Thiếu tâm thế cho “trận đánh lớn”

“Sốc”, “ngỡ ngàng”... là những từ mà nhiều tờ báo dùng để tường thuật khi Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển trình bày dự thảo nghị quyết đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14-4.

Sốc vì tại đây Bộ GD-ĐT đưa ra con số khi xây dựng đề án, bộ dự trù kinh phí 34.275 tỷ đồng, bao gồm: thực hiện công việc đổi mới chương trình - SGK, đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và gồm cả kinh phí tuyên truyền về đổi mới chương trình và SGK.

Cũng tường thuật về nội dung này, nhiều cơ quan báo chí khác giật tít: Ủy ban Thường vụ Quốc hội chê đề án; Bộ GD-ĐT bị “mắng” té tát vì xin 34.000 tỷ đổi mới SGK; Đề án đổi mới chương trình - SGK bị đánh giá thiếu khả thi... Và đó cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia giáo dục, của công luận trong ngày 15-4.

Với thực trạng giáo dục hiện nay, đã hơn một lần ngành giáo dục quyết tâm đổi mới. Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới, căn bản toàn diện GD-ĐT cơ bản đã vạch ra đường hướng đổi mới nền giáo dục nước nhà trong những năm tới, điều quan trọng giờ đây là ngành giáo dục sẽ triển khai “trận đánh lớn” về đổi mới GD-ĐT như thế nào. Chính vì thế, đề án đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông mà bộ đang hoàn thiện từ lâu đã được dư luận rất quan tâm.

Có không biết bao nhiêu cuộc hội thảo đã được tổ chức, với sự tham gia góp ý kiến của biết bao chuyên gia, nhà quản lý, giáo viên, cả những em học sinh, chỉ với mong muốn giáo dục phổ thông sẽ thực sự được thay đổi, trút bỏ gánh nặng học hành theo kiểu đọc - chép, hàn lâm, cứng nhắc, lỗi thời, để mở ra một tương lai phát triển được năng lực học sinh như Bộ GD-ĐT đã đề ra.

Sau rất nhiều công phu như thế, việc Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo nghị quyết đổi mới chương trình-SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 và bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội “chê” tơi tả cùng với con số trên 34.000 tỷ đồng không tường minh đã khiến dư luận ngỡ ngàng. Nhưng vấn đề không chỉ dừng ở đó. Tại cuộc họp báo quý 1 diễn ra chiều qua 15-4 của Bộ GD-ĐT, chỉ sau 1 ngày phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề án này, sự giải trình của Bộ GD-ĐT đã khiến công luận không thể “nản” hơn.

Ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), Thường trực Ban soạn thảo Đề án Đổi mới chương trình - SGK phổ thông sau 2015 thay mặt Bộ GD-ĐT trả lời chất vấn của báo chí liên quan đến đề án này, thế nhưng theo ông Thống con số trên 34.000 tỷ đồng đó chỉ là một khái toán, vì đề án cần có hình dung về kinh phí để thực hiện.

“Đó chỉ là con số ban đầu, tạm hình dung, còn phải trải qua nhiều công đoạn thẩm tra, thẩm định của Bộ Tài chính, của Quốc hội. Vẫn còn phải hoàn thiện đề án và trải qua thẩm định nữa. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến nhiều chiều để hoàn thiện đề án”- ông Thống cho biết.

Cũng theo ông Thống, việc Bộ GD-ĐT báo cáo Ủy ban Thường vụ hôm 14-4 chỉ lần “bảo vệ thử”, để lắng nghe ý kiến, sau này sẽ “bảo vệ thật” tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5; rằng tên đề án làm cho nhiều người hiểu nhầm: chương trình - SGK chỉ độ 5.000 tỷ đồng, còn lại cho 7 - 8 mục khác mà “tôi không nhớ”…

Một vấn đề mà bộ biết rằng đưa ra sẽ làm xôn xao xã hội mà lại quan niệm chỉ là lần “bảo vệ thử”. Phải chăng Bộ GD-ĐT vẫn đang lúng túng trước nhiệm vụ này?

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục