Bộ GD-ĐT cần công khai kinh phí đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Bộ GD-ĐT cần công khai kinh phí đổi mới chương trình, sách giáo khoa
Ông Đào Trọng Thi

Ông Đào Trọng Thi

(SGGPO).- Xoay quanh đề án đổi mới chương trình- sách giáo khoa (SGK) phổ thông đang gây chú ý dư luận (sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra con số cần trên 34.000 tỷ đồng để thực hiện đề án này tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14-4), PV báo SGGP đã trao đổi với ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội để làm rõ hơn một số vấn đề.

* Phóng viên: Ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, Thường trực Ban soạn thảo đề án đổi mới chương trình-SGK phổ thông khi thay mặt Bộ GD-ĐT trả lời báo chí về vấn đề này đã cho rằng con số trên 34.000 tỷ đồng chỉ là tạm tính. Thưa ông, khi thẩm tra đề án này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có thẩm tra về con số này?

* Ông Đào Trọng Thi: Tôi phải nói rõ thế này, Quốc hội không thông qua đề án đổi mới chương trình-SGK phổ thông, mà chỉ là thông qua Nghị quyết về đổi mới chương trình-SGK phổ thông, làm định hướng để Chính phủ thực hiện đề án này. Để xem xét thông qua Nghị quyết thì Quốc hội phải xem cả đề án của Chính phủ trình. Vì vậy, ngày 14-4 vừa rồi là Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để xem dự thảo Nghị quyết về đổi mới chương trình-SGK phổ thông đã đủ điều kiện đề trình Quốc hội vào phiên họp tháng 5 tới hay chưa.

* Như vậy, con số trên 34.000 tỷ đồng để thực hiện đề án đổi mới chương trình-SGK phổ thông không cần Quốc hội thông qua?

* Như tôi đã nói, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội sẽ chỉ xem xét dự thảo Nghị quyết, vì thế mà cũng không xem xét kinh phí thực hiện đề án (bởi kinh phí này sẽ nằm trong đề án do Chính phủ phê duyệt, Chính phủ trình đề án thì phải bảo đảm kinh phí thực hiện, Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm về kinh phí đó). Nhưng tôi cho rằng, dù là con số bao nhiêu thì tôi bảo đảm không thể vượt ra ngoài con số 20% ngân sách dành cho giáo dục. Mặt khác, chắc chắn Chính phủ không phải rót liền một khoản tiền lớn như vậy đề làm đề án đâu, sẽ phải phân kỳ dầu tư, tính toán rót kinh phí hàng năm.

Tôi muốn nhấn mạnh một điều, trong đề án mà Bộ GD-ĐT soạn thảo gửi kèm dự thảo Nghị quyết về đổi mới chương trình-SGK trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội không hề có con số về kinh phí. Khi có một ý kiến hỏi về kinh phí thực hiện thì Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đưa ra con số đó. Tôi cho rằng, bộ GD-ĐT cũng mới chỉ chú trọng làm nội dung, chưa tính toán cụ thể về tài chính, vì thế khi được hỏi đã vội vàng đưa ra một con số tạm tính là khoảng 34.000 tỷ đồng.

* Ông bình luận gì về việc Bộ GD-ĐT đưa ra con số kinh phí cụ thể đó mà chưa giải trình rõ được số tiền đó sẽ huy động thế nào, làm việc gì, khiến xã hội phản ứng?

* Tôi cho rằng, Bộ GD-ĐT phải trình bày rõ số tiền đó dùng để làm gì, công khai, minh bạch để dân hiểu. Định mức cho cho giáo dục của chúng ta rất thấp, nên chắc không có ai hưởng lợi ở đây đâu, vấn đề là phải minh bạch. Có lẽ do nhiều lần cứ đưa ra các con số dành để đổi mới giáo dục lại bị dư luận phản ứng nên Bộ GD-ĐT đang né tránh vấn đề này. Cần phải công khai, minh bạch. Tôi cho rằng 34.000 tỷ đồng để làm đổi mới chương trình-SGK là bình thường, vì tiền viết chương trình-SGK thì không nhiều nhưng lại nhiều ở khâu đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng chương trình-SGK mới; rồi công tác thí điểm, đánh giá, tổng kết.. chương trình-SGK mới; xây dựng trang thiết bị, cơ sở vật chất...Vì thế, Bộ GD-ĐT cần phải trình bày rõ hơn cho dư luận hiểu về số tiền cần dùng, chi cho việc gì.. Vấn đề tài chính phải rõ ràng, không nên lảng tránh.

* Về đề án đổi mới chương trình-SGK của Bộ GD-ĐT, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội là cơ quan thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình-SGK giáo dục phổ thông, đến nay ông nhận xét gì về chất lượng đề án này mà Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện?

* Dự thảo Nghị quyết cũng như đề án đến nay vẫn đang trong giai đoạn Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chịu trách nhiệm thẩm tra sơ bộ. Ngày 25-4 tới sẽ được Ủy ban thẩm tra chính thức trước khi Chính phủ trình ra Quốc hội vào tháng 5. Trong quá trình thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Ủy ban cũng đã góp ý với Bộ GD-ĐT về nội dung của đề án này. Ban đầu Bộ cũng không đề cập đến vấn đề đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp - vốn là 2 điều kiện quan trọng nhất để bảo đảm thành công của việc đổi mới chương trình-SGK. Vì thế, chúng tôi đã yêu cầu Bộ GD-ĐT song song đó phải lập 2 đề án về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và tăng cường cơ sở vật chất trường lớp học. Vì thế tới đây họ sẽ trình thêm 2 đề án này.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng: “Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp và sẽ tổ chức hoàn thiện Đề án hơn nữa, rà soát các đầu mục để đưa ra con số tài chính hợp lý”

PHAN THẢO

>> Bộ GD-ĐT: Con số trên 34.000 tỷ đồng đổi mới chương trình-SGK phổ thông chỉ là khái toán?

Tin cùng chuyên mục