Cần tổ chức một kỳ thi quốc gia thực sự nghiêm túc

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT nghiên cứu và thực hiện một kỳ thi quốc gia ngay từ năm 2015. Kết quả kỳ thi này dùng để xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ. Việc chỉ còn một kỳ thi quốc gia chung đã được Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT nghiên cứu từ trước. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đinh ninh, từ năm 2017, bộ mới triển khai kỳ thi này. Phóng viên SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Lê Trường Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập, xung quanh vấn đề này.
Cần tổ chức một kỳ thi quốc gia thực sự nghiêm túc

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT nghiên cứu và thực hiện một kỳ thi quốc gia ngay từ năm 2015. Kết quả kỳ thi này dùng để xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ. Việc chỉ còn một kỳ thi quốc gia chung đã được Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT nghiên cứu từ trước. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đinh ninh, từ năm 2017, bộ mới triển khai kỳ thi này. Phóng viên SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Lê Trường Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập, xung quanh vấn đề này.

 
TS Lê Trường Tùng

TS Lê Trường Tùng

- Phóng viên: Thưa ông, dù dư luận rất ủng hộ nhưng nếu năm 2015 thực hiện ngay việc chấm dứt kỳ thi ĐH-CĐ “3 chung”, chỉ còn một kỳ thi quốc gia chung để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ cho các trường tuyển sinh thì lại đột ngột quá. Ông có quan điểm thế nào?

>> TS LÊ TRƯỜNG TÙNG: Tôi lại quan điểm rằng, nếu cần phải đổi mới thi cử thì phải làm cho xong, tức là có thể bắt đầu ngay từ năm 2015, bởi có lùi lại vài năm, đến năm 2017, như mọi người mong muốn thì tôi tin cũng không thay đổi được gì thêm.

Hiện nay có một tâm lý là: không bằng lòng với cái cũ, đòi hỏi phải có cái mới, nhưng để thực hiện cái mới thì lại sợ, đòi hỏi phải có lộ trình. Tức là đang nảy sinh tư tưởng: từ từ rồi đổi mới. Giáo dục chúng ta đã đi sau các nước rất nhiều rồi, nếu cứ “từ từ” nữa thì bao giờ mới theo kịp. Vì vậy, tôi cho rằng trong vấn đề đổi mới giáo dục, nếu là các vấn đề phức tạp, khó thì phải tính toán thận trọng hơn, nhưng với đổi mới thi cử thì tôi cho là có thể thực hiện ngay.

Bởi xét cho cùng đổi mới thi cử chỉ là vấn đề kỹ thuật, cách tổ chức thi, còn nội dung thi thì vẫn nằm trong chương trình - sách giáo khoa. Trong đổi mới thi cử vấn đề kỹ thuật không quan trọng, thậm chí ngay trước khi các em vào phòng thi chúng ta vẫn tiến hành phổ biến quy chế thi cho các em được. Quan trọng là chúng ta bàn đổi mới cách tổ chức thi mà thôi.

- Vậy thì theo ông, tại sao xã hội lại băn khoăn nhiều đến vậy khi tiếp cận vấn đề đổi mới thi cử?

Tôi cho rằng băn khoăn nhất của xã hội về đổi mới thi cử chỉ còn một kỳ thi quốc gia để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ cho các trường tuyển sinh chính là niềm tin của họ vào chất lượng của kỳ thi này. Vì từ trước đến nay tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT các nơi luôn gần 100% không làm cho xã hội tin. Bây giờ bỏ thi ĐH-CĐ chung, chỉ còn một kỳ thi quốc gia thì xã hội sẽ băn khoăn về cách tổ chức kỳ thi này, giao cho ai? Nếu Bộ GD-ĐT ôm đồm để tổ chức thì không đủ nhân lực, vật lực, vì vậy vẫn phải giao cho các địa phương tổ chức, bộ chỉ lo khâu đề thi, quy chế chung, giám sát như hiện nay vẫn làm.

Hiện nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT đang được giao cho các địa phương triển khai, vì vậy vấn đề đặt ra bây giờ là nếu tổ chức một kỳ thi thì phải “cột” trách nhiệm các địa phương thế nào? Nếu địa phương “làm bậy” thì phải xử nặng theo luật, phải làm cho các địa phương hiểu rằng họ cũng phải có trách nhiệm với đất nước trong việc tổ chức kỳ thi chung trung thực, khách quan. Quan điểm của tôi vẫn là phải tin các địa phương, vì họ chính là đối tác cùng Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi chung này. Địa phương sai thì phải sửa, phải chịu kỷ luật. Bí thư, chủ tịch tỉnh phải đứng ra chịu trách nhiệm về kỳ thi chứ không đơn thuần chỉ là Sở GD-ĐT địa phương.

- Một khi xã hội còn băn khoăn như vậy thì đã nên tổ chức một kỳ thi ngay từ năm 2015 chưa, thưa ông?

Băn khoăn là như vậy nhưng nếu chờ đến bao giờ hết băn khoăn mới triển khai thì biết khi nào thực hiện đổi mới? Phải chấp nhận vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Theo tôi, quan trọng nhất là phải “cột” được trách nhiệm của các địa phương đối với kỳ thi này. Chúng ta cứ mạnh dạn giao cho địa phương tổ chức, dĩ nhiên Bộ GD-ĐT vẫn ra đề thi, chỉ đạo chung. Còn về phía các trường, thí sinh tôi tin là họ không có nhiều nghi ngại. Họ sẽ tiếp nhận vấn đề đổi mới thi cử một cách chủ động, vì xét cho cùng, đổi mới thi thì vẫn nằm trong nội dung chương trình - sách giáo khoa mà thôi.

Còn một vấn đề nữa, ngay cả khi chất lượng kỳ thi chung này chưa thực sự như chúng ta mong muốn thì xã hội cũng không nên quá lo lắng vì vẫn còn một “cửa gác” nữa, đó chính là các trường ĐH-CĐ. Các trường sẽ xét tuyển thí sinh đủ năng lực, vì đó là uy tín, là sự tồn tại của các trường. Mặt khác, người học còn phải trải qua quá trình “sàng lọc” của mấy năm đào tạo ĐH-CĐ nữa.

Chính vì vậy, theo tôi, có thể đổi mới thi cử ngay từ năm 2015, trong đó chú trọng trách nhiệm của các địa phương, các trường ĐH-CĐ. Cần bỏ “chủ nghĩa lộ trình”, bởi chờ đợi không mang lại giá trị thặng dư nào. Hãy mạnh dạn đổi mới. Ngay như khi thực hiện đổi mới thi tốt nghiệp, thi ĐH-CĐ từ năm 2014, ban đầu cũng rất nhiều nghi ngại, nhưng sau đó thì mọi việc vẫn ổn.

Bởi vậy, điều tôi quan tâm nhất đối với đổi mới thi cử theo hướng chỉ còn một kỳ thi quốc gia chung là phải tổ chức kỳ thi đó thực sự nghiêm túc. Nếu làm được thì chúng ta sẽ tác động, thay đổi được cách dạy và cách học hiện nay.

- Về các môn thi của kỳ thi, ông có ý kiến gì khi Bộ GD-ĐT dự định đề xuất thi 8 môn trong 4 ngày. Thí sinh bắt buộc phải thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc 2 môn tự chọn. Ngoài ra, thí sinh nào có nguyện vọng thi thêm môn nào nữa thì có thể đăng ký thi thêm để phù hợp với nhu cầu được xét tuyển ĐH-CĐ?

Thi 4 môn như năm nay tôi cho là ít quá, không đủ bao quát hết kiến thức cơ bản mà học sinh học hết phổ thông cần nắm. Cũng vì chúng ta chưa thay đổi chương trình - sách giáo khoa nên trước mắt chưa nên tích hợp các môn thi thành bài thi, vẫn nên thi theo các môn. Nhưng tôi cho rằng nên thi 6 môn, trong đó 2 môn bắt buộc là toán và văn, còn lại tự chọn.

Như vậy, các em tự chọn môn nào thì sẽ học môn đó. 6 môn thi chính thức trong số các môn toán, văn, lý, hóa, sinh, sử, địa, ngoại ngữ là đủ kiến thức cơ bản cho học sinh. Tôi cũng ủng hộ quan điểm học sinh THPT chỉ nên học chính 6 môn và thi 6 môn.

PHAN THẢO thực hiện

Tin cùng chuyên mục