách giáo khoa cũ (có đổi mới). Sau này sẽ có phương án thi THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ hoàn chỉnh khi thế hệ học sinh học theo chương trình mới tham dự kỳ thi thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ.

LÂM NGUYÊN ghi

Tin cùng chuyên mục