Du học sinh Việt Nam - Trăn trở “ra đi và trở về”

Mỗi năm Việt Nam có hàng ngàn học sinh đi du học ở các nước phát triển, nhưng tỷ lệ quay về nước làm việc không nhiều. Làm thế nào để tận dụng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao này vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và những ngành nghề lĩnh vực đòi hỏi công nghệ, kỹ năng cao của đất nước?
Du học sinh Việt Nam - Trăn trở “ra đi và trở về”

Mỗi năm Việt Nam có hàng ngàn học sinh đi du học ở các nước phát triển, nhưng tỷ lệ quay về nước làm việc không nhiều. Làm thế nào để tận dụng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao này vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và những ngành nghề lĩnh vực đòi hỏi công nghệ, kỹ năng cao của đất nước?

Chọn lựa đầy trăn trở

T.H. - một du học sinh mới tốt nghiệp cử nhân ngành Hóa - Sinh học ở một trường đại học thuộc top giữa của Mỹ quyết định ở lại Mỹ làm việc với mức lương khởi điểm 50.000 USD/năm. T.H. tâm sự, rằng trong thâm tâm em muốn trở về Việt Nam làm việc, nhưng trước mắt phải lựa chọn cơ hội ở lại Mỹ làm việc để lấy kinh nghiệm, có điều kiện nghiên cứu khoa học, thử sức niềm đam mê sáng tạo…

Có lẽ, suy nghĩ và quan niệm của T.H chiếm số đông và sự lựa chọn “trở về hay ở lại” đối với mỗi du học sinh cũng khác nhau. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số du học sinh có nguyện vọng trở về Việt Nam làm việc đang có tín hiệu gia tăng. Ngoài lý do thị trường việc làm thời khủng hoảng kinh tế toàn cầu cạnh tranh gay gắt và khả năng tìm việc làm tại nước du học ngày một thu hẹp thì sức hấp dẫn - tiềm năng của việc làm trong nước - đang hé mở. Không chỉ truyền lửa cho khát vọng đam mê du học, săn tìm học bổng, VietAbroader (tổ chức phi lợi nhuận của du học sinh tại Mỹ thành lập) còn “nhóm lửa” - định hướng cho du học sinh có mong muốn trở về Việt Nam làm việc.

Du học sinh trao đổi thông tin với các nhà tuyển dụng tại hội chợ việc làm.

Du học sinh trao đổi thông tin với các nhà tuyển dụng tại hội chợ việc làm.

Tại buổi tọa đàm “Làm sao để chuẩn bị tốt cho thị trường lao động Việt Nam?” do VietAbroader tổ chức mới đây, nhiều cựu du học sinh thành đạt hiện giữ vai trò lãnh đạo, quản lý cao cấp ở các tập đoàn đa quốc gia, công ty lớn đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của bản thân. Với họ, khi trở về Việt Nam, tuy phải đối mặt với thực tế “được và mất”, nhưng nếu tự tin với chính mình và biết rõ bản thân sẽ làm được gì thì cơ hội vẫn rất nhiều. Chị Đường Thu Hương, Giám đốc đối ngoại và hành chính Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Viet Nam - từng tốt nghiệp hạng tối ưu chuyên ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH North Carolina State, cảm thấy vui và hài lòng với chọn lựa trở về Việt Nam làm việc. Đề cập đến nỗi niềm suy tư, trăn trở của nhiều du học sinh trước lựa chọn “về hay ở lại”, chị Thu Hương đưa ra lời khuyên: “Không phải đợi đến khi đất nước có chính sách ưu đãi, đón tiếp nồng hậu, các bạn mới trở về. Bởi lẽ đơn giản là sự trở về của du học sinh học giỏi, xuất sắc trong các lĩnh vực ngành nghề sẽ góp phần tạo nên sức mạnh Việt Nam…”.

Tương tự, nhiều CEO (giám đốc điều hành), chuyên viên, chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, giáo dục, công nghệ thông tin… ở Việt Nam cũng chia sẻ kinh nghiệm thành công khi trở về đất mẹ. Từ thực tế trải nghiệm, họ đưa ra lời khuyên hữu ích cho du học sinh đang ấp ủ dự định quay về hoặc còn phân vân, do dự với lựa chọn riêng. Còn rất nhiều chia sẻ, bộc bạch của những cựu du học sinh có thành tích học tập xuất sắc và họ dễ dàng tìm kiếm việc làm với thu nhập cao ở nước ngoài nhưng đã chọn “lối cũ ta về”. Đơn giản là họ đã xác định mục tiêu và tương lai của mình ở Việt Nam và khó khăn, thiếu thốn sẽ là thử thách, cơ hội khẳng định bản thân. Đúng như chia sẻ của TS Huỳnh Thế Du, giảng viên cấp cao tại FETP (Fulbright Economics Teaching Program) vừa trở về Việt Nam được 3 tháng: “Về nước có rất nhiều cơ hội để giới trẻ, người tài thử sức và bạn sẽ trở thành người quan trọng”.

Bao giờ có cơ chế đãi ngộ tương xứng?

Theo các chuyên gia, nhà tuyển dụng lao động từ những tập đoàn đa quốc gia, công ty Việt Nam, thị trường lao động Việt Nam có nhiều tiềm năng và nhu cầu tiếp nhận lao động chất lượng cao, có kỹ năng, trình độ chuyên sâu trong mọi lĩnh vực rất lớn. Vì thế, sự trở về hội nhập nhanh vào thị trường lao động Việt Nam, tạo ra giá trị gia tăng cho đất nước của du học sinh là nguồn lực quan trọng. Vấn đề đặt ra ở đây chính là sự lựa chọn giữa lợi ích bản thân và lợi ích của đất nước, giữa được và mất của mỗi người. Một du học sinh bộc bạch, khi trở về nước làm một dự án mang lại lợi ích cao cho cộng đồng, anh đã bị cha mẹ giận dữ phản đối. Bởi lẽ họ đã đầu tư số tiền quá lớn cho anh đi du học tự túc và sự trở về đó coi như trắng tay.

Theo Chủ tịch VietAbroader Nghiêm Hoàng Linh, hội thảo nghề nghiệp lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam là cầu nối giúp du học sinh hiểu rõ hơn về thông tin về thị trường lao động, môi trường làm việc tại Việt Nam. Đây là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của du học sinh Việt Nam tại nước ngoài trong 10 năm qua và những trái tim tràn đầy nhiệt huyết cống hiến mong muốn đóng góp sức lực, trí tuệ xây dựng quê hương. Trân trọng tấm lòng và nguồn tài nguyên quý giá này, chúng ta phải làm gì để phát huy sức trẻ, tài năng, tạo cơ hội được cống hiến, được sáng tạo của du học sinh? Điều đáng suy ngẫm ở đây là các cơ quan chức năng đã có khảo sát, đánh giá thực trạng này như thế nào để có cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng nguồn chất xám từ nước ngoài trở về? Vì sao, nhiều người tài, du học sinh đã đánh đổi tương lai, sự nghiệp ổn định ở nước ngoài để về nước với khát khao được cống hiến phải ngậm ngùi, thất vọng?

Với xu thế cạnh tranh gay gắt của thế kỷ 21, tài nguyên nhân lực sẽ trở thành thế mạnh của quốc gia nào biết cách nuôi dưỡng, trọng dụng nguồn nhân lực tri thức, có kỹ năng cao. Như thế, nạn “chảy máu chất xám” không đơn thuần là ra khỏi khu vực nhà nước mà chính là nguồn lực du học sinh có tài năng sẽ rời bỏ đất nước, tìm đến các quốc gia phát triển làm việc, tìm kiếm cơ hội thăng tiến và thu nhập cao. Khi chúng ta không ngăn được dòng chảy này thì lấy đâu nguồn chất xám chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ của đất nước? Nếu du học sinh được đãi ngộ xứng đáng, được tạo môi trường làm việc sáng tạo, đúng sở trường thì việc “ra đi là để trở về” chứ không phải đắn đo, trăn trở như hiện tại.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục